Xã hội

TP.HCM sẽ nâng cao mức độ phòng, chống dịch Covid-19?

19/06/2021, 17:58

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên đưa quyết tâm sau tuần tới, có thể khống chế được dịch, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài.

img

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đưa quyết tâm sau tuần tới, TP có thể khống chế được dịch, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài.

Trưa 19/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì họp khẩn để thảo luận, triển khai phương án cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn.

Tham dự cuộc họp có Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, TP.HCM đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Thành ủy đồng ý các đề xuất của các sở, ngành, quận, huyện về việc triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn.

Theo ông Nên, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc xin nhưng để vắc xin hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Theo đó, thời điểm này vẫn cần tăng cường hiệu quả truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng.

"Kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TP.HCM, giãn cách xã hội, đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn", ông Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành uỷ đề nghị, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để tạo nền nếp, kỷ cương trong quá trình thực hiện phòng chống dịch bệnh. Quyết tâm sau 1 tuần tới, thành phố có thể khống chế được dịch bệnh.

Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, từ 6h ngày 18/6 đến 6h ngày 19/6, TP.HCM ghi nhận 104 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV- 2. Trong đó, có 32 trường hợp phát hiện khi thực hiện mở rộng xét nghiệm ở quận Bình Tân.

Theo ông Bỉnh, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại TP.HCM.

Về công tác xét nghiệm, năng lực xét nghiệm của các cơ sở y tế thuộc thành phố, các cơ sở y tế Trung ương trên địa bàn và một số bệnh viện tư nhân đạt khoảng 20.000 mẫu/24 giờ, trường hợp cần thiết có thể nâng lên công suất tối đa 30.000 mẫu/24 giờ.

Thành phố huy động lực lượng y tế (930 đội) tham gia lấy mẫu xét nghiệm, ngày cao điểm thực hiện 100.000 mẫu/24 giờ, có thể nâng công suất tối đa lên 200.000 mẫu/24 giờ.

Về tiêm chủng vắc xin, ông Bỉnh cho biết, đang triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 3 (từ ngày 3/6), đến nay đã tiêm cho 67.792 người, trong đó 38.383 người tiêm mũi 1, 29.409 người tiêm mũi 2, còn lại hơn 4.000 liều sẽ tiêm trong 2 ngày 19 và 20/6.

Thành phố đã chuẩn bị kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm 786.000 liều vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế cấp đợt 4.

Theo Sở Y tế, đến nay, thành phố có 1.661 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố.

Cụ thể: 1.414 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 85,13%), 243 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 14,63%), 4 trường hợp lây trong khu cách ly VNA (0,24%).

Đã có 370 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 22,28%. Có 2 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,12%. Hiện đang điều trị 1.289 bệnh nhân dương tính (chiếm tỉ lệ 77,60%).

HCDC cho biết, thành phố ghi nhận 104 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV- 2, đang điều tra, truy vết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.