Xã hội

Covid-19 ngày 8/2: TP.HCM dừng quán nhậu, karaoke, bar, vũ trường từ 9/2

Tin tức dịch Covid-19 ngày 8/2 tại Việt Nam: Từ 12h trưa 9/2 cho đến khi có thông báo mới, TP.HCM dừng tất cả các hoạt động vui chơi giải trí...

img

Số liệu của Bộ Y tế về tình hình Covid-19 tính đến 18h ngày 8/2/2021 tại Việt Nam và thế giới

Từ 12h trưa mai 9/2, TP.HCM dừng quán nhậu, karaoke, bar, vũ trường

Chiều 8/2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, trước tình hình và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ 12h trưa 9/2 (tức 28 Tết) cho đến khi có thông báo mới, TP.HCM dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử; các trung tâm tiệc cưới; phòng trà, sân khấu - kịch, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh thể thao, yoga, phòng tập gym, bi-da.

Ngoài ra, dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động từ 20 người trở lên ở các cơ sở tôn giáo, thờ tự.

Các cửa hàng xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu, dược phẩm, cơ sở khám chữa bệnh hoạt động bình thường nhưng phải chấp hành đầy đủ quy định của cơ quan y tế.

Đối với các hoạt động tại đường hoa, đường sách Tết trên đường Nguyễn Huệ sẽ không tổ chức lễ khai mạc. Chỉ mở cửa từ 8h đến 17h.

Ngoài ra, ông Phong cũng chỉ đạo UBND các địa phương xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.

45 ca mắc mới trong ngày 8/2, trong đó có bé gái 10 tháng tuổi

Tối 8/2, Bộ Y tế thông tin có thêm 45 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, bao gồm Quảng Ninh (3), Hà Nội (3), Gia Lai (2), Hồ Chí Minh (25), Hải Dương (12).

Tính đến 18h ngày 8/2, Việt Nam có tổng cộng 1160 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó 467 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay. Cụ thể:

BN2006: Nam, 7 tuổi, địa chỉ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bệnh nhân là con và có tiếp xúc với BN1727, được cách ly từ ngày 29/1. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 7/2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí.

BN2007: Nữ, 43 tuổi, địa chỉ tại Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bệnh nhân là công nhân của Công ty TNHH Poyun, được cách ly từ 30/1. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 7/2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.

BN2008: Nam, 5 tuổi, địa chỉ tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Bệnh nhân là con và có tiếp xúc với BN1553, được cách ly từ ngày 27/1. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 7/2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh.

BN2009: Nữ, 28 tuổi, địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Bệnh nhân có tiếp xúc với BN1722, ngày 5/2 bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, đau họng. Lấy mẫu ngày 6/2, kết quả xét nghiệm ngày 7/2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

BN2010: Nữ, 50 tuổi, địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bệnh nhân tiếp xúc gần với BN2009.

BN2011: Nữ, 10 tháng tuổi, địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bệnh nhân là con của BN2009.

Kết quả xét nghiệm của BN2010-2011 ngày 8/2/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

BN2012: Nam, 33 tuổi, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Bệnh nhân tiếp xúc gần với BN1952, BN1982. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Ayunpa, tỉnh Gia Lai.

BN2013: Nữ, 32 tuổi, huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai. Bệnh nhân tiếp xúc gần với BN1845. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Ayunpa, tỉnh Gia Lai.

BN2014-2038 ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, là các ca bệnh có tiếp xúc với các bệnh nhân trước đó được ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất (thông tin dịch tễ đang điều tra bổ sung).

BN2039-2050 ghi nhận tại tỉnh Hải Dương, là các ca bệnh trong khu phong tỏa tại huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Chí Linh (thông tin dịch tễ đang điều tra bổ sung).

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 89.782

Lãnh đạo TP Hà Nội và các quận, huyện không được rời Thủ đô dịp Tết

Chiều 8/2, Thường trực Thành uỷ Hà Nội họp nghe báo cáo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo và ý kiến phát biểu của các sở, ban, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, liên tiếp các ngày gần đây đều có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Có địa phương xuất hiện ca bệnh còn chưa rõ nguyên nhân, bệnh nhân không có triệu chứng của Covid-19, có trường hợp trốn tránh khai báo y tế, hoặc khi khai báo y tế thì không trung thực, gây khó khăn cho công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Do đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế, các chỉ đạo, chỉ thị của Thành ủy, UBND thành phố về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch.

Thường trực Thành ủy yêu cầu cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu rõ tác hại của dịch bệnh, thực hiện đầy đủ khai báo y tế và khai báo trung thực; xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo và khai báo không trung thực, cần thiết xem xét xử lý hình sự.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng chống dịch bệnh.

Ông Vương Đình Huệ: Xem xét xử lý hình sự bệnh nhân COVID-19 khai báo quanh co

Chiều 8/2, tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội, sau khi nghe Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố, lãnh đạo Công an Thành phố, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm báo cáo, Bí Thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo: “Đối với các trường hợp bệnh nhân cố tình không khai báo y tế để lây nhiễm bệnh ra cộng đồng sẽ xử lý thật nghiêm, cần thiết xem xét xử lý hình sự".

Trường hợp ông Huệ đề cập đến là bệnh nhân N.T.K.A (SN 1993, trú tại tòa nhà Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm), trong thời gian tiếp xúc với F0 (BN1722) đến khi có kết quả dương tính là 12 ngày và tiếp xúc với rất nhiều người trên địa bàn hai quận Nam Từ Liêm mà không khai báo y tế, không khai báo thành khẩn với các cơ quan chức năng.

Tại cuộc họp, Thường trực Thành Uỷ cũng chỉ đạo Công an Thành phố tiếp tục xử phạt nghiêm với mức xử phạt cao nhất đối với người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, xử lý nghiêm người đăng thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận về dịch bệnh Covid-19.

Tính toán cả kịch bản, phương án phòng chống dịch sau Tết

Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố tính toán các kịch bản, phương án phòng, chống dịch sau Tết khi công nhân, người lao động, cán bộ, viên chức, học sinh quay lại làm việc và học tập. Nguyên tắc phải bảo đảm tuyệt đối an toàn các hoạt động của hệ thống chính trị và các hoạt động sản xuất kinh doanh, giáo dục và đào tạo trong điều kiện bình thường mới; tăng cường quản lý nhập cảnh trái phép.

Ông Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các Bí thư, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; lãnh đạo thành phố không được rời thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, trừ trường hợp bất khả kháng.

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục củng cố cơ sở cách ly hiện có, tăng cường bảo hộ, an toàn cho nhân viên phục vụ công tác cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Đồng thời, đồng ý đề xuất tăng chế độ tiền ăn lên 250.000 đồng/người/ngày cho cả 2 đối tượng: Người bị cách ly và lực lượng phục vụ công tác cách ly như đề xuất của Sở Tài chính; giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo thực hiện sớm việc hỗ trợ thêm cho người cách ly, người phục vụ, lực lượng vũ trang tham gia công tác phòng, chống dịch trong 5 ngày Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, đối với các đối tượng đang thực hiện cách ly tại tòa nhà chung cư, cách ly tại gia đình, Thường trực Thành uỷ giao Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các quận, huyện quan tâm chăm lo bằng cách hình thức phù hợp.

TP.HCM: Phong toả chung cư Felix Homes với 300 hộ và 900 nhân khẩu

Chiều 8/2, đại diện Trung tâm Y tế quận Gò Vấp TP.HCM cho biết, cơ quan chức năng đã cho phong tỏa chung cư Felix Homes với 300 hộ dân và 900 nhân khẩu tại số 44 đường Nguyễn Văn Dung, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM đã được phong tỏa do có liên quan đến các ca nghi nhiễm Covid-19. Hiện tại đã lấy được mẫu xét nghiệm 300 người tại đây, số còn lại đa phần đã rời khỏi chung cư.

Toàn bộ khu vực cổng và phía trong chung cư đã được lực lượng y tế phun thuốc khử khuẩn, đồng thời đưa những người thuộc diện F1 đi cách ly tập trung theo quy định.

Lực lượng chức năng túc trực dưới tòa chung cư Felix Homes đường Nguyễn Văn Dung, Q. Gò Vấp. Trung tâm Y tế kêu gọi người dân đã rời khỏi chung cư Felix Home nhanh chóng trở về để lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly.

Người ở xa không thể quay lại cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất đề lấy mẫu xét nghiệm, cách ly kịp thời. Ngoài ra, các hàng quán như quán ăn, cà phê gần chung cư lực lượng chức năng đã phong tỏa 2 điểm bán để đảm bảo công tác an toàn.

Trước đó, trong đêm 7, rạng sáng 8/2, TP.HCM đã phong tỏa nhiều địa điểm có liên quan đến 4 ca mắc COVID-19 làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, như phong tỏa đường TL04, phường Thạnh Lộc, quận 12, số 90, đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình...

img

Y tế quận Gò Vấp nhanh chóng phun khử khuẩn trong và ngoài khu chung cư. Ảnh CTV

Hà Nội: 2 ca nhiễm mới là con gái và giúp việc của bệnh nhân ở Nam Từ Liêm

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết 2 ca mắc Covid-19 mới ở Hà Nội là con gái và người giúp việc của bệnh nhân 2009.

Bệnh nhân này là nữ nhân viên văn phòng nhưng đã nghỉ việc.

Bệnh nhân 2009 ở chung cư Garden Hill, Nam Từ Liêm Hà Nội. Sau khi phát hiện dương tính, các ca F1 của bệnh nhân này (bao gồm hai ca vừa phát hiện dương tính) đã được cách ly.

Tòa nhà A-B chung cư Garden Hill đang được phong tỏa.

Lịch trình đi lại của bệnh nhân 2009 khá phức tạp vì thời gian ủ bệnh 10 ngày, bệnh nhân không chủ động khai báo nên việc truy vết F1-F2 khó khăn.

Ngày 26/1/2021: Bệnh nhân gặp F0 (bệnh nhân 1722) tại cổng chung cư nói chuyện trong khoảng 5 phút, cả 2 có đeo khẩu trang.

Sáng 29/1: Đến cơ quan tại số 221, Đội Cấn để ký văn bản, tại đây có tiếp xúc với em N. có đi đến chợ Mỹ Đình (không nhớ rõ những nơi đã đến).

Chiều 29/1 có đi xe máy một mình đến khu vực Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội để liên hệ khám bệnh cho con do con ốm nhưng khi đến cổng thấy có biển báo viện chưa khám và làm xét nghiệm cho các bệnh nhân có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 nên đi về. Quá trình đi và về bệnh nhân không tiếp xúc với ai. Tất cả các thời điểm bệnh nhân ra ngoài đều đeo khẩu trang.

Ngày 30/1: Em L, địa chỉ số 19/34/514, Trần Cung, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) sang nhà bệnh nhân chơi, khoảng 30 phút.

Ngày 02/02 và ngày 04/02: Bệnh nhân đi gội đầu tại cửa hàng dưới tầng 1 của chung cư. Trong quá trình đi gội đầu có đeo khẩu trang khi đi thang máy.

Khi tiếp xúc với nhân viên cửa hàng gội đầu, bệnh nhân không đeo khẩu trang.

Ngày 05/02, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho và đau rát họng. 16 giờ 45 ngày 06/02/2021 bệnh nhân gọi điện vào số điện thoại đường dây nóng của CDC Hà Nội xin tư vấn. Những khoảng thời gian còn lại bệnh nhân chỉ ở nhà chăm con, không đi ra ngoài và tiếp xúc với ai khác.

Đến ngày 07/02: Bệnh nhân được TTYT quận Nam Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính SAR-COVS cùng ngày.

img

Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm

Yêu cầu xử phạt 2 bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội khai báo gian dối

Sáng 8/2, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm về ca dương tính SARS-CoV-2 mới trên địa bàn quận.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị quận Nam Từ Liêm tập trung cao cho việc truy vết đến F3 của bệnh nhân tại chung cư Gaden Hill và thực hiện nghiêm quy trình cách ly theo quy định.

Ông Dũng cũng đề nghị công an quận vào cuộc quyết liệt, hoàn thiện hồ sơ xử phạt 2 trường hợp quanh co, không trung thực khi khai báo y tế dẫn đến khó khăn cho công tác phòng, chống dịch là: N.B.N (BN1722) và bệnh nhân N.K.A có địa chỉ tại chung cư Garden Hill: số 99 Trần Bình, phường Mỹ Đình 2. Công an quận cần có biện pháp để người dân tự giác khai báo y tế và cam kết nếu để xảy ra sẽ bị xử lý hình sự. Cùng với đó, quận cần nêu cao vai trò của tổ phòng, chống dịch Covid-19 ở cộng đồng.

Nhất trí với việc tạm thời phong tỏa 2 tòa nhà A và B tại chung cư Gaden Hill - nơi phát hiện ca bệnh mới, để tránh nguy cơ lây lan dịch, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị lãnh đạo quận Nam Từ Liêm phải thông tin đầy đủ cho nhân dân của 2 tòa nhà và bảo đảm hỗ trợ thực phẩm để bà con yên tâm thực hiện phong tỏa.

CDC thành phố và Trung tâm Y tế quận cần thông tin rộng rãi lịch trình của ca bệnh để người dân biết và tự giác thực hiện nghiêm việc khai báo y tế. Riêng với chợ Mỹ Đình- khu vực bệnh nhân có ghé mua hàng, cơ quan y tế của thành phố và quận cần có hỗ trợ cụ thể trong công tác phòng, chống dịch; chính quyền cần thông báo rộng rãi đến nhân dân và các chủ cửa hàng có liên quan tự giác cách ly.

img

Phòng chống dịch Covid-19 tốt, CDC Hà Nội được thưởng nóng 50 triệu đồng

Ngày 8/2, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đến thăm, chúc tết cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và lực lượng quân đội, y tế ở cơ sở cách ly tập trung tại Trung đoàn 58 (huyện Quốc Oai).

Phó giám đốc phụ trách CDC Trương Quang Việt cho biết đến ngày 7/2, CDC đã lấy mẫu xét nghiệm cho 18.400 người về từ vùng dịch Quảng Ninh, Hải Dương.

“Những ngày qua, CDC đã thực hiện xét nghiệm hơn 40.000 mẫu, hoạt động trên 300% công suất với năng lực hơn 10.000 mẫu/ngày. Có lúc cả 4 máy PCR, máy tính, máy in bị treo do hoạt động quá nhiều”, ông Việt chia sẻ. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị cho biết nguồn lực của CDC còn hạn chế và đề xuất TP tháo gỡ cơ chế tài chính để nâng cao năng lực của đơn vị.

Ghi nhận những nỗ lực của CDC Hà Nội, Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho rằng đơn vị đã căng mình chống dịch, là chiến sĩ tuyến đầu. Đối với những ổ dịch phức tạp, đơn vị đã nhanh chóng xét nghiệm, truy vết và cách ly kịp thời, nhất là những nơi phức tạp như chung cư số 88 Láng Hạ vừa qua.

“Từ máy móc đến con người của CDC đã hoạt động vượt công suất, đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng của đất nước và thành phố; chăm lo sức khỏe người dân thủ đô”, ông Chu Ngọc Anh nói. Chủ tịch UBND TP cũng trao bằng khen và thưởng nóng 50 triệu đồng cho CDC Hà Nội.

Phòng dịch bệnh Covid-19, Sóc Trăng lập nhiều chốt kiểm soát

Sáng 8/2, tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Sóc Trăng cho biết, các địa phương thuộc tỉnh này vừa thành lập nhiều chốt kiểm dịch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các tuyến đường cửa ngõ vào tỉnh, nhất là trên các tuyến quốc lộ.

Theo đó, mỗi chốt bao gồm các lực lượng liên ngành: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, và Trung tâm Y tế... Các chốt này sẽ thực hiện việc dừng các phương tiện ra vào nội ô TP. Sóc Trăng để cán bộ y tế đo thân nhiệt cho người đi trên phương tiện giao thông, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang y tế.

Việc bố trí 6 chốt kiểm dịch y tế của lực lượng liên ngành được triển khai nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng..., đặc biệt là không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông qua khu vực.

Khi cảnh sát giao thông tạm dừng phương tiện, mỗi người dân đều được cán bộ đo thân nhiệt và cung cấp các thông cần thiết một cách chính xác để lưu vào sổ nhật ký theo dõi như: số chứng minh nhân dân, biển kiểm soát phương tiện, số điện thoại, lộ trình di chuyển…

img

Tỉnh Sóc Trăng lập nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên các tuyến cửa ngõ vào địa bàn. (Ảnh minh họa)

Khi có trường hợp sốt cao, cán bộ y tế trực chốt yêu cầu ghi vào phiếu thông tin và báo cáo về Trung tâm Y tế để được xử lý theo quy định.

Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, tại các chốt kiểm dịch đều có lực lượng CSGT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để tiến hành kiểm tra y tế và kiểm soát các phương tiện.

"Bên cạnh đó, lực lượng Phòng CSGT Công an tỉnh cũng bố trí lực lượng tuần tra lưu động, nhất là trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn và khu vực nội ô TP. Sóc Trăng. Khi cần có thể hỗ trợ kịp thời cho các chốt kiểm soát dịch bệnh, chú trọng việc điều tiết, phân luồng giao thông khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông qua khu vực", Đại tá Khả cho hay.

Hà Nội ghi nhận 2 ca Covid-19 mới tại quận Ba Đình và Nam Từ Liêm

Theo thông tin từ CDC Hà Nội, Hà Nội vừa ghi nhận thêm 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và Ba Đình.

Trường hợp thứ nhất là BN N.T.K.A., nữ, sinh năm 1993. Địa chỉ: Tòa nhà Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. BN có tiếp xúc với BN 1722 (em vợ BN 1694) ngày 26/1 tại cổng tòa nhà. Ngày 5/2 bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, đau họng. 16h45' ngày 6/2 bệnh nhân gọi đến thoại đến CDC Hà Nội để tư vấn, ngay lập tức CDC báo y tế quận Nam Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính ngày 7/2.

Trường hợp thứ 2 là BN T.C.D., nam. Địa chỉ: Vĩnh Phúc, Ba Đình. BN công tác tại Gia Lai từ ngày 28-29/1 về Hà Nội lúc 11h30-13h30 ngày 29/1 trên chuyến bay VN1612. Chiều ngày 30/1, BN tự vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 khám và được cách ly tại đây.

BN được xét nghiệm lần 1 ngày 30/1 âm tính; lần 2 ngày 4/2 âm tính. Ngày 6/2, BN sốt nhẹ, xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm mới này, trong đêm qua, ngành chức năng của Hà Nội đã xuyên đêm truy vết, điều tra các trường hợp tiếp xúc với BN để khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm Covid-19.

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, đối với ca nhiễm ở quận Nam Từ Liêm thì nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng rất lớn vì bệnh nhân tiếp xúc với F0 từ ngày 26/1 đến nay là 12 ngày. Theo chu kỳ dịch hiện nay thì BN có khả năng lây nhiễm trong vòng 10 ngày qua, F1 dự kiến là rất nhiều.

Như vậy, tính đến nay Hà Nội có 25 BN Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Theo CDC Hà Nội, trong những ngày tới, Hà Nội tiếp tục có thêm những ca nhiễm mới bởi số người tiếp xúc với F0, F1 có thể còn bỏ sót chưa được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

img

Thêm 4 ca mắc mới ở Tp. Hồ Chí Minh được cách ly

Sáng 8/2, 4 ca mắc mới đều là nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP. HCM

Sáng 8/2, Bộ Y tế đã khẳng định thêm 4 ca mắc mới ở TP. Hồ Chí Minh. Các bệnh nhân này đều là nhân viên bốc xếp hàng, hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất, cùng chung 1 đội với BN1979, có giao tiếp với nhau, công việc không có tiếp xúc với hành khách.

Hiện đang tiếp tục điều tra truy vết mở rộng. 4 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Cụ thể: BN2002, nam, 41 tuổi, có địa chỉ tại phường 15, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh;

BN2003, nam, 30 tuổi, có địa chỉ tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP. Hồ Chí Minh;

BN2004, nam, 28 tuổi, có địa chỉ tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh;

BN2005, nam, 32 tuổi, có địa chỉ tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Như vậy tính đến 6h ngày 8/2, Việt Nam có tổng cộng 1115 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó có 422 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.

Tổng số 83.104 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).

img

HCDC "thần tốc" lấy mẫu xét nghiệm 1.400 nhân viên tại Tân Sơn Nhất bằng phương pháp gộp mẫu.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần cho người ra vào vùng dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt trong dịp giáp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện việc vận chuyển hàng hóa với các nội dung như sau:

Yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa: Ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong toả hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về). Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa; giám sát y tế đối với người điều khiển phương tiện.

Đối với địa bàn phong tỏa chỉ cho người và phương tiện ở bên ngoài ra, vào. Khi phương tiện đến chốt kiểm dịch, lái xe xuống viết "BẢN CAM KẾT" theo mẫu; thực hiện kiểm tra thân nhiệt lái xe và những người cùng đi tại chốt kiểm dịch. Yêu cầu trong suốt hành trình từ chốt kiểm dịch đến địa điểm giao, nhận hàng và ngược lại không được dừng, đỗ xe. Quá trình giao, nhận hàng và đi ra khỏi chốt, lái xe, phụ xe và phương tiện phải thực hiện đầy đủ biện pháp 5K.

img

Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh Trường tiểu học Xuân Phương.

Trẻ dưới 15 tuổi cách ly ra sao?

Cũng trong ngày 7/2, Bộ Y tế có hướng dẫn về việc cách ly cho trẻ em dưới 15 tuổi gửi tới các tỉnh, thành phố. Theo đó, đối với trẻ dưới 5 tuổi, thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với trẻ từ 5-15 tuổi thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày, sau khi có kết quả 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2, cho phép cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ yêu cầu. Việc di chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về nhà phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời yêu cầu có người khỏe mạnh chăm sóc và giám sát trẻ trong suốt thời gian cách ly y tế, không để người già ở cùng với trẻ. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ và người giám sát trẻ ít nhất 3 ngày/lần và lần cuối cùng vào ngày cuối cùng của thời gian cách ly…

img

Người dân khai báo y tế - ảnh minh họa

Cặp vợ chồng F1 bị phạt 30 triệu đồng vì không khai báo y tế

UBND TP Hải Dương vừa xử phạt 2 trường hợp là vợ chồng gồm: P.V.Đ. và N.M.L. với số tiền 30 triệu đồng vì thuộc trường hợp F1 của ca mắc Covid-19 nhưng không khai báo y tế.

Theo thông tin từ UBND TP Hải Dương ngày 7/2, UBND phường Hải Tân trước đó đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với 2 vợ chồng P.V.Đ. và N.M.L. (trú phường Hải Tân, TP Hải Dương) - là F1 của ca mắc Covid-19 nhưng không khai báo y tế.

Cụ thể, ngày 24/1, gia đình anh P.V.Đ. và chị N.M.L. cùng 2 con đã tham gia liên hoan tất niên tại nhà ông T., số nhà 7/3/19 Phạm Cự Lượng - là nơi bệnh nhân mắc Covid-19 T.V.G. cùng tham dự.

Mặc dù chính quyền địa phương sau đó đã thông báo rộng rãi trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn nhưng gia đình anh P.V.Đ. và chị N.M.L. không khai báo y tế.

Đến đêm 5/2, qua truy vết, các lực lượng của phường Hải Tân phát hiện và đưa gia đình anh P.V.Đ. gồm 4 người đi cách ly y tế tập trung tại ký túc xá Trường THCS Lê Quý Đôn.

img

TP Chí Linh vẫn đang trong thời gian phong tỏa

15 ca mới liên quan đến ổ dịch khu công nghiệp TP Chí Linh

Bộ Y tế thông tin, tính đến 18h ngày 7/2, Việt Nam có tổng cộng 1.111 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 418 ca.

Tính từ 6h đến 18h ngày 7/2 có 16 ca mắc mới, gồm các bệnh nhân từ số 1.986 - 2.001, là các ca cộng đồng tại Hải Dương. Cụ thể:

15 trường hợp (BN1986 - BN2000) là F1, liên quan đến ổ dịch khu công nghiệp thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly tập trung, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2, kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 7/2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 15 bệnh nhân này đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

1 trường hợp (BN2001) là F1 của BN1711, liên quan đến ổ dịch xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly tập trung ngày 29/1, kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 30/1 âm tính với SARS-CoV-2, kết quả xét nghiệm lần 2 ngày ngày 7/2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Hiện có 83.104 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).

img

Lắp đặt giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ

Thần tốc lập Bệnh viện dã chiến 300 giường ở Điện Biên Phủ

Sau hơn 15 giờ triển khai (từ 2h chiều 6/2), đội ngũ kỹ sư của Bệnh viện Bạch Mai đã cơ bản hoàn thành bệnh viện dã chiến ở Điện Biên điều trị bệnh nhân Covid-19, với 300 giường.

Đến 10h sáng nay, toàn bộ hệ thống hạ tầng oxy, khí nén, vật tư, thiết bị đã được thiết lập, trang bị hoàn chỉnh tại Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ.

Bệnh viện được thiết lập tại Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ quy mô 300 giường bệnh, trong đó có 30 giường hồi sức chức năng cao cho bệnh nhân Covid-19.

Dự kiến tối nay Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ sẽ vận hành thử, cùng với nhiều nhóm nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn, hậu cần, kiểm soát nhiễm khuẩn...

Cùng với công tác thần tốc xây dựng Bệnh viện dã chiến, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế gồm Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia nhóm nhỏ, triển khai đào tạo tại chỗ, khảo sát thực địa thêm các địa điểm khác... chuẩn bị thật tốt, chủ động cho các tình huống có thể xảy ra.

Ngày 5/2, Điện Biên ghi nhận 3 ca nhiễm và là địa phương thứ 11 có bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch này. Hai ngày nay, Điện Biên chưa ghi nhận ca mắc mới.

img

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc Phòng), Q.Gò Vấp

TP HCM: 77 trường hợp F1 và F2 tại bệnh viện Quân y 175 âm tính

Ngày 7/2, thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 cho biết, liên quan trường hợp nam nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất (BN1979) từng đến khám tại đây, bệnh viện đã truy xuất camera, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm những người là F1 và F2. Hiện đã có 77/153 người có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể, qua truy vết xác minh 24 trường hợp là F1, sáng 7/2, 22 người có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Một người đang chờ kết quả xét nghiệm, còn 1 trường hợp đi xe về Bình Định đã được cách ly ngay khi về địa phương.

Ngoài ra, bệnh viện cũng lấy mẫu của 129 trường hợp là F2, có 55 người cho xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, số còn lại đang chờ kết quả.

Bệnh viện tiếp tục tổ chức quản lý chặt, bảo đảm tốt công tác bảo đảm cho các đối tượng F1, F2 tại khu cách ly, phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở địa phương quản lý các trường hợp F2 cách ly tại nhà.

Ngoài ra, tăng cường các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch tại bệnh viện như kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám bệnh, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phun thuốc khử trùng….

Bệnh viện kêu gọi tất cả các ca liên quan đến BN 1979 trong thời gian đến khám tại bệnh viện khai báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để cách ly và quản lý theo qui định.

Hải Dương có thêm 19 ca nhiễm

BCĐ Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương thông tin, kết quả xét nghiệm trong ngày xác định địa phương ghi nhận thêm 19 ca dương tính virus SARS-CoV-2.

Trong đó, TP Chí Linh có 14 ca, Cẩm Giàng có 3 ca, Kinh Môn có 1 ca. Trường hợp còn lại quê ở xã Bình Dương (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).

Trong 19 trường hợp kể trên có 9 người là F1 với các ca bệnh khác và 8 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm lần 2.

Ba ca dương tính tại huyện Cẩm Giàng gồm: Đ.A.T (SN 1987, ở thị trấn Cẩm Giàng) là nhân viên điện lực; V.V.N (SN 1993, trú xã Tân Trường) làm nghề shipper và T.V.T.Y (SN 1997) làm nhân viên quán karaoke Hương Sen ở thị trấn Lai Cách.

BCĐ Phòng chống COVID-19 Hải Dương cũng thông tin, ổ dịch mới ở huyện Cẩm Giàng có nguy cơ lây lan cao.

Các bệnh nhân đều có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người và chưa trung thực khai báo y tế.

Hiện huyện đã lấy 1.225 mẫu xét nghiệm tại các khu công nghiệp trong huyện Cẩm Giàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.