Thế giới

Toàn cảnh Triều Tiên khai mạc Đại hội Đảng lớn nhất sau 36 năm

06/05/2016, 06:04
image

Hôm nay (6/5), Đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên chính thức khai mạc tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm một đơn vị tên lửa h

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm một đơn vị tên lửa hồi tháng 3 năm nay

Hôm nay (6/5), Đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên chính thức khai mạc tại thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là đại hội lớn đầu tiên sau 36 năm và cũng là đại hội đầu tiên diễn ra dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trung Quốc không được mời?

Đại hội lần này được đánh giá là sự kiện quan trọng, đóng vai trò củng cố sự đoàn kết của toàn dân. Các đại biểu sẽ thảo luận một loạt các chính sách chính trị và kinh tế, các chương trình phát triển trung và dài hạn. Dự kiến, sẽ có nhiều thay đổi nhân sự cấp cao trong đại hội này.

Tuy nhiên, cho đến chiều tối qua, thông tin Đại hội diễn ra mấy ngày, cũng như số đại biểu tham dự và những thông tin cụ thể khác liên quan vẫn không được công bố. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 2/5 dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên tại Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc dường như không được mời tham dự Đại hội 7. Điều này củng cố nhận định trước đó cho rằng, Bắc Kinh dường như sẽ không cử phái đoàn đến Bình Nhưỡng. Theo nguồn tin trên, “không có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị cử một phái đoàn tham dự Đại hội Đảng của Triều Tiên”.

Các nhà quan sát cho rằng, quan hệ Trung - Triều hiện đang bộc lộ những rạn nứt nhất định sau khi Trung Quốc đồng ý thông qua một nghị quyết trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay của Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên hồi tháng 3 vừa qua và tuyên bố, “sẽ thực thi đầy đủ và toàn diện” nghị quyết trừng phạt này. Trước đây, Trung Quốc đã cử cấp Phó Thủ tướng tham dự Đại hội Đảng lần thứ 6, diễn ra năm 1980.

Củng cố quyền lực

Đại hội lần thứ 6 của Đảng Lao động Triều Tiên được tổ chức tháng 10/1980, dưới thời nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il Jong), kéo dài 5 ngày, với sự tham gia của khoảng 3.200 đại biểu. Khi đó, người sáng lập đảng Lao động Triều Tiên Kim Nhật Thành đã thành công khi đưa con trai mình là Kim Jong-il trở thành nhân vật số 2 trong đảng, đồng thời củng cố vị trí người kế nhiệm mình. Và Kim Jong-un trở thành người kế nhiệm cha mình (Kim Jong-il) năm 2011, khi chưa đến 30 tuổi. Khi đó, giới phân tích bên ngoài đã dự đoán về những thỏa hiệp đối ngoại và cởi mở hơn dưới thời nhà lãnh đạo trẻ, bởi Kim Jong-un từng sống ở Thụy Sỹ thời thiếu niên.

Thế nhưng, nhà lãnh đạo trẻ đã “thanh trừng” hơn 100 quan chức cấp cao trong Đảng và cũng như các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội, trong đó có cả người chú quyền lực của mình - Jang Song-thaek, đồng thời giành lại ảnh hưởng của đảng Lao động Triều Tiên trong quân đội. Hàng nghìn người khác bị hạ cấp hay bị trục xuất. Chính những cuộc “thanh trừng” thường xuyên và tàn nhẫn này mà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã gọi sự cầm quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “vương triều khủng bố”.

Giới chức Triều Tiên khẳng định, đại hội lần này đơn thuần là tiếp nối những triết lý cách mạng về sự đoàn kết trong mối quan hệ “máu thịt” giữa lãnh đạo, đảng và nhân dân. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tại đại hội lần này, nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên có thể sẽ gạt bỏ ý thức hệ “quân đội trước tiên” của cha mình và củng cố tham vọng phát triển cả kinh tế và hạt nhân.

Video quan chức Triều Tiên òa khóc khi phóng tên lửa thành công:

Coi hạt nhân là thành tựu lớn nhất?

Hồi tháng 1/2016, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của cha mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch. Một tháng sau đó, Triều Tiên phóng vệ tinh lên quỹ đạo mà Mỹ và các đồng minh cho là phóng tên lửa đạn đạo. Trong mấy tuần qua, Triều Tiên cũng liên tục phóng tên lửa tầm trung Musudan và phóng tên lửa từ tàu ngầm.

Đại hội lần này nhiều khả năng sẽ chứng kiến Kim Jong-un tuyên bố tiếp tục chương trình hạt nhân. Đó là lý do lớn nhất mà nhiều quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5, có thể là trước hoặc trong thời gian diễn ra đại hội.

Theo giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, ông Koh Yu-hwan: “Đại hội lần thứ 7 này là dịp để Kim Jong-un chính thức tuyên bố với cả trong và ngoài nước rằng thời đại của ông ấy đã đến. Ông sẽ thúc đẩy chương trình hạt nhân và coi đó là thành tựu lớn nhất của mình và sau đó sẽ thúc đẩy đất nước tập trung vào tái thiết kinh tế”.

Một số nhà phân tích cho rằng, sau Đại hội, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên như một cách khuyến khích Trung Quốc tăng cường viện trợ. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về giả thuyết này. Nhà phân tích Chang Yong-Seok tại Viện Nghiên cứu hòa bình và thống nhất tại Đại học Quốc gia Seoul cho rằng, “Kim Jong-un sẽ không bao giờ dừng chương trình hạt nhân. Ông ta sẽ không xem xét cải cách kinh tế mà không có hạt nhân”.

Tờ Le Monde nhận định: Đại hội 7 là dịp để Kim Jong-un khẳng định uy quyền của một vị lãnh tụ, đồng thời xác định lại mục tiêu của chính sách “byungjin”- phát triển cùng lúc cả quân sự lẫn kinh tế.

Video Triều Tiên diễu binh:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.