Xã hội

Covid-19 ngày 23/2: 6 ca mắc mới, có 5 ca ở Hải Dương

23/02/2021, 18:09

Tình hình dịch Covid-19 ngày 23/2 mới nhất: Chiều 23/2, có thêm 6 ca mắc COVID-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương, đều là các F1 đã được cách ly.

tình hình dịch covid 23/2

Thống kê của Bộ Y tế số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam và thế giới trong ngày 23/2/2021.

Chiều 23/2, có thêm 6 ca mắc COVID-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương

Bản tin 18h ngày 23/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có thêm 6 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận tại Hải Dương và Quảng Ninh, trong đó riêng Hải Dương có 5 ca. Cụ thể:

- CA BỆNH 2396-2399 và 2401 (BN2396-2399, BN2401) 5 ca ghi nhận tại Hải Dương là các trường hợp F1, đều đã được cách ly tập trung trước đó.

Hiện BN2396-2399 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương;

BN2401 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh.

- CA BỆNH 2400 (BN2400) ghi nhận tại Quảng Ninh là trường hợp F1 liên quan đến các bệnh nhân BN1633 và BN1655, BN1656, BN2093, hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Điều trị tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh.

img

Hải Phòng luôn tạo điều kiện cho hàng hóa và phương tiện Hải Dương vào TP nếu đáp ứng được các điều kiện phòng chống dịch

Hải Phòng tạo điều kiện cho hàng hóa Hải Dương nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch

Ngày 23/2, UBND TP Hải Phòng phát đi Văn bản hỏa tốc số 1082/UBND-KTGS1 về việc phúc đáp Văn bản số 558/UBND-VP ngày 21/2/2021 của UBND tỉnh Hải Dương về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp địa bàn tỉnh Hải Dương.

Văn bản nêu rõ, từ ngày 16/2/2021, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch Covid-19 của TP giải quyết cho các lái xe cùng phương tiện vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào TP Hải Phòng khi đảm bảo đồng thời các điều kiện.

Có hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng...), và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

Lái xe và phụ xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR tại đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 trong thời gian 3 ngày gần nhất.

Các doanh nghiệp, chủ phương tiện và các lái xe, phụ xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, giấy tờ khi xuất trình các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng kiểm soát.

Đối với các lái xe của TP Hải Phòng chở hàng đi tỉnh Hải Dương thì phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc của UBND phường, xã, thị trấn; khi trở về phải ở lại khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và lấy mẫu xét nghiệm, trường hợp cố tình về nhà thì mới bắt buộc vào nơi cách ly tập trung.

Thành phố Hải Phòng cũng khẳng định, hiện nay các lái xe cùng phương tiện vận tải hàng hóa của tỉnh Hải Dương và các lái xe của Hải Phòng đi tỉnh Hải Dương khi trở về vẫn được vào thành phố Hải Phòng trên cơ sở đảm bảo các điều kiện trên. Vì thế không cần thiết phải thực hiện phương án mà UBND tỉnh Hải Dương đề xuất.

"Người dân sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí"

Sáng 23/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo). Cuộc họp đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Ban Chỉ đạo cho biết vaccine ngừa Covid-19 sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ. Về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, có phần nhỏ vaccine dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.

img

Lực lượng của HCDC lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại Bến xe Miền Đông cũ.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất cho học sinh trở lại trường từ 1/3

Chiều 23/2, thông tin từ Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, Sở đã có văn bản báo cáo và đề xuất UBND TP cho học sinh đi học lại từ ngày 1/3.

Theo văn bản, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhu cầu cho trẻ đến trường của phụ huynh hiện nay là rất lớn đặc biệt phụ huynh khối mầm non có nhu cầu gửi trẻ đến trường, đến các nhóm, lớp nhằm ổn định công việc.

Căn cứ tình hình công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay của TP, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thấy việc học sinh quay lại trường từ ngày 1/3 là phù hợp.

Cũng theo báo cáo trên, tính đến ngày 19/2, toàn ngành giáo dục TP.HCM có 1 học sinh diện F0, 74 nhà giáo và học sinh diện F1, 361 nhà giáo và học sinh diện F2, 2.680 nhà giáo và học sinh đi về từ các vùng có dịch. Trước đó, UBND TP.HCM đã có quyết định cho học sinh các cấp dừng đến trường đến hết ngày 28-2 và ở nhà học online.

Hải Dương xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng từ 24/2

Đó là nội dung được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương đưa ra tại cuộc họp triển khai xét nghiệm (XN) SARS-CoV-2 để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch diễn ra ngày 23/2.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh dự kiến lấy tổng số từ 160.000-180.000 mẫu, xét nghiệm Covid-19 theo kỹ thuật Realtime-PCR nhằm đánh giá nguy cơ để đáp ứng phòng chống dịch nhanh và hiệu quả nhất; đánh giá các vùng an toàn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

img

Việc xét nghiệm tại Hải Dương được tiến hành trên diện rộng.

Việc lấy mẫu xét nghiệm phân nhóm theo nguy cơ. Cụ thể, nhóm các địa phương có nguy cơ cao gồm TP Chí Linh, TP Hải Dương, các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng.

Nhóm các địa phương có nguy cơ gồm 3 địa phương: thị xã Kinh Môn, Nam Sách và Bình Giang. Các địa phương còn lại thuộc nhóm có nguy cơ thấp. Cuối cùng là nhóm các doanh nghiệp trên địa bàn.

Căn cứ vào mục đích xét nghiệm phân thành 5 loại mẫu cần lấy gồm: lấy mẫu phòng chống dịch bắt buộc theo quy định chung; lấy mẫu bắt buộc để đáp ứng xử lý ngay ổ dịch; lấy mẫu để đánh giá nguy cơ và nhận định tình hình dịch; lấy mẫu để đánh giá tiêu chí an toàn Covid-19; lấy mẫu nhóm đối tượng phát sinh để đáp ứng phòng chống dịch theo tình hình thực tiễn chống dịch của địa phương.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện triển khai kế hoạch xét nghiệm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 để điều phối thực hiện xét nghiệm và trả lời kết quả trong vòng 24 giờ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu khẳng định công tác xét nghiệm rất quan trọng. Hải Dương đang bước vào giai đoạn 2 trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

11 đối tượng ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam

Theo quyết định về kế hoạch tiếp nhận, sử dụng vaccine ngừa Covid-19 do COVAX Facility hỗ trợ của Bộ Y tế, có 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

Lực lượng công an; Lực lượng quân đội; Giáo viên; Người trên 65 tuổi.

Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...

Người mắc các bệnh mãn tính; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

2 ca nghi nhiễm Covid-19 mới ở Hải Dương tiếp xúc nhiều người

Ngày 23/2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương ghi nhận thêm 2 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 là bà Đ.T.S. (sinh năm 1968) và Đ.T.L. (sinh năm 1989) cùng trú phường Tứ Minh, TP Hải Dương.

Cả hai trường hợp nghi nhiễm đều làm nghề bán cá ở chợ và đã tiếp xúc với nhiều người.

Lực lượng chức năng đang truy vết các F1, F2, đồng thời kêu gọi những ai liên quan đến các trường hợp nghi nhiễm liên hệ ngay với cơ sở y tế.

img

2 trường hợp nghi nhiễm Covid -19 đều là người bán cá, từng tiếp xúc với nhiều người

Trường hợp 1 là bà Đ.T.S. bán cá tại chợ Tân Kim và chợ Hồ máy Sứ (TP Hải Dương) cùng con gái là bệnh nhân ĐT (trú huyện Cẩm Giàng). Hằng ngày từ 7h đến 13h, bà S. đi chợ Hồ máy sứ bán cá cùng với con gái ở dưới cây vú sữa cách ngã ba Điện Biên Phủ khoảng 20 mét.

Trưa mẹ con bà S. về nhà, chiều từ 15h - 20h lại bán cá tại chợ Tân Kim tại khu vực bên trong chợ đối diện cửa hàng bán gạo bà Nhâm.

Sau khi bán hàng, buổi tối bà S. lại đi chợ Hui (huyện Gia Lộc) lấy hàng.

Ngày 8/2, do con rể bà S. diện F1 cách ly tại nhà nên con gái bà nghỉ bán. Còn bà S. tiếp tục đi bán hàng đến hết buổi sáng 11/2.

Từ ngày 12 đến 14/2, bà S. cách ly tại nhà do là F2 (con rể bà thành F0).

Ngày 14/2, con gái bà S. dương tính COVID-19, bà S. được đưa đi cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học Hải Dương.

Kết quả xét nghiệm lần 1 bà S. âm tính, đến ngày 22/2 xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính.

Trường hợp thứ 2 là ĐTL bán cá tại chợ Tân Kim (phường Tân Bình).

Sáng 8/2, ĐTL bán cá cùng con gái bà S. ở chợ Tân Kim, đến 19 giờ về nghỉ tại nhà.

Các ngày 9 và 10/2, ĐTL bán cá tại chợ Kim Tân

Ngày 11/2, mua khoai tây của chị Linh tại sạp hàng đối diện cửa hàng gạo bà Nhâm trong chợ Tân Kim). Tối về nhà làm cơm tất niên gia đình.

Chiều 12/2, đến chúc Tết và ăn cơm tối tại nhà bố đẻ tại 29 Vũ Bằng, khu Thượng Đạt (phường Tứ Minh,TP Hải Dương).

Từ 12 đến 14/2, cách ly tại nhà, có tiếp xúc các thành viên gia đình.

Ngày 14/2, đi cách ly tại Ký túc xá Đại học Hải Dương do là F1 của con gái bà S.

Kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính, đến 22/2 lấy xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính Covid-19.

Bí thư Hải Dương yêu cầu kiểm điểm tập thể huyện ủy Kim Thành, Cẩm Giàng

Sáng 23/2, đại diện tỉnh ủy Hải Dương cho biết vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng về tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đồng thời triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương phê bình và yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể Ban Thường vụ cấp ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng vì đã tổ chức thực hiện chưa nghiêm, thiếu quyết liệt và hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh.

Giao cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời, hướng dẫn ủy ban kiểm tra cấp ủy huyện kiểm tra các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid -19 và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định từ nay đến ngày 2/3 là thời gian quý giá để tổng phản công, quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19. Yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền phải chỉ đạo nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn nữa, tận dụng từng phút, từng giờ, chạy đua với thời gian và tốc độ lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt là phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Người đứng đầu phải chịu mọi hình thức xử lý kỷ luật nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra dịch bệnh mà do nguyên nhân chủ quan, lơ là. Các Phó Bí thư Tỉnh ủy, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách các đơn vị cấp huyện phải thường xuyên kiểm tra đột xuất đến các thôn, khu dân cư, nhà máy, phân xưởng, chợ, siêu thị...

Nếu phát hiện người đứng đầu địa phương, đơn vị chủ quan, lơ là trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch thì đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phê bình, kỷ luật ngay. Phát huy tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy cấp cơ sở và chi bộ, nhất là ở khu dân cư; nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống dịch.

Xét nghiệm covid-19 23/2 tại Hải Dương

Việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng cho công nhân tại các khu công nghiệp nhằm đảm bảo nguồn nhân lực .

Bệnh viện Dã chiến tỉnh Gia Lai lần đầu cho 4 bệnh nhân xuất viện

Sáng 23/2, Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã làm thủ tục cho phép 4 bệnh nhân và 2 người thân thăm nuôi tại bệnh viện Bệnh viện dã chiến (TP. Pleiku) xuất viện.

img

Bác sĩ Mai Xuân Hải - giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai chúc mừng các bệnh nhân mắc Covid-19 ra viện.

Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, các bệnh nhân mã số: 1719, 1995, 1718, 2069 và 2 người thân thăm nuôi bệnh nhân là Nay H.P (F1, mẹ bệnh nhân mã số 1995) và Siu H.U (F1, mẹ bệnh nhân mã số 2069) được xuất viện sau thời gian điều trị và đảm bảo đầy đủ các điều kiện.

"Tất cả các bệnh nhân được đón tiếp chu đáo, thực hiện quy trình điều trị theo phác đồ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế.

Các bệnh nhân trước khi ra viện được xét nghiệm âm tính 5 lần liên tiếp đối với SARS-CoV-2. Cả 4 bệnh nhân và 2 người F1 trước khi xuất viện được kiểm tra và xác định tỉnh táo, không ho, không sốt, ăn ngủ được, các xét nghiệm máu và X quang phổi trong giới hạn bình thường", ông Hải nói.

img

Ông Mai Xuân Hải, giám đốc sở Y tế tỉnh Gia Lai chào các bệnh nhân về với gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc, Giám đốc bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 tỉnh Gia Lai cho biết, bệnh viện đi vào hoạt động đón tiếp bệnh nhân điều trị từ chiều 30 Tết.

Có tất cả 20 bệnh nhân điều trị tại đây. Các bệnh nhân ngoài được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế thì còn được chăm sóc về tâm lý, dinh dưỡng và các bài tập thể dục để nâng cao sức khoẻ, sức đề kháng cơ thể.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai, từ ngày 30/1 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 27 ca dương tính với với SARS-CoV-2. Đến nay đã có 5 ca bệnh được xuất viện trở về gia đình và tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly tại nhà 14 ngày.

Từ ngày 12/2 đến 23/2, trên địa bàn tỉnh Gia Lai không ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Nhiều địa phương cũng đã thay đổi hình thức kiểm soát phòng dịch.

img

Các nhân viên Y tế tại bệnh viện Dã chiến chào các bệnh nhân từ xa.

Thêm 3 ca mắc mới liên quan đến ổ dịch Kim Thành

Tính đến 6h ngày 23/2: Việt Nam có tổng cộng 1.496 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 803 ca.

Trong đó, Hải Dương có 620 ca, Quảng Ninh (60 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (35 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (2 ca).

Sáng nay (23/2), Hải Dương ghi nhận thêm 3 ca mắc mới Covid-19, đều là F1 liên quan đến ổ dịch xã Kim Liên, huyện Kim Thành.

Tính đến sáng ngày 23/2, một số địa phương như Quảng Ninh đã trải qua 7 ngày không có ca mắc mới và 14 ngày không có ca mắc trong cộng đồng. Trước đó, ngày 8/2, Quảng Ninh đã công bố kiểm soát được dịch COVID-19; Hà Nội đã qua 1 tuần chưa ghi nhận ca mắc mới COVID-19; Tỉnh Gia Lai đã trải qua 12 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.

Tính từ 18h ngày 22/2 đến 6h ngày 23/02: 3 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Hai ca nhiễm Covid-19 mới ở Hải Phòng di chuyển dày đặc ở những đâu?

Chiều 22/2, thành phố Hải Phòng ghi nhận thêm 2 ca nhiễm Covid-19 nữa, là bạn trai và em gái của chị Đ.T.Ph (ca bệnh 2385, sinh năm 1995, địa chỉ thôn 4, xã Hoàng Động, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng).

Chị Đ.T.Ph là nữ điều dưỡng Bệnh viện GTVT đã được xác định nhiễm Covid-19 từ sáng 22/3.

Phong tỏa tại Thủy Nguyên, Hải Phòng ngăn ngừa Covid 19

Khu vực thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, Thủy Nguyên đã được phong tỏa

​Theo thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, hai ca mắc mới là bệnh nhân N.V.Q. (SN 1994, HKTT: huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; nơi ở: Số 1, lô 112 Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng, là bạn trai của bệnh nhân Đ.T.Ph) và em Đ.M.T (SN 2001, ở thôn 4 xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, là em gái của bệnh nhân Đ.T.Ph).

Bệnh nhân N.V.Q (BN 2391) hiện đang làm điều dưỡng khoa Ngoại, Bệnh viện Giao thông vận tải.

Theo khai báo, trong 14 ngày trở lại đây, bệnh nhân không đi ra khỏi Hải Phòng.

Về lịch trình di chuyển, bệnh nhân có có lịch trình di chuyển tiếp xúc tương tự BN 2385 (là bạn gái - xã Hoàng Động, Thủy Nguyên), trong các ngày 7/2 đến 22/2/2021.

Hải Dương đề xuất Ấn Độ viện trợ 200.000 - 300.000 liều vaccine Covid-19

Sáng 23/2, ông Trương Văn Hơn - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết: UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam xem xét, đề xuất với Chính phủ Ấn Độ viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Hải Dương từ 200.000 - 300.000 liều vaccine COVID-19 do Ấn Độ sản xuất.

Lượng vaccine này để tiêm chủng cho những cán bộ y tế, chiến sĩ, những người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao trong tuyến đầu chống dịch.

Theo ông Hơn, trước đó, tỉnh nhận được thông tin từ Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư Invest Global của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết trung tâm này đề nghị Đại sứ quán Ấn độ viện trợ vaccine COVID-19 cho Hải Dương để góp phần hỗ trợ tỉnh phòng chống dịch COVID-19.

Đại sứ quán Ấn Độ chia sẻ, Chính phủ Ấn Độ sẵn sàng viện trợ từ 200.000 - 300.000 liều vaccine COVID-19 do Ấn Độ sản xuất cho tỉnh Hải Dương. Chủng loại vaccine này được kiểm nghiệm và sử dụng phổ biến tại Ấn Độ, được Chính phủ nước này viện trợ cho nhiều nước trên thế giới.

Tới thời điểm này, Hải Dương là tỉnh có số ca nhiễm Covid -19 nhiều nhất cả nước. Sau hơn 6 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương từng bước được kiểm soát; số ca dương tính với SARS-CoV-2 có chiều hướng giảm dần.

Bệnh nhân Đ.M.Th. (BN 2392) có lịch trình di chuyển:

Ngày 7/2/2021: Đi chợ Đổ và siêu thị Mega Market cùng bệnh nhân Đ.Th.Ph (ca bệnh 2385).

Ngày 8-9/2/2021: Ở nhà.

Ngày 10/2: Đi Bệnh viện Thủy Nguyên thăm bạn tại Khoa Sản.

Ngày 11/2/2021: Đi uống Cafe tại cuối ngõ 25/10 Thủy Nguyên.

Ngày 12/2/2021: Gặp bạn trai tại xã Cao Nhân, Thủy Nguyên.

Ngày 13/2: Sang nhà dì chơi.

Ngày 14/2: Gặp bạn trai tại xã Cao Nhân, Thủy Nguyên.

Ngày 15/2/2021: Sang nhà bác chơi.

Ngày 16-22/2/2021: Đi tạp hóa gần nhà rồi về, ở nhà không đi đâu.

Cũng liên quan đến các ca bệnh, kể từ 18h ngày 22/2, Hải Phòng kích hoạt hàng loạt các biện pháp mạnh nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Bệnh nhân Đ.T.Ph (BN2385) có lịch trình di chuyển:

Ngày 7/2/2021: 12h đi ăn bánh mỳ chảo tại quán gần đường tàu Cát Cụt. Đến 13h đi chợ Đổ; 13h40-14h40 đi Siêu thị Metro; 17h vào cửa hàng vàng ở Cầu Đất; 17h30-18h uống cà phê trên đường Hoàng Minh Thảo, Lê Chân; 18h vào nhà đồng nghiệp ở Nguyễn Tường Loan, Lê Chân.

Ngày 8 - 9/2: đi làm tại Bệnh viện GTVT. Trưa ăn cơm gọi từ quán chị Thủy (gần Bệnh viện).

Ngày 10/2: Sáng ra chợ xã; 15h30 đi đến nhà cô Oanh xã Phục Lễ chúc Tết. 16h về và ở nhà. Tối đi mua nhẫn ở cửa hàng PNJ Trần Nguyên Hãn, Lê Chân.

Ngày 14/2: Sang nhà bà ngoại (thôn 4 Hoàng Động); 17h-20h30 ở hóa vàng ở nhà cô (khu dự án ven sông Lạch Tray, Vĩnh Niệm).

Ngày 15/2: 8h30 - 13h30 ở nhà bác (ở Dư Hàng, Lê Chân).

Ngày 17-19/2: đi làm tại Bệnh viện GTVT. Trưa ăn cơm gọi từ quán chị Thủy (gần Bệnh viện).

Ngày 20/2: 9h-22h ăn cơm ở nhà anh Tiến (ở Miếu Hai Xã).

Ngày 21/2: 9h20 đến Bệnh viện lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc sau đó về nhà, 11h đến nhà chị Linh ở Cát Bi.

Chiều 22/2, thêm 9 ca mắc mới Covid-19 ở Hải Dương và Hải Phòng

Bộ Y tế thông tin, Việt Nam có tổng cộng 1493 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 800 ca.

Hôm này ghi nhận 9 ca mắc mới, tại Hải Phòng (3), Hải Dương (6).

Cụ thể, 6 ca (BN2384, BN2386-BN2390) ghi nhận tại Hải Dương, là các trường hợp F1, đã được cách ly trước đó. Hiện có 3 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh) và 3 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

BN2385, BN2091-2092 là 3 ca ghi nhận tại Hải Phòng. Thông tin dịch tễ đang được tiếp tục điều tra bổ sung. Các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 120.827 người.

Hà Nội dự kiến ngày 1/3, gỡ điểm phong toả cuối cùng

Chiều nay (22/2), dưới sự chủ trì của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp nghe báo cáo cập nhật và cho ý kiến về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Tại đây, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, cho biết, tính đến hôm nay, tổng số người về từ tỉnh Hải Dương được rà soát tại Hà Nội là 51.595 người, trong đó đã lấy mẫu xét nghiệm 49.637 người, đến nay đã có 40.672 người cho kết quả, tất cả đều âm tính.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, số người khai báo về từ vùng dịch sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người từ Hải Dương ngày 23/2

Các bác sĩ đang lấy mẫu xét nghiệm cho người đi từ Hải Dương đến Hà Nội.

Ngoài ra, thành phố đã gỡ phong tỏa 14 điểm. Hiện nay, toàn địa bàn còn 4 điểm vẫn đang thực hiện phong tỏa là thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh; tòa nhà khách sạn Somerset West Point, số 2 Quảng An, quận Tây Hồ; tòa nhà Sun Red River Building, số 23 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm và số 14/4B Yên Thế, quận Ba Đình.

Dự kiến chậm nhất vào ngày 1/3, nếu không có diễn biến mới, thành phố sẽ gỡ bỏ điểm phong tỏa cuối cùng.

Diễn biến liên quan, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 112.232.700 ca, trong đó có 2.484.166 người thiệt mạng.

Theo các số liệu của AP, 1 năm sau khi Mỹ xác nhận ca tử vong đầu tiên vì virus SARS-COV-2, số người tử vong vì virus này tại Mỹ đã vượt mốc 500.000 người, cao hơn con số của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Ngày 22/2, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ ra lệnh treo cờ rủ trên khắp các tòa nhà liên bang nhằm tưởng niệm 500.000 người dân Mỹ đã tử vong vì đại dịch COVID-19.

Tại Anh chiều 22/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trình bày trước Hạ Viện Anh về lộ trình 4 bước nới lỏng phong tỏa tại vùng England. Theo đó, England sẽ bắt đầu bước1 nới lỏng lệnh phong tỏa là ngày 8/3 kết thúc 11 tuần tuần phong tỏa cấp độ cao nhất, và là lần phong tỏa thứ 3 trong vòng 12 tháng qua.

Hiện, Ba Lan đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 sau khi ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm gần đây, với khoảng 8.000 ca mỗi ngày.Lực lượng chức năng nhận định Ba Lan có thể chạm ngưỡng đỉnh dịch vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 14.814 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 51.190 người.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á, chiếm hơn 30% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục. Indonesia ghi nhận thêm 10.180 ca COVID-19 và 202 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.288.833 ca và 34.691 ca.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.192 ca bệnh mới, 6 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.

Triển khai phòng dịch Covid-19

Một quán ăn sử dụng tấm chắn để ngăn khả năng lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 11/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 22/2 ghi nhận thêm 89 ca bệnh mới, song không có ca tử vong.

Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp do số ca mắc mới trong ngày thường ở mức khoảng 100 ca/ngày.

Ngày 22/2, Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 2.288 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc trong cả nước lên 563.456. Nước này cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong đưa tổng số ca không qua khỏi lên 12.094, trong khi có thêm 33 người khỏi bệnh đưa tổng số người hồi phục lên 522.874.

Tính đến sáng 22/2, Campuchia xác nhận 78 trường hợp dương tính với COVID-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2”, nâng tổng số các ca mắc COVID-19 được phát hiện ở nước này từ đầu mùa dịch đến nay lên 568 trường hợp, trong đó 473 người đã khỏi bệnh và không có bệnh nhân tử vong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.