Xã hội

Dịch Covid-19 ngày 22/8: Thêm 11.214 ca mắc mới tại 36 tỉnh, thành phố

22/08/2021, 18:20

Tình hình dịch Covid-19 ngày 22/8: Theo Bản tin của Bộ Y tế, hôm nay cả nước ghi nhận 11.214 ca nhiễm mới, trong đó có 11.208 ca trong nước.

Tin tức Covid-19 ngày 22/8 mới nhất

Bộ Y tế thông tin, tính từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 22/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.214 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 11.208 ca ghi nhận trong nước.

img

Hà Nội tiếp tục kiểm soát chặt người ra đường và xử lý nghiêm những trường hợp không có lý do chính đáng.

Cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh (4.193), Bình Dương (3.795), Đồng Nai (849), Tiền Giang (709), Long An (365), Đà Nẵng (183), Khánh Hòa (160), Đồng Tháp (142), Bà Rịa - Vũng Tàu (107), Cần Thơ (97), Tây Ninh (83), An Giang (69), Nghệ An (68), Vĩnh Long (49), Bình Thuận (47), Đắk Nông (39), Trà Vinh (39), Phú Yên (38), Bình Định (20), Hà Tĩnh (20), Quảng Nam (16), Kiên Giang (15), Sơn La (15), Đắk Lắk (12), Bắc Ninh (11), Hà Nội (11), Gia Lai (10), Cà Mau (10), Hậu Giang (7), Lào Cai (6), Bắc Giang (6), Ninh Thuận (5), Lạng Sơn (5), Quảng Ngãi (3), Quảng Trị (3), Thái Bình (1) trong đó có 6.387 ca trong cộng đồng.

Ngày 22/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng đăng ký bổ sung 138 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 91 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 109 ca, Bình Dương giảm 710 ca, Đồng Nai tăng 298 ca, Tiền Giang tăng 120 ca, Long An giảm 28 ca.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 348.059 ca nhiễm, đứng thứ 68/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.540 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 343.972 ca, trong đó có 144.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (175.994), Bình Dương (70.242), Long An (17.805), Đồng Nai (17.688), Tiền Giang (7.284).

Thừa Thiên Huế: 2 ca nhiễm cộng đồng, chỉ đi chơi trong xóm

Tối 22/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên cho biết, vừa ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19, trong đó có 2 trường hợp là F1 của bệnh nhân 279329 ở thị trấn A Lưới, huyện A Lưới.

img

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng... đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: UBND huyện A Lưới

Tối 22/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên cho biết, vừa ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19, trong đó có 2 trường hợp là F1 của bệnh nhân 279329 ở thị trấn A Lưới, huyện A Lưới.

2 ca mắc Covid-19 mới phát hiện tại huyện A Lưới là bệnh nhân có mã số 348074 (SN 2015, nam) và 348075 (SN 2016, nữ).

Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện A Lưới cũng đã phát đi thông báo khẩn tìm người liên quan đến 2 ca nghi nhiễm Covid-19 trên là H.T.D (nam, SN 2015) và H.H.T (nữ, SN 2016), hiện là ca mắc Covid-19 có mã số bệnh nhân 348074 và 348075.

Từ ngày 9- 14/8, 2 trường hợp trên ở nhà, có đi chơi trong xóm và một số nhà lân cận. Đến ngày 14/8 được đưa vào khu cách ly tập trung huyện (Trường THCS-DTNT huyện A Lưới).

Bệnh nhân 279329 là H.H.Y (nam, SN 1986, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới) được phát hiện ngày 16/8. Bệnh nhân 279329 là F1 của bệnh nhân 275160 (nam, SN 1999, quê quán xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi ở tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) trở về tỉnh Thừa Thiên Huế đã khai báo y tế và thực hiện cách ly tập trung.

Ngày 15/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn huyện A Lưới.

img

Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời đối với Tổ 4 - Tổ dân phố 2, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế từ 18h phút ngày 14/8 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.

Thực hiện giãn cách xã hội đối với thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế từ 6h ngày 15/8 theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.

2 ca mắc Covid-19 còn lại mới được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế công bố tối 22/8, gồm: bệnh nhân 348076 và 348077, đều từ TP.HCM trở về tỉnh Thừa Thiên Huế, đã khai báo y tế và thực hiện cách ly tập trung.

Trong khi đó, trường hợp tử vong bệnh nhân 219660 (SN 1994, nữ), chẩn đoán Covid-19 (+) nặng, nguy kịch/HC ARDS nguy kịch/Viêm cơ tim-Shock tim RLNT/Basedow- Cơn bão giáp/Rối loạn đông máu/Hậu phẫu mổ lấy thai ngày thứ ba thai 31w/Hồi sức tích cực không hồi phục.

Từ ngày 28/4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 416 trường hợp bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 66 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh. Trong đó, từ tỉnh/ thành phố khác chuyển đến 6 trường hợp, tại cộng đồng 33 trường hợp, tại chốt kiểm soát y tế 2 trường hợp và tại khu cách ly 375 trường hợp.

Tổng số ca tử vong tính đến ngày 22/8 là 2 trường hợp.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 789 F1 đang cách ly (tổng từ ngày 28/4 đến nay 2.456), 3.667 F2 đang cách ly (tổng từ ngày 28/4 đến nay 12.893). 7.255 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế 7, tại nơi lưu trú 4.365 và tại cơ sở cách ly tập trung 2.883 trường hợp.

Huy động gần 3.000 nhân lực y tế chi viện TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Tối 22/8, ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, đến tối nay đã có 1.800 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của một số Trường khối ngành Y Dược đăng ký tình nguyện vào TP. HCM.

Cụ thể, 750 học viên, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai có mặt tại TP.HCM trong đêm nay để sáng mai 23/8 tham gia cùng lực lượng lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ của thành phố triển khai các tổ lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Cùng đó, Trường Đại học Y Hà Nội cử thêm 250 người; Trường Đại học Dược Hà Nội sẽ cử 200 người; Học viện Y Dược học cổ truyền cử 150 người; Trường Đại học Y Dược Thái Bình cử thêm 250 người; Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cử 200 người.

Ông Sơn cũng thông tin, 8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã lên danh sách cử 450 - 500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để đồng hành cùng các đồng nghiệp chống dịch.

Như vậy, sau 1 ngày (từ 21-22/8), Bộ Y tế đã làm việc, gửi công văn huy động được khoảng 2.250 - 2.300 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ và học sinh, sinh viên thuộc các đơn vị của Bộ Y tế tình nguyện vào TP.HCM và 3 địa phương trên phục vụ các hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị.

Theo ông Sơn, đến thời điểm này, báo cáo từ một số tỉnh, thành phố gửi về Bộ Y tế cho biết có thêm 750 nhân lực y tế sẽ vào TP.HCM và Bình Dương, Long An, Đồng Nai tham gia phòng chống dịch.

7.580 bệnh nhân khỏi bệnh; 737 ca tử vong tại TP.HCM và 14 tỉnh, thành phố

Trong ngày 22/8, 7.580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 22/8 nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 147.667 ca.

Hiện có 687 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 24 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Ngày 21-22/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 737 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (599), Bình Dương (62), Đồng Nai (25), Tiền Giang (22), Đồng Tháp (11), Cần Thơ (4), Long An (4), Hà Nội (2), Bến Tre (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 22/8 là 8.277 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 181.660 xét nghiệm cho 720.341 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 9.450.525 mẫu cho 27.763.959 lượt người.

Trong ngày 21/8 có 370.836 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 17.065.896 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.274.648 liều, tiêm mũi 2 là 1.791.248 liều.

Trưa nay, Hà Nội có 7 ca nhiễm mới, 1 ca cộng đồng

Sở Y tế Hà Nội vừa cho biết, số ca mắc Covid-19 mới từ 06h đến 12h ngày 22/8 là 7 ca, có 1 ca tại cộng đồng.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội trong trưa nay phân bố theo quận/huyện: Đống Đa (2), Đông Anh (2), Bắc Từ Liêm (1), Ba Đình (1), Gia Lâm (1); Phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm ho sốt thứ phát (07).

Phân bố 01 trường hợp mắc mới tại cộng đồng theo quận huyện: Đống Đa (01) thuộc chùm ho sốt thứ phát.

Thông tin cụ thể 7 ca mắc mới ghi nhận trong kỳ báo cáo như sau:

Chùm ho sốt thứ phát (5)

(1) P.H.L, nữ, 2001.Đ/c: Sáp Mai, Võng La, Đông Anh, Hà Nội.

Dịch tễ: BN là công nhân công ty SEI, đã được chuyển cách ly tập trung và XN nhiều lần âm tính. Ngày 19/8, BN cùng phòng N.T.M dương tính, ngày 21/8, được lấy mẫu kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (CDC Hà Nội thực hiện)

(2).T, nữ, 1987.Đ/c: Đại Độ, Võng La, Đông Anh, Hà Nội.Dịch tễ: Bn là công nhân công ty SEI, đã được chuyển cách ly tập trung và XN nhiều lần âm tính.

Ngày 19/8, BN cùng phòng N.T.M dương tính. Ngày 20/8, xuất hiện đau rát họng, tức ngực, ngày 21/8, được lấy mẫu lần 4 kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (CDC Hà Nội thực hiện).

(3) P.T.K.T, nữ, 1970.Đ/c: Thôn 2, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Dịch tễ: là F1 của N.T.K, tiếp xúc lần cuối ngày 25/7. Ngày 28/7, được chuyển cách ly tập trung và kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính. Ngày 13/8, hết cách ly tập trung về cách ly tại nhà, BN xuất hiện ngứa họng, ho húng hắng.

Ngày 21/8, được lấy lại mẫu kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (CDC Hà Nội thực hiện).

(4) Đ.H.H, nữ, 1976.Đ/c: Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội.

Dịch tễ: BN là F1 của Đ.M.T tiếp xúc lần cuối ngày 19/8. Ngày 15/8, vào BVĐK Đức Giang trông cháu là Đ.M.T đã được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần âm tính (15/8 và 19/8).

Ngày 19/8, Đ.M.T dương tính nên BN được chuyển cách ly tập trung. Ngày 21/8, được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (CDC Hà Nội thực hiện).

(5) N.Đ.T, nam, 1986.Đ/c: Đội 9, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Dịch tễ: BN là F1 H.V.P, liên quan ổ dịch Viettel Post. Ngày 09/8 được chuyển cách ly tập trung và đã được lấy mẫu 2 xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 21/8, xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau đầu, được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (CDC Hà Nội thực hiện).

(6) Đ.M.T, nam, 2020Đ/c: Đội Cấn, Ba Đình.Dịch tễ: BN là F1 của BN Đ.N.T, được cách ly tại BV Đức Giang từ ngày 16/8 và xét nghiệm lần 1 âm tính.

Ngày 19/8 được xét nghiệm lần 2 kết quả dương tính (BV Đức Giang)(7) N.Q.T, nam, 2004Đ/c: Văn Miếu, Đống ĐaDịch tễ: BN là con của BN N.Q.T. Ngày 21/8 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện)

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 2.568 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.309 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.259 ca.

Thêm 4 phường ở Bình Dương thực hiện "khóa chặt" trong 7 ngày

Ngày 22/8, UBND TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã quyết định thực hiện việc giãn cách xã hội với biện pháp mạnh đối với một số khu vực trên địa bàn thành phố.

Theo đó, 4 phường thuộc "vùng đỏ" gồm Dĩ An, An Bình, Tân Đông Hiệp và Đông Hoà sẽ áp dụng biện pháp "khoá chặt, đông cứng" trong vòng 7 ngày kể từ 6h00 ngày 23/8 đến hết ngày 29/8.

UBND TP.Dĩ An yêu cầu người dân tại các phường trên "ai ở đâu ở yên đó", phường cách ly với phường, khu phố cách ly với khu phố, nhà cách ly nhà. Thiết lập các chốt kiểm soát, bịt kín lối ra vào, bảo vệ chặt chẽ từng địa bàn nhất là "vùng xanh", không để dịch bệnh quay trở lại "vùng xanh" đã thiết lập.

Người dân không được ra khỏi nhà 24/24 (trừ trường hợp được cấp phép), dừng việc cấp giấy đi ra ngoài như đi chợ, mua lương thực, hàng thiết yếu, trừ việc đi cấp cứu và mua thuốc trị bệnh.

Chỉ có các trường hợp được phép ra ngoài gồm: Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập đến cơ quan làm việc và đi về; các lực lượng y tế, tình nguyện viên làm nhiệm vụ; lực lượng xử lý sự cố hạ tầng, điện, nước, viễn thông, phóng viên, truyền hình, lực lượng giao hàng của siêu thị, cửa hàng thực phẩm, tiện lợi đến chốt gác và các đối tượng khác được cấp phép, xác nhận của cấp thẩm quyền trong khung giờ quy định.

Người dân chỉ được phép đến các chốt gác để nhận thực phẩm, hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm, thuốc men, trừ các trường hợp đi cấp cứu, đi xét nghiệm, tiêm vaccine, lo hậu sự trên cơ sở giấy mời, giấy yêu cầu, giấy xác nhận của cơ quan chức năng và phải thực hiện các biện pháp 5K.

Dừng toàn bộ hoạt động của chợ truyền thống, tiệm tạp hoá, chuyển hình thức bán hàng trực tiếp của các cửa hàng thực phẩm, tiện lợi, siêu thị sang hình thức nhận đơn hàng và giao hàng, phân phối đến các chốt gác để chuyển, phát cho người dân, các cửa hàng bán thuốc vẫn được phép hoạt động.

Trước đó, 11 phường của TP.Thuận An và TX.Tân Uyên cũng đã thực hiện biện pháp "khoá chặt, đông cứng", từ 0h ngày 22/8.

Toàn bộ người dân tại TP.HCM được "đi chợ hộ" từ 23/8

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ký văn bản khẩn về kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hoá, lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TP thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh TP.HCM triển khai nhiều biện pháp cấp bách, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội toàn TP với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch” kể từ 0h ngày 23/8 đến hết ngày 6/9.

Theo đó, từ ngày mai 23/8, việc cung ứng, phân phối hàng hoá cho người dân được thực hiện qua hình thức “đi chợ hộ” do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, MTTQ, tổ dân phố… và các lực lượng công an quân đội được tăng cường tại địa phương. Tần suất hỗ trợ là 1 lần tuần và tổ chức phân phối trực tiếp để người dân (hộ dân trả tiền).

Trong quá trình thực hiện nếu có thiếu hụt nguồn cùng thì Sở Công thương sẽ bổ sung và tổ chức điều phối các chuyến xe bán hàng lưu động, siêu thị mini di động để bổ trợ kênh phân phối.

Với hộ dân gặp khó khăn thì trên cơ sở rà soát, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hoá thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tổ chức cấp phát túi an sinh miễn phí, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót các trường hợp khó khăn.

Theo UBND TP, trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, TP dự kiến cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu trong một ngày là khoảng gần 11 ngàn tấn/ngày. Cụ thể gạo 981 tấn, lương thực chế biến khô như mì, bún, phở… là 660 tấn; thịt gia súc 755 tấn, thịt gia cầm 660 tấn, thực phẩm chế biến 236 tấn, trứng gia cầm 1 triệu quả… Ngoài ra, mỗi ngày TP cần 629.000 khẩu trang, 240.000 chai nước sát khuẩn.

Hà Nội thêm 7 ca mới sáng 22/8, có 3 ca ở HH Linh Đàm

Sở Y tế Hà Nội sáng 22/8 cho biết, 12 giờ qua TP ghi nhận 7 ca mắc mới trong đó 3 ca tại cộng đồng ở quận Hoàng Mai thuộc chùm ca ho sốt thứ phát.

Cụ thể, 2 ca phát hiện ở khu vực phong tỏa là nữ giới (33-43 tuổi) ở Hàng Bột, Đống Đa. Hai bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa tại ngõ Văn Hương (phong tỏa từ ngày 13/8) ngày 21/8 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

img

Chung cư HH Linh Đàm đã phong tỏa ngày hôm qua sau khi phát hiện có nhiều ca nhiễm Covid-19 tại đây.

Trong 5 người thuộc chùm ca ho, sốt thứ phát có 3 người ở chung cư HH4C Linh Đàm, gồm bé gái 4 tuổi, cô gái 26 tuổi và nam thanh niên 26 tuổi. Ngày 21/8 họ được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Trường hợp thứ 4 là chị V.T.K.D, 29 tuổi, ở Kim Chung, Đông Anh. Chị là F1 của bệnh nhân N.T.P. Ngày 16/8 được lấy mẫu (âm tính) và chuyển cách ly tập trung tại khu CT2, Đông Anh.

Ngày 18/8 xuất hiện sốt, ho, rát họng được chuyển Bệnh viện Đông Anh, ngày 19/8 được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Trường hợp thứ 5 là anh N.M.T, 35 tuổi, ở Thanh Lương, Hai Bà Trưng. Anh là F1 (chồng) của bệnh nhân N.T.T, được lấy mẫu (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung tại Thạch Thất.

Sau đó anh được chuyển sang cách ly tại Bệnh viện Đức Giang (do có con nhỏ đi cách ly cùng bố và có kết quả dương tính ở lần xét nghiệm thứ 2). Tại bệnh viện, bệnh nhân được lấy mẫu và có kết quả dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 2.561 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.308 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.253 ca.

31 đối tượng được cấp giấy đi đường tại TP.HCM từ 0h ngày 23/8

Chiều 21/8, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; các doanh nghiệp trên địa bàn TP tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông nhằm tăng cường siết chặt hơn nữa lưu lượng giao thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị 16.

img

UBND TP.HCM chỉ đạo từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9 chỉ có 31 đối tượng được cấp giấy đi đường.

Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP, Trung ương đóng trên địa bàn TP triển khai thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" với tối đã ¼ tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị.

Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn 2718 ngày 15/8 của UBND TP.HCM. Nhóm này bắt buộc phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.

Các đối tượng được cấp giấy đi đường, gồm:

- Thành viên của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị: không quá 10% trên tổng số.

- Các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan tự chịu trách nhiệm cấp giấy và có báo cáo cho Công an TP HCM. Cụ thể:

1. Cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc.

2. Người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính: ngân hàng, chứng khoán.

3. Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn TP.

4. Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối hoạt động trong địa bàn 1 quận/huyện từ 6-18 giờ; trừ TP Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn tạm dừng hoạt động.

5. Nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực thực phẩm, suất ăn, trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch: không giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động.

6. Nhân viên phục vụ tại hệ thống phân phối, điện lực: không giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động; riêng TP Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn thì thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến".

7. Nhân viên làm việc tại các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hoá, cửa hàng xăng dầu, gas: hoạt động từ 6-18 giờ, do Sở Công Thương quyết định số lượng và phạm vi hoạt động.

8. Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành xây dựng trên địa bàn TP (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật….).

9. Các công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

10. Nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch bệnh Covid-19, người đi cách ly và đi cách ly về.

11. Công an, quân sự di chuyển thay ca làm việc tại các chốt, trạm kiểm soát dịch, tổ tuần tra và lực lượng phối hợp.

12. Quân sự di chuyển thay ca làm việc tại các chốt, trạm kiểm soát dịch, tổ tuần tra và lực lượng phối hợp.

13. Nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ngoại giao.

14. Nhân viên các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất (có thời gian và đề xuất cụ thể).

15. Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc điều phối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện…).

16. Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, lực lượng báo chí.

17. Lực lượng cung ứng dịch vụ bưu chính nhà nước.

18. Dịch vụ công chứng.

19. Nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ…

20. Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.

21. Nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và các lực lượng phòng chống dịch do cấp huyện, xã trưng dụng.

22. Người dân đi tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 (cần có phiếu tiêm ngừa vaccine).

23. Tổ Covid-19 cộng đồng.

24. Cấp cứu, khám chữa bệnh định kỳ: không cấp giấy

25. Người dân vùng xanh đi chợ trên địa bàn theo quy định: thực hiện 1 lần/tuần.

26. Người đi chợ thay: xét nghiệm 1 lần/tuần và trang phục đồ bảo hộ.

27. Các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu…), cơ sở xuất ăn công nghiệp.

28. Các công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng): Làm việc "3 tại chỗ"; chỉ cấp phát khi ra ngoài trụ sở để giải quyết sự vụ kèm theo hồ sơ và thu hồi ngay sau khi về cơ quan.

29. Nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) phục vụ cách ly người nước ngoài, nhân viên y tế… do Sở Du lịch quản lý: làm việc "3 tại chỗ" và thu hồi ngay sau khi về cơ quan.

Nghệ An thêm 68 ca nghi Covid-19, khẩn cấp tìm người đến 9 chợ

Nghệ An ghi nhận 68 ca dương tính với nCoV trong 24 giờ qua, ngụ rải rác ở nhiều huyện, thành, thị. Trong số này có 34 ca trong cộng đồng. Các ca này chưa được Bộ Y tế công bố, xem như nghi nhiễm.

Như vậy, từ 13/6 đến nay, Nghệ An ghi nhận 828 ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại 20 địa phương, trong đó TP Vinh 197 ca, huyện Quỳnh Lưu 139, Yên Thành 88..

TP Vinh được đánh giá là nơi có diễn biến dịch bệnh căng thẳng nhất tại tỉnh. Hôm nay, thành phố đã ban hành thêm các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường phòng chống Covid-19. Theo đó, từ 22/8, các shipper tự do sẽ dừng hoạt động; shipper thuộc doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, chỉ hoạt động từ 7h đến 18h.

Tất cả người ra đường khi không có việc thiết yếu sẽ bị phạt. Mỗi gia đình chỉ đi chợ 3 ngày/lần tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh nơi cư trú.

Tối 21/8, lãnh đạo TP Vinh nhận định, ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn gia tăng, trong đó có nhiều ca liên quan tới các chợ dân sinh.

Tới nay thành phố cho biết tới nay đã phong tỏa 9 chợ gồm: Chợ đầu mối Vinh, chợ Bến Thủy, chợ Quyết, chợ Nghi Ân, chợ Mai Đâu, chợ Quán Bánh, chợ Đước, chợ Quang Trung, chợ Hưng Dũng.

Để hạn chế dịch lan rộng, thành phố thông báo cho tất cả tiểu thương, khách hàng đã trao đổi hàng hóa tại 9 chợ trên kể từ ngày 5/8 tới 21/8 thì lập tức tới trạm y tế phường xã để khai báo, đồng thời tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà...

Ngày 21/8, cả nước ghi nhận thêm 11.321 ca mắc mới

Bộ Y tế thông tính từ 18h30 ngày 20/8 đến 18h ngày 21/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.321 ca nhiễm mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca ghi nhận trong nước.

img

Hà Nội đẩy nhanh việc xét nghiệm sàng lọc tìm F0 trong cộng đồng.

Tại Bình Dương ghi nhận nhiều nhất với 4.505, tiếp đến là TP.HCM (4.084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8 ), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1) trong đó có 7.428 ca trong cộng đồng.

Ngày 21/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca. Tại Bình Dương tăng 2.400 ca, TP. Hồ Chí Minh tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Đồng Nai giảm 135 ca, Long An tăng 26 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 336.707 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.425 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 332.626 ca, trong đó có 137.313 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái.

3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (171.801), Bình Dương (66.447), Long An (17.440), Đồng Nai (16.839), Tiền Giang (6.575).

Trong hôm nay, có 7.272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 140.087 ca. 687 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 24 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 20/8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới. Số ca tử vong trong ngày hôm nay chưa cập nhật do Tiểu ban điều trị chưa chuyển số liệu về.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 212.537 xét nghiệm cho 905.353 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 9.268.865 mẫu cho 27.043.618 lượt người.

Trong ngày 20/8 có 190.681 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 16.494.665 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.787.599 liều, tiêm mũi 2 là 1.707.066 liều.

img

Các cơ quan cấp phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an TP.HCM để kiểm tra, giám sát.

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h sáng 6/9

Chiều 21/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký công điện số 19 về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố.

Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 trên phạm vi toàn thành phố (TP) để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Nội dung công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu:

Đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, đề nghị mỗi người dân thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm… là một pháo đài chống dịch; chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của TP, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của thành phố và sinh kế, sức khỏe của người dân.

Đề nghị mọi người dân chấp hành nghiêm và tham gia đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch của TP.

"Khi lượng người ra đường vẫn đông, nhiều trường hợp đã bị xử lý vi phạm, liên tiếp ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng tại các khu vực có mật độ dân cư đông, địa bàn phức tạp, ngõ ngách đan xen với các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ thiết yếu đang hoạt động tại khu vực.

Qua công tác xét nghiệm diện rộng, TP bước đầu đã xác định được một số địa bàn và đối tượng nguy cơ rất cao (vùng đỏ và nhóm đỏ), tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lớn có thể hình thành những ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, tại các tỉnh phía Nam dịch bệnh đang lây lan mạnh và sâu trong cộng đồng, một số tỉnh giáp ranh như Bắc Ninh, Bắc Giang dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại một số địa bàn", Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh nói về lý do TP tiếp tục thực hiện lệnh giãn cách xã hội.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã nhất trí chủ trương tiếp tục thực hiện giãn cách toàn TP Hà Nội.

Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho hay, trong thời gian giãn cách tới chủ động tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhất là xử lý các thông tin truyền thông liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

TP Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Thực hiện khai báo y tế hằng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Trường hợp người dân khi di chuyển vào TP vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của TP.

Trước đó, ngày 23/7, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày từ 6h sáng 24/7 khi tình hình dịch COVID-19 tại Thủ đô diễn biến phức tạp.

Xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai

Ngày 21/8, Bộ Y tế ban hành Công văn khẩn về ưu tiên tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương, khả năng cung ứng vaccine COVID-19, xem xét ưu tiên tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú trên địa bàn, đơn vị.

img

Nếu phụ nữ mang thai từ trên 13 tuần tuổi sau khi được giải thích vẫn đồng ý tiêm thì cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa…

Trong đó, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai được thực hiện theo quy định của Quyết định 3802 do Bộ Y tế ban hành ngày 10/8 như sau:

Phụ nữ mang thai từ trên 13 tuần là đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần là đối tượng trì hoãn tiêm chủng.Trước khi tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, phải hỏi tuổi thai, giải thích nguy cơ, lợi ích và chỉ nên cân nhắc tiêm cho phụ nữ từ trên 13 tuần tuổi nếu lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào vơi cả mẹ và thai nhi.

Nếu phụ nữ mang thai từ trên 13 tuần tuổi sau khi được giải thích vẫn đồng ý tiêm thì cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa…

Hiện Bộ Y tế cấp phép lưu hành 6 loại vắc xin ngừa COVID-19 là vaccine AstraZeneca - được sử dụng nhiều ở nước ta, Pfizer, BioTech, Moderna, Vero Cell, Sputnik V. Trong các loại này, có duy nhất Sputnik V ghi rõ cấm sử dụng trong thai kỳ. Còn các loại vaccine khác, khi nhà sản xuất không có chống chỉ định thì có thể sử dụng cho thai phụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.