Đô thị

TP.HCM: Người dân có mặn mà với xe đạp công cộng?

20/01/2022, 08:02

Vào những ngày cuối tuần, khách thuê đông, tới hơn 3.000 chuyến đi. Các xe ở 43 trạm hoạt động hết công suất, cao điểm phải sử dụng xe dự phòng.

Hơn một tháng đi vào hoạt động, xe đạp công cộng ở trung tâm quận 1 chủ yếu phục vụ khách đi dạo, khám phá. TP.HCM đang nghiên cứu làm làn đường riêng cho xe đạp để hút khách.

img

Xe đạp cho thuê ở trạm vỉa hè Lê Lợi, quận 1

Khách thuê để tập thể dục, trải nghiệm

Ngày 14/1, ghi nhận của PV tại trạm trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1), có khoảng 20 chiếc xe đạp đặt đối diện nhà hát Thành phố.

Lúc này, đã gần trưa không có bóng dáng người nào thuê xe đạp. Xung quanh cũng không có người hướng dẫn khách thuê.

Tương tự tại trạm Bến Thành, có khoảng 10 chiếc xe đạp, ghi nhận của PV trong 30 phút cũng không có khách thuê xe.

Theo người dân sinh sống gần khu vực này, thường vào sáng sớm và chiều tối mới có người thuê.

“Phương tiện xe đạp công cộng rất tốt, tuy nhiên không phù hợp đạp xe với thời tiết nắng chói chang của Sài Gòn. Hơn nữa, xe đạp cũng chưa thuận tiện để người dân chọn làm phương tiện đi làm”, một người dân cho biết.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, một người dân từng thuê xe đạp trải nghiệm chia sẻ: “Tôi đã đi thử, xe đạp chạy tốt, giá cả phù hợp, nhưng chỉ đi tập thể dục và chiều tối mát mẻ chạy lòng vòng, giải trí thì phù hợp hơn”.

Theo anh Mạnh, nếu thành phố muốn sử dụng xe đạp công cộng để giảm phương tiện cá nhân, để người dân có thể chọn lựa làm phương tiện đi lại thường xuyên thì về lâu dài cần mở rộng sang các quận khác, kết nối với các trạm xe buýt, có làn đường riêng cho xe đạp để đảm bảo an toàn.

Hoặc có thể tổ chức các tour du lịch khám phá, kết hợp đi làm bằng những phương tiện như buýt trên sông, xe đạp công cộng, xe buýt thân thiện, metro, xe điện..., như vậy mới có thể thu hút được nhiều người.

“Với những khách hàng thân thiết, doanh nghiệp đang kinh doanh xe đạp cho thuê nên có chính sách ưu đãi để thu hút. Sắp tới học sinh, sinh viên đến trường trở lại, đây là nguồn khách hàng rất dồi dào. Giờ cao điểm chắc chắn sẽ “cháy” xe. Những người hay đi đến các điểm giao dịch, chi nhánh của công ty tôi ở quận 3, quận 4 không thể đạp xe một mạch vì “ngoài vùng phủ sóng”. Vì vậy, bổ sung số xe, địa điểm, mở rộng kết nối sang những quận lân cận là việc cần làm ngay”, anh Mạnh góp ý.

Chị Phạm Thu Hoài, ở TP Thủ Đức chia sẻ: “Xe đạp công cộng hiện mới chỉ có ở trung tâm quận 1, phù hợp với người đi du lịch ngắm cảnh thành phố.

Còn mục đích để giảm phương tiện cá nhân tôi thấy chưa làm được. Bởi, phương tiện công cộng hiện nay của thành phố chưa thuận tiện cho người dân, trong khi nhu cầu sử dụng xe gắn máy vẫn lớn vì tiện lợi”.

Nghiên cứu làn đường riêng

img

Khách thuê chủ yếu vào cuối tuần, đi trải nghiệm

Ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ vận tải số Trí Nam cho biết, theo thống kê từ phần mềm quản lý của công ty từ ngày khai trương đến nay có 54.000 người đã thực hiện chuyến đi với hơn 361km.

Tổng số chuyến đi là 23.000 và độ tuổi sử dụng là từ 18 - 22 chiếm 28%, 22 - 40 chiếm 54%. Mỗi ngày trung bình có gần 2.000 người đăng ký mới.

“Vào những ngày cuối tuần, khách thuê đông, tới hơn 3.000 chuyến đi. Các xe ở 43 trạm hoạt động hết công suất, cao điểm phải sử dụng xe dự phòng. Có thời điểm 430 xe chạy cùng một lúc không còn xe nào. Nhu cầu thuê xe của người dân phần lớn là tập thể dục, trải nghiệm đi ngắm thành phố, uống cà phê”, ông Quân nói.

Theo ông Quân, những người thuê xe cơ bản ý thức rất tốt, trả lại xe đúng thời gian và đúng vị trí. Tuy nhiên, vẫn có một vài người để xe ngoài trạm, sau đó công ty phải cử người đi gom xe lại và đặt đúng vị trí trạm.

Những người này, công ty đã gọi điện nhắc nhở. Dự kiến, thời gian tới công ty sẽ nghiên cứu mở rộng thêm một số quận lân cận phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), để tránh đi vào “vết xe đổ” của Hà Nội, đơn vị đã triển khai ứng dụng công nghệ trong mô hình xe đạp công cộng, nhằm tạo sự thuận tiện nhất cho người dân.

“Về lâu dài, thành phố sẽ phải nghiên cứu đến việc thiết kế phần đường dành riêng cho xe đạp để đảm bảo an toàn. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để làm sao có thể kết nối phần mềm quản lý người đi xe đạp với xe buýt và metro. Phần mềm này có thể cảnh báo sớm vị trí ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc giao thông để cho người dùng được thuận tiện hơn”, ông Hải nói.

Dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM được khai trương ngày 26/12/2021. Sở GTVT TP cùng Tập đoàn Trí Nam đã chuẩn bị chính sách, phương tiện với 100% vốn xã hội hóa để đưa vào 500 xe đạp ở 43 vị trí khu vực trung tâm TP. Mục đích là thêm sự lựa chọn đi lại cho người dân, góp phần giảm người đi xe cá nhân.

Giá cho thuê xe đạp là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Người thuê xe có thể sử dụng phương thức đóng, mở khóa xe bằng cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh đề xuất quét mã QR Code được in trên khóa.

Đồng thời, người dùng cũng có thể đặt xe trước thông qua ứng dụng di động, website và sử dụng quét mã QR Code hoặc dùng thẻ từ để mở khóa xe tại trạm. Phương thức thanh toán có thể trả tiền qua các ứng dụng thẻ điện tử như ví MoMo, Visa hay Mastercard…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.