Thị trường

Tổng giám đốc BKAV: Bphone chỉ có 0,9% linh kiện Trung Quốc

25/08/2017, 07:37

Bkav rất tự hào khi trên chiếc Bphone 2017 được gắn dòng chữ: “Designed by BKAV - Made in Việt Nam”.

18

Ông Nguyễn Tử Quảng

“Chúng tôi đã xác định sứ mệnh quan trọng nhất của Bphone 2017 là để chinh phục niềm tin của người tiêu dùng nên không đặt nặng doanh số”, Tổng giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng cho biết trong buổi chia sẻ “tất tần tật” với báo chí chiều 24/8, sau 5 ngày sản phẩm chính thức bán ra thị trường.

Linh kiện Trung Quốc chỉ chiếm 0,9%

Xin ông cho biết, Bkav tự sản xuất những gì trong chiếc smartphone của mình?

Bkav rất tự hào khi trên chiếc Bphone 2017 được gắn dòng chữ: “Designed by BKAV - Made in Việt Nam”.

Với chiếc Bphone 2017, chúng tôi thực hiện từ nghiên cứu đến thiết kế: Kiểu dáng, cơ khí, điện tử, phần mềm và tất cả các sáng tạo khác. Có những chi tiết chúng tôi trực tiếp sản xuất tại nhà máy của mình như: Khung nhôm nguyên khối, khuôn đập dập, hay ép nhựa. Có những chi tiết chúng tôi đặt hàng các hãng sản xuất linh kiện điện thoại uy tín của thế giới. Trong hơn 900 chi tiết của chiếc Bphone, 54% thành phần linh kiện có xuất xứ từ Nhật Bản, 23% từ Mỹ, còn lại của châu Âu, Hàn Quốc, chỉ 0,9% là của Trung Quốc, như màng thép chắn loa thoại, vỏ cơ khí đóng cụm camera trước, sau, cục rung, pin...

Có thể nói, Bkav làm chiếc Bphone của mình không khác với các hãng Apple, Samsung làm với chiếc smartphone của họ.

Lượng máy Bphone 1 bán ra thị trường được bao nhiêu chiếc thưa ông?

Ngay sau khi Bphone 1 ra mắt, chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng 12.000 chiếc. Dù bản thân tôi mới chuyển từ Bphone 1 sang dùng Bphone 2 cách đây hai tuần, song phải thừa nhận sản phẩm đầu tay chưa thực sự được hoàn thiện, trong đó hạn chế lớn nhất là máy nhanh bị nóng. Mặt khác, 2 tháng sau khi ra mắt, chúng tôi mới có sản phẩm cung cấp, nên đơn đặt hàng cũng rơi rụng dần. Song, chúng tôi vẫn còn hơn 3.000 khách hàng chờ đợi, đeo đuổi. Và sau tất cả những phản ứng tiêu cực của cộng đồng về sản phẩm, tôi thực sự phải gửi lời biết ơn tới những khách hàng đã lựa chọn Bphone 1 (Khóc). Đấy cũng là nguồn năng lượng, là niềm tin, hy vọng để chúng tôi tiếp tục đeo đuổi mục tiêu của mình.

Bkav đã rút ra được bài học cốt lõi gì sau thất bại của Bphone 1?

Chúng tôi bắt đầu tham gia sản xuất smartphone từ năm 2009, khi thế giới lên “cơn sốt” với dòng điện thoại này, đặc biệt là với thương hiệu Apple. Bkav khi đó chưa có bất kỳ kiến thức nào về lĩnh vực này, nên mục tiêu đặt ra được cho là “hơi bị” lãng mạn và quả thực chúng tôi không thể lường trước có quá nhiều khó khăn như vậy. Để sản xuất smartphone, Bkav không chỉ mày mò nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, mà còn phải xây dựng từ gốc về quy trình, hệ thống, nguyên tắc, triết lý làm việc...

"Sau khi Bphone 1 ra mắt, tôi đã phải trải qua một giai đoạn rất khủng hoảng bởi nhận được rất nhiều phản ứng tiêu cực. Không chỉ chê bai sản phẩm, giá cả, nhiều ý kiến đã chỉ trích Bkav là “ăn mày tinh thần dân tộc”. Tôi xin khẳng định, trong tất cả văn bản, lời phát biểu của tôi cũng như Bkav chưa bao giờ kêu gọi với tinh thần “Người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam”. Tôi thực sự yêu và tự hào là người Việt Nam, tôi tin rằng, mỗi người trong chúng ta đều có tình yêu đó. Do vậy, Bkav muốn sản xuất Bphone xứng đáng với tình yêu đó."

Ông Nguyễn Tử Quảng

Tôi vẫn nhớ như in, sau cả năm miệt mài nghiên cứu, thường là cứ đúng vào dịp Tết, đội kỹ sư mới làm xong một cái mạch. Trước kỳ nghỉ Tết, chúng tôi gửi thiết kế đi, rồi hồi hộp đợi sau Tết xem có chạy được không. Và 3 năm đầu liên tiếp, mạch không chạy, cho đến năm thứ 4.

Cũng năm 2009, Bkav đã liên lạc với tất cả các công ty lớn nhất thế giới về cung cấp chip, đề nghị hợp tác, nhưng đều bị từ chối, duy nhất một công ty sản xuất chip cho công nghiệp nhận lời, song chỉ gửi cho chúng tôi một con chip và tài liệu để tự nghiên cứu. Các kỹ sư của Bkav phải mày mò và tôi cho rằng, họ đã làm việc tuyệt vời để cho ra đời Bphone 1 sau đó.

Sau cả một chặng đường khó khăn như vậy, nên chúng tôi đã rất hào hứng muốn khoe ngay sản phẩm với mọi người, trong khi chưa nghiên cứu thật kỹ thị trường. Đó là một bài học lớn và chúng tôi đã rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình chuẩn bị cho sự ra mắt của Bphone 2017.

19

 Người dùng háo hức đến để trải nghiệm Bphone 2017

Đã đầu tư hơn 500 tỷ, giá bán đang phải bù lỗ

Cảm xúc của ông như thế nào sau khi Bphone 2017 ra mắt?

Quả thực, rất khó để diễn đạt ngắn gọn những cảm xúc của tôi sau khi sản phẩm ra mắt cũng như suốt thời gian qua.

Khi chiếc Bphone đầu tiên ra mắt vào năm 2015, cảm xúc của tôi đúng là “không thể tin nổi”. Song, cũng chính vì nhận được rất nhiều phản ứng tiêu cực sau lần ra mắt đầu tiên đó, chúng tôi đã quyết định lùi kế hoạch ra mắt phiên bản mới năm 2016 để tiếp tục hoàn thiện đến tháng 8 năm nay. Với chiếc Bphone 2017, tôi đã không dùng cụm từ đó nữa, dù cảm xúc vẫn là như vậy. Đây là sản phẩm rất tâm huyết không chỉ của riêng tôi mà của tất cả nhân viên Bkav.

Nhiều khách hàng phản ánh, dù kế hoạch mở bán từ ngày 19/8, song hiện Bphone 2017 cung cấp nhỏ giọt ra thị trường. Đây là “chiến lược” bán hàng hay do Bkav chưa đánh giá đầy đủ nhu cầu khách hàng?

Trong buổi ra mắt Bphone 2017, tôi đã nói Bkav có kế hoạch dài hạn để xây dựng nền sản xuất, công nghiệp sản xuất smartphone do người Việt Nam làm chủ. Chúng tôi đã xác định sứ mệnh quan trọng nhất của Bphone 2017 là để chinh phục niềm tin của người tiêu dùng nên không đặt nặng doanh số. Song đến nay, nhu cầu thị trường lại vượt mức chúng tôi đặt ra. Do đó, chúng tôi đã thống nhất với Thế giới Di động sẽ không nhận thêm đơn hàng cho đến tháng 9. Chúng tôi cũng đang nâng năng suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với giá bán xấp xỉ 9,8 triệu đồng, Bkav cho rằng đang bị lỗ, phần cũng vì số lượng sản xuất chưa đủ lớn. Tại sao Bphone không chọn phân khúc giá rẻ hơn để phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trên thị trường nội địa?

Người kinh doanh không ai muốn nói đang bị lỗ. Nhưng với tinh thần chia sẻ tất tần tật, chúng tôi xin nói thật là Bkav đang phải bù lỗ với mức giá bán như vậy.

Nhưng như tôi đã chia sẻ, việc lựa chọn sản phẩm cận cao cấp là chiến lược trong kế hoạch dài hạn của Bkav, với mong muốn đóng góp những sản phẩm có hàm lượng chất xám, công nghệ cao. Nếu Bkav thành công sẽ là cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khác trong nỗ lực cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho Việt Nam.

Để làm được điều đó, chúng tôi xác định phải chinh phục niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam rằng, người Việt Nam có thể sản xuất smartphone hàng đầu thế giới một cách bài bản chứ không phải nhờ ăn may.

Nếu Bphone 2017 chinh phục thành công, chúng tôi sẽ mở rộng phiên bản cao cấp và biên bản tầm trung.

Trở lại vấn đề, tại sao Bkav không chọn sản xuất dòng smartphone giá rẻ trước để “phủ” thị trường? Thực sự chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều và cũng đã phải nhận “gạch đá” rất nhiều với sự lựa chọn này. Là bởi chúng tôi muốn Việt Nam có ngành sản xuất smartphone đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ cao, có những thương hiệu như: Apple, Samsung chứ không chỉ như Xiaomi - dù đó cũng là một cách làm thương hiệu, một cách kinh doanh. Bởi nếu vậy, có thể chúng tôi sẽ mắc kẹt ở phân khúc giá rẻ đó, rất khó để phát triển lên dòng sản phẩm ở phân khúc cao cấp hơn.

Lấy đơn cử như dòng điện thoại Oppo rất thành công ở Việt Nam, song các nhà phân phối cho chúng tôi biết, gần đây, khi Oppo tung ra sản phẩm cao cấp hơn, dù giá chỉ tăng có vài trăm nghìn đồng cũng không thể bán nổi. Đó là do cái bẫy về định vị thương hiệu.

Ông đã chia sẻ, Bkav đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho Bphone. Nếu tiếp tục phải bù lỗ, năng lực tài chính của Bkav có thể cầm cự trong bao lâu và theo đuổi mục tiêu tới khi nào?

500 tỷ đồng đầu tư, sản xuất Bphone hoàn toàn là vốn của Bkav, phần lớn từ kết quả kinh doanh phần mềm diệt virus Bkav Pro và đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Có thể nói, khoản đầu tư hơn 500 tỷ đồng trong 8 năm qua là nhiều so với quy mô một doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng cũng là ít cho một khát vọng, một sứ mệnh, không chỉ để xây dựng nền tảng công nghiệp sản xuất smartphone, mà còn mang lại niềm tin cho người Việt Nam về sản phẩm chất lượng do Việt Nam làm ra. Do vậy, chừng nào còn có thể, chúng tôi còn làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.