Đô thị

TP.HCM: Mỏi mòn chờ cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát

29/10/2020, 10:02

Dự án “xanh hóa” dòng kênh Tham Lương - Bến Cát vẫn chưa thể triển khai do thiếu vốn trong khi rác thải, ô nhiễm đang bức tử dòng kênh.

img
Kênh Tham Lương - Bến Cát, đoạn cuối dòng kênh chảy qua quận Tân Bình bị ô nhiễm nặng

Với hy vọng biến kênh Tham Lương - Bến Cát trở thành kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thứ hai, TP HCM có chủ trương đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo. Tuy nhiên, đến nay dự án “xanh hóa” dòng kênh này vẫn chưa thể triển khai do thiếu vốn.

Rác thải, ô nhiễm bức tử dòng kênh

Đi dọc kênh Tham Lương - Bến Cát, ghi nhận của PV cho thấy gần như cả tuyến đều đang bị ô nhiễm nặng, nước kênh đen kịt, rác nổi lềnh bềnh và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tình trạng này đã tồn tại gần 20 năm nay nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sinh sống gần kênh; đồng thời là trở ngại lớn cho sự phát triển đô thị hóa của cả khu vực.

Đoạn kênh bị ô nhiễm nặng nhất là đoạn giáp giữa quận Gò Vấp và quận 12. Tại đây, cây cỏ, lục bình mọc kín dưới dòng kênh, khiến dòng nước bị ứ đọng, phát sinh ruồi muỗi. Ở những đoạn có nhiều cư dân sinh sống, nhiều loại rác thải được xả thẳng xuống kênh. Cạnh đó là dòng nước chảy từ các cống nhỏ ra kênh đen kịt, bọt trắng xóa.

Đưa tay chỉ về phía con kênh trước cửa nhà, ông Nguyễn Văn Hải, sống gần kênh Tham Lương - Bến Cát trên đường Lê Trọng Tấn, đoạn qua quận Tân Bình, bức xúc: “Nước kênh lúc nào cũng đen kịt, mùi hôi thối của nước thải từ các cơ sở sản xuất bốc lên rất khó chịu mỗi khi nắng gắt. Dòng kênh bị ô nhiễm nặng hơn một phần do nhiều người không có ý thức xả rác bừa bãi ra kênh”.

Nghiêm tọng hơn, cuối dòng kênh, dọc đường 26/3, quận Tân Bình còn bị đất cát bồi lắng chặn dòng, tắc nghẽn dòng chảy, cỏ mọc um tùm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhà ngay trước kênh ngao ngán: “Hơn 10 năm nay kênh này bị tắc, rất nhiều ruồi muỗi, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Người lớn còn không chịu nổi, huống chi là trẻ nhỏ. Mong thành phố sớm có kế hoạch cải tạo, khơi thông để người dân được nhờ”.

Cải tạo - chờ đến bao giờ?

img
Phía cuối dòng kênh Tham Lương bị đất cát bồi lắng chặn dòng, tắc nghẽn dòng chảy

Đại diện Ban Quản lý giao thông đô thị TP HCM cho biết, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát được chia thành 2 gói thầu nạo vét kênh, làm kè và nâng cấp đường dọc kênh. Đơn vị có nhiệm vụ sửa chữa đường dọc kênh Tham Lương, tuy nhiên, hiện nay phần gói thầu kè chưa làm nên phải chờ phần kè mới có thể làm phần đường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, chủ đầu tư dự án cho biết, thành phố đã có chủ trương cải tạo kênh này hơn 10 năm nay, nhưng hiện đang thiếu vốn nên chưa thể triển khai. Dự án đang chờ nguồn vốn vay, khi có tiền đầu tư mới có thể xác định được quy mô

Tại cuộc họp mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng toàn tuyến (độ dài khoảng 20km), chỉ đợi tìm được nhà đầu tư phù hợp để thực hiện.

Trước đây, Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ số vốn khoảng 400 triệu USD cho một số dự án chống ngập, cải thiện môi trường của TP HCM, trong đó có dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Tuy nhiên, do vướng mắc trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, WB đã dừng gói tài trợ này vào năm 2017.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang nghiên cứu phương pháp cải tạo, xử lý bãi chôn lấp rác thải Gò Cát nằm gần khu vực kênh Tham Lương để ngăn chặn việc nước rỉ ra từ bãi rác tiếp tục gây ô nhiễm dòng kênh.

Kênh Tham Lương - Bến Cát có chiều dài hơn 32km chảy qua địa bàn các quận: Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, 12, Gò Vấp… Dự án cải tạo kênh được khởi động từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do chưa có nguồn vốn. Hiện, dự án đã hoàn tất đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân những khu vực bị ảnh hưởng.

Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm nạo vét bùn dưới kênh, làm đường dọc 2 bên kênh. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện nhiều hạng mục như xây kè; làm đường dọc 2 bên kênh; xây dựng 2 cống ngăn triều ở 2 đầu và cuối kênh (cống rạch Nước Lên và cống Vàm Thuật); lắp đặt cống dẫn nước…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.