Chuyện dọc đường

Tỉnh Vĩnh Phúc im lặng đến bao giờ?

22/07/2020, 07:00

Khi những sai phạm lấp hồ Đại Lải được phát hiện, cách xử lý của UBND tỉnh Vĩnh Phúc được tiến hành rất ì ạch.

img
Nhìn từ trên cao xuống, có thể thấy diện tích hồ Đại Lải đã bị thu hẹp khủng khiếp như thế nào so với diện tích ban đầu. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Thời gian qua, Báo Giao thông liên tiếp đăng loạt bài phản ánh việc hồ Đại Lải bị “xẻ thịt” để làm khu biệt thự nghỉ dưỡng, trong đó nổi bật nhất là Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã ngang nhiên lấp hồ Đại Lải với diện tích khổng lồ.

Điều đáng nói, doanh nghiệp này có một “bảo bối” để vô tư lấp hồ là Quyết định số 41 về việc phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trong quyết định này, UBND tỉnh đã cho phép Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam san lấp xuống tới lòng hồ Đại Lải. Việc này được Tổng cục Thủy lợi xác định là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi, vi phạm Luật Đất đai.

Bàn về nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, hồ Đại Lải có vai trò là công trình thuỷ lợi chống lũ, điều tiết nước và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì thế, hành vi san lấp hồ để phục vụ lợi ích của một nhóm người bất chấp lợi ích cộng đồng là không thể chấp nhận được.

Theo luật sư, với những gì báo chí vừa qua phản ánh, các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay lập tức để xác minh điều tra. Nếu đủ căn cứ, thậm chí có thể khởi tố vụ án hình sự nếu có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi”.

Vụ việc lấp hồ Đại Lải của nhiều doanh nghiệp xảy ra trong một thời gian dài luôn có sự đồng ý giao đất, phê duyệt tỷ lệ 1/500 cho phép triển khai lấp hồ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy vậy, khi những sai phạm này được phát hiện, cách xử lý của địa phương này được tiến hành rất ì ạch.

Sau khi có Kết luận kiểm tra số 253 của Tổng cục Thủy lợi, ngày 17/4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, thời hạn là 30 ngày, trong tháng 5/2020 phải có báo cáo làm rõ các sai phạm, xác định trách nhiệm của đơn vị, cá nhân và đề xuất biện pháp xử lý.

Tuy nhiên, tới hết tháng 5/2020 đoàn kiểm tra liên ngành do Chánh thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc Lưu Văn Dũng làm trưởng đoàn vẫn không ra được kết luận. UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại “khất” báo cáo Bộ NN&PTNT đến ngày 15/7. Đến ngày 21/7, đoàn kiểm tra vẫn chưa ra được báo cáo dù thời gian kiểm tra đã quá 4 tháng!

Trước hành vi vi phạm rõ ràng của các doanh nghiệp lấp hồ Đại Lải, Tổng cục Thủy lợi đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tỉnh giao cho UBND TP Phúc Yên, tuy nhiên tới nay thành phố vẫn chưa thể ra được bất cứ một quyết định xử phạt nào, thậm chí, còn chưa lập biên bản vi phạm hành chính nào để làm căn cứ xử phạt!

Trước rất nhiều những việc “chưa làm được”, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tổng cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho lùi thời gian đề xuất các giải pháp xử lý vụ việc. Thời gian lùi đến khi nào thì đơn vị này... không nói tới!

Chứng kiến cảnh hồ bị lấp, một cán bộ tham gia đoàn công tác liên ngành Tổng cục Thủy lợi và Cục Cảnh sát môi trường đã phải thốt lên: “Nếu như vụ việc không được Tổng cục Thủy lợi phát hiện kịp thời và có ý kiến với tỉnh Vĩnh Phúc để chỉ đạo dừng thi công thì diện tích hồ Đại Lải bị lấp không chỉ dừng lại ở 700m chiều dài!”.

Quá trình thực hiện loạt bài, PV Báo Giao thông đã rất nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc nhưng hầu như không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Báo Giao thông cũng đã có văn bản gửi đích danh Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì đề nghị trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, tới nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồi âm nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.