Chính trị

Quyết liệt chống tham nhũng không làm nhụt chí người dám nghĩ, dám làm

01/07/2022, 06:51

Tập trung chống tham nhũng không hề làm nhụt chí, chùn bước người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại.

Ngày 30/6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu ở Trung ương và địa phương.

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong 10 năm gần đây, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (trực thuộc Bộ Chính trị), công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cụ thể, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Theo Tổng Bí thư, đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

“Vừa qua chúng ta đã làm tốt nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”, Tổng Bí thư khẳng định.

Ông cũng cho biết, không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

“Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây”, Tổng Bí thư khẳng định.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại.

Khẳng định từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua có thể rút ra nhiều bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư đã gợi mở, nêu ra một cách khái quát nhiều vấn đề cốt yếu.

Hoàn thiện thể chế để “không dám”, “không thể” tham nhũng

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, 10 năm trở lại đây, chúng ta đã nhận diện, tìm kế sách để khắc chế và tiêu diệt tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao nhất.

“Chống tham nhũng được nhận diện một cách toàn diện, sâu sắc hơn, từ thủ đoạn tham nhũng, đối tượng tham nhũng, lực lượng tham nhũng”, TS. Nhị Lê đánh giá.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cũng cho rằng, trong 10 năm qua, sau khi được kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được chuyển sang giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Theo ông Hà, cần từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử, số lượng cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao bị xử lý nhiều hơn bất cứ một giai đoạn nào trước đó.

“Điều này vừa có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa, vừa củng cố mạnh mẽ niềm tin của nhân dân”, ông Lý nói.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ kỳ vọng, sau Hội nghị lần này, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục có bước chuyển biến tích cực hơn nữa.

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua đã tạo niềm tin trong nhân dân và nhân dân tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhiều hơn bằng những việc làm hết sức cụ thể.

"Có thể nói rằng, thành công của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua không thể không nói vai trò quan trọng của tầng lớp nhân dân.

Hy vọng rằng, với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố sẽ tạo cơ hội để các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy, đóng góp nhiều hơn", ông Túc nói và cho rằng, cần có những hình thức khen thưởng, tuyên dương kịp thời nhằm động viên, để nhân dân tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa.

Báo cáo kết quả 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp kéo dài đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu, cầm đầu.

Do đó, phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.