Xã hội

TP.HCM: Cả khu xây nhà lấn hành lang kênh, phường chỉ cưỡng chế 1 căn

28/08/2022, 15:28

Cả chục căn nhà xây dựng lấn chiếm đất hành lang kênh rạch nhưng UBND phường Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chỉ cưỡng chế một căn.

Những ngày qua, phóng viên Báo Giao thông đã trực tiếp liên hệ UBND phường Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức, TP.HCM) để hỏi về việc phản hồi thông tin liên quan đến việc cưỡng chế căn nhà tại số 32/3, đường 2, phường Hiệp Bình Phước, cũng như đơn tố cáo Phó chủ tịch phường Huỳnh Trọng Nghĩa với nhiều nội dung liên quan đến cưỡng chế căn nhà nhưng bộ phận văn phòng cho biết… chưa có phản hồi, lãnh đạo phường bận họp.

Nhiều nhà xây lấn chiếm hành lang kênh

Trước đó, để có thông tin khách quan hơn về vụ việc, ngày 5/8, phóng viên Báo Giao thông đã trực tiếp gửi nội dung (bằng văn bản) cần phản hồi đến UBND phường Hiệp Bình Phước liên quan vấn đề nêu trên.

Tuy nhiên, bộ phận văn phòng báo lãnh đạo phường bận họp sẽ trả lời bằng văn bản. Cho đến ngày 26/8, đã 3 lần phóng viên liên hệ nhưng đều bất thành.

Phóng viên đã đi thực địa tại khu vực nơi căn nhà số 32/3, đường 2 bị cưỡng chế. Theo quan sát, khu vực (phía cuối nhà) nơi căn nhà bị cưỡng chế có một kênh mương nhỏ, là lối thoát nước của gần chục căn nhà. Các hộ dân đã đặt cống tròn… nhằm “bê tông hóa” kênh này. Tại khu vực này, có cả chục căn nhà xây dựng kiên cố, có một phần vi phạm hành lang kênh rạch.

img

Cảnh hoang tàn, bể nát tại phần vi phạm hành lang mương nơi căn nhà bà Diễn bị cưỡng chế. Ảnh: CTV.

Liên quan đến khu vực này, ngày 12/8, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước Huỳnh Trọng Nghĩa đã ký văn bản cho biết khu vực này có nhiều căn nhà chưa được cấp giấy chủ quyền, xây dựng không phép, xây dựng lấn chiếm hành lang kênh.

Cụ thể: nhà số 38 (xây dựng không phép, vi phạm hành lang bảo vệ mương và lộ giới đường số 2, đã bị xử phạt vi phạm hành chính năm 2004); nhà số 40 chưa được cấp giấy chủ quyền; nhà số 42 có một phần công trình nhà nằm trong hành lang bảo vệ cống 2m, diện tích xây dựng 18,2m2, diện tích sàn 36,4m2; nhà số 42/2A, chưa được cấp giấy chủ quyền, xây dựng không phép (chưa bị xử phạt); nhà số 42/2/2 chưa được cấp giấy chủ quyền; nhà số 42/2/2A chưa được cấp giấy chủ quyền, xây dựng không phép (chưa bị xử phạt)…

Căn nhà số 32/3 (căn nhà bị cưỡng chế một phần) đã được cấp giấy chủ quyền. Tháng 9/2014 quận Thủ Đức đã cấp giấy phép xây dựng phần nhà nằm trong hành lang bảo vệ cộng là 16,1m2 được giữ lại. Tuy nhiên khi tiến hành thi công chủ đầu tư đã phát sinh tăng thêm diện tích tầng 1: 2,4m2, tầng 2: 22,4m2, tầng 3: 22,4m2.

Bà Nguyễn Thị Diễn, chủ nhân căn nhà bị cưỡng chế cho biết, căn nhà của gia đình bà xây dựng từ năm 2014 nhưng mãi đến tháng 8/2019, UBND phường mới lập biên bản vi phạm hành chính.

Ngày 12/2/2020 UBND quận Thủ Đức đã ra quyết định cưỡng chế đối với phần xây sai phép nói trên. Đến ngày 7/4/2021, gia đình có nhận được thông báo cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm do ông Huỳnh Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch phường ký. Sau đó, phường đã tổ chức cưỡng chế phần xây dựng vi phạm của căn nhà bà Diễn.

"Tôi không hiểu vì sao cả khu có cả chục căn nhà xây dựng lấn hành lang mương nhưng lại chỉ cưỡng chế mỗi một căn nhà tôi. Việc cưỡng chế cũng có nhiều vấn đề rất khó hiểu, cưỡng chế khi chúng tôi không có ở nhà. Cả năm nay gia đình chúng tôi đã làm đơn khiếu nại, đơn tố cáo gửi UBND phường, UBND TP.Thủ Đức… nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng”, bà Diễn nói.

Luật sư nói gì?

Nhìn nhận về vụ việc, Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng đây là vụ việc tương đối phức tạp: "Chúng ta phải nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trong trường hợp này, người dân có lỗi là xây nhà lấn chiếm hành lang kênh rạch, chính quyền có phần lỗi là phát hiện quá trễ và chỉ cưỡng chế 1 căn dù có nhiều căn vi phạm tương tự".

img

Cảnh cưỡng chế phần vi phạm hành lang kênh mương của căn nhà bà Diễn. Ảnh cắt từu clip.

Theo luật sư, việc cưỡng chế như trên không tránh khỏi việc gây hoang mang bức xúc trong dư luận về việc cưỡng chế liệu có khách quan không. Vì thế, cần phải xem xét việc vi phạm lấn chiếm hành lang, kênh rạch của các hộ khác diễn ra như thế nào, khi nào, có thuộc các trường hợp dù xây dựng trái phép vẫn không buộc tháo dỡ công trình... Vấn đề này được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 79, Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

"Nếu việc lấn chiếm của các hộ gia đình khác giống như của bà Diễn thì phải chăng UBND phường đã không vô tư khách quan? Nếu xảy ra vấn đề đó thì đã phạm vào nhóm tội phạm về chức vụ tại Bộ luật hình sự, còn phạm vào tội cụ thể nào thì phải xét đến các yếu tố cấu thành tội phạm được hình thành”, luật sư Thường nhận định.

Theo luật sư Thường, trường hợp nhà bà Diễn thuộc trường hợp xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, được quy định Nghị định số 139/2017/NĐ-CP nên sẽ bị buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nhà xây dựng trái phép không bị tháo dỡ được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 79, Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Như vậy, nếu như nhà bà Diễn và các hộ khác xây dựng trái phép nhưng thỏa mãn các điều kiện tại khoản 2, khoản 3 nêu trên thì sẽ không bị tháo dỡ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.