Xã hội

Covid-19 ngày 15/4: F1 không phải cách ly

15/04/2022, 18:00

Tình hình dịch Covid-19 hôm nay ngày 15/4: Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất, F1 không còn phải cách ly.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Ngày 15/4, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần (F1).

Theo đó, trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành gửi đến các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã đạt tỷ lệ bao phủ cao trên phạm vi toàn quốc; Tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong liên quan đến COVID-19 giảm sâu, phần lớn các ca mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thực hiện Nghị quyết 38 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống dịch COVID-19, nhằm hài hoà giữa việc phát triển kinh tế xã hội và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện các nội dung dưới đây điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần (F1).

Cả nước có hơn 20.000 ca nhiễm mới, 23 F0 tử vong

Tính từ 16h ngày 14/4 đến 16h ngày 15/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 20.076 ca nhiễm mới, (giảm 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 15.555 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.425), Phú Thọ (1.094), Bắc Giang (935), Yên Bái (895), Quảng Ninh (887), Nghệ An (865), Vĩnh Phúc (813), TP. Hồ Chí Minh (743), Tuyên Quang (687), Đắk Lắk (671), Hải Dương (610), Bắc Kạn (595), Lào Cai (548), Quảng Bình (532), Thái Nguyên (528), Thái Bình (511), Bắc Ninh (506), Lạng Sơn (405), Gia Lai (361), Sơn La (353), Cao Bằng (336), Hưng Yên (309), Lâm Đồng (302), Quảng Trị (269), Ninh Bình (265), Nam Định (262), Hà Nam (262), Hà Tĩnh (255), Bình Định (248), Tây Ninh (231), Quảng Nam (226), Lai Châu (225), Hòa Bình (215), Bình Phước (210), Điện Biên (206), Hà Giang (202), Vĩnh Long (196), Đà Nẵng (190), Cà Mau (184), Phú Yên (150), Đắk Nông (148), Bình Dương (147), Thanh Hóa (119), Quảng Ngãi (110), Hải Phòng (106), Bà Rịa - Vũng Tàu (106), Bình Thuận (97), Bến Tre (94), Thừa Thiên Huế (92), An Giang (71), Long An (62), Khánh Hòa (61), Trà Vinh (33), Bạc Liêu (31), Kon Tum (25), Kiên Giang (23), Cần Thơ (14), Đồng Nai (13), Ninh Thuận (8, Hậu Giang (7), Đồng Tháp (2). - Ngày 15/4/2022, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 53.858 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-252), Lào Cai (-200), Lâm Đồng (-187). - Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (+253), Hà Giang (+89), Phú Yên (+68).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 25.163 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.394.533 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.104 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.386.786 ca, trong đó có 8.860.227 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.531.044), TP. Hồ Chí Minh (605.596), Nghệ An (474.374), Bình Dương (382.453), Bắc Giang (378.943).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.417 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.863.044 ca Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.242 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 953 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 81 ca; Thở máy không xâm lấn: 54 ca; Thở máy xâm lấn: 151 ca; ECMO: 3 ca

Số bệnh nhân tử vong:

Từ 17h30 ngày 14/4 đến 17h30 ngày 15/4 ghi nhận 23 ca tử vong tại: Bến Tre (4), Kiên Giang (2), An Giang (1), Bắc Kạn (1), Bạc Liêu (1), Bắc Ninh (1), Bình Dương (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Điện Biên (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Hà Nội (1), Lâm Đồng (1), Quảng Ngãi (1), Thanh Hóa (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 22 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.924 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

img

Tin tức Covid-19 liên tục được cập nhật trên Báo Giao thông ngày 15/4/2022.

Bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi

Sáng 14/4 tại Quảng Ninh, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng năm 2022".

Theo thống kê hiện nay trên toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, trong số đó ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022.

img

Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi từ 14/4.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi này. Dự kiến, trong tuần tới, việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này sẽ đồng loạt được thực hiện tại các tỉnh thành phố khác trên cả nước.

Việc tiêm vaccine sẽ được triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Với mỗi lô vaccine và từng nhóm trẻ, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Hiện có hai loại vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn trao đổi của bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tương tự như đối với nhóm từ 12 - 17 tuổi.

Cụ thể, người tiêm có thể gặp tình trạng đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm, kiệt sức, đau đầu tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm, đau cơ và ớn lạnh.

Theo chuyên gia, một số phản ứng có thể xảy ra gồm phổ biến và bất thường như sốt, phát ban, tím tái, mệt mỏi, li bì,... có thể xảy ra sau 4-8 giờ. Các tình trạng này thường giảm sau 1-2 ngày đầu. Do đó, nếu những biểu hiện này có dấu hiệu trầm trọng trọng hơn, cha mẹ cần liên hệ và đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.