Hạ tầng

TP.HCM: 2,7km đường làm 4 năm chưa chắc xong

04/06/2019, 18:28

Một đoạn của Vành đai 2 TP.HCM dài 2,7km thực hiện từ đầu năm 2016 nhưng đến nay vẫn dở dang và "chưa chắc" năm sau đã hoàn thành.

img
Nhà thầu thi công đoạn 2,75km của tuyến Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa

Sáng 4/6, Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về tiến độ thi công dự án Vành đai 2 TP.HCM, cụ thể là giám sát tiến độ thi công đoạn 2,75km từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Q.Thủ Đức). Đoạn này được đầu tư theo hình thức BT, do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái thực hiện từ đầu năm 2016.

Ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái cho biết, tổng mức đầu tư dự án là khoảng 2.100 tỷ đồng, trong đó kinh phí thi công là 1.000 tỷ đồng, kinh phí GPMB là 1.100 tỷ đồng, nhà đầu tư đã chuyển 900 tỷ đồng cho địa phương để chi trả cho dân. Hiện quận Thủ Đức đã bàn giao 48,6% mặt bằng, nhưng không liền mạch. Nhiều vị trí dù đã bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu không thi công được vì không triển khai được thiết bị máy móc.

Sốt ruột với công tác GPMB chậm làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu quận Thủ Đức báo cáo rõ tình hình, đồng thời đề nghị nêu rõ trách nhiệm đầu mối trong việc giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận uỷ quận Thủ Đức cho biết địa phương địa phương đã phê duyệt 80% hồ sơ, một số hồ sơ còn lại đang vướng mắc và đang triển khai nhiều phương án, giải quyết các thủ tục và vận động người dân. Phấn đấu cuối 2019 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư.

Khi Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ hỏi nếu cuối năm 2019 quận bàn giao xong mặt bằng thì đến lúc nào thi công xong 2.75km này? Ông Thắng cho biết phải đến cuối 2020 mới hoàn thành việc thi công. Như vậy chỉ 2,75km nhưng đoạn tuyến này phải mất đến 4 năm mới có thể hoàn thành nếu việc GPMB đúng theo tiến độ cam kết.

Mặt khác, phía nhà đầu tư cũng cho biết, hiện nay công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp nước, cáp viễn thông... chưa được phối hợp đồng bộ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đồng thời, dự án này được đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) và theo hợp đồng đã ký kết, sau khi hoàn thành sẽ có 6 khu đất trả cho nhà đầu tư, nhưng hiện TP HCM chưa xác định được những khu đất này.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tám, đối với việc di dời hạ tầng kỹ thuật, các chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan lên phương án thực hiện. Tuy nhiên, việc di dời hạ tầng như cấp nước, viễn thông..., không thể giải toả trắng mà phải tính toán, thực hiện đồng bộ để vừa song song giữa cung cấp dịch vụ cho người dân vừa tổ chức thi công.

img
Với tiến độ hiện nay, TP HCM khó khép kín Vành đai 2 trước 2020

Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết việc giám sát dự án Vành đai 2 là để nắm bắt tiến độ thi công dự án, bởi theo Nghị quyết của HĐND Thành phố đến 2020 phải khép kín Vành đai 2. Tuy vậy, đến nay vẫn còn 3 đoạn chưa triển khai được gì ở thực địa.

Ông Phước cho biết, phía HĐND TP sẽ ghi nhận và làm việc với các đơn vị liên quan nhằm nhanh chóng tháo gỡ. Nhà đầu tư cũng phải tiếp tục phối với các cơ quan nhà nước thực hiện đúng hợp đồng, trên tinh thần mặt bằng có đến đâu thì làm tới đó. Quận Thủ Đức cần tập trung các biện pháp để hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2019 như cam kết.

Theo quy hoạch, đường Vành đai 2 tại TP.HCM dài hơn 64 km, hiện còn khoảng 11 km chưa khép kín. Ngoài đoạn đường 2,75 km nêu trên, 3 đoạn còn lại đang được Thành phố kêu gọi đầu tư. Cụ thể, đoạn từ nút giao An Lập (Q.Bình Tân) - Nguyễn Văn Linh (Nhà Bè) chiều dài 5,3km; đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (Q.9) dài 3,82km; đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2km.

img

Cả trăm năm nay duy tu đường sắt vẫn bằng… “máy chèn cơm”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.