Văn hóa - Giải Trí

Trần Đăng Khoa: Người ta bịa tôi sửa thơ Tố Hữu

25/04/2015, 05:05

Nhà thơ Trần Đăng Khoa được mệnh danh là thần đồng thơ Việt Nam.

tran dang khoa
Trần Đăng Khoa: Người ta bịa tôi sửa thơ Tố Hữu

Ông có thơ xuất bản từ năm 1966 khi mới 8 tuổi. Thơ Trần Đăng Khoa được dịch và xuất bản ra nhiều nước trên thế giới. Trong chuỗi sự kiện Ngày sách Việt Nam lần thứ hai, ông đã tâm sự rất thật về tuổi thơ cũng như những câu chuyện xung quanh mình.

không có nàng thơ

Trần Đăng Khoa nhận, ông là một gã nhà quê, nhà quê đến tận cùng bản chất. Bởi bao nhiêu năm sống ở Hà Nội và nước ngoài, vẫn là gã nhà quê ngờ nghệch.

Khi nói về nàng thơ của mình, Trần Đăng Khoa bảo: “Mỗi nhà thơ, nhà văn đều có một hình bóng, đôi khi tôi nghĩ mình không phải nhà thơ nhà văn vì tôi không nghiện rượu, chè, cà phê và cũng không có nàng thơ nào cả".

Thần đồng thơ thổ lộ, nếu được trở lại thời trẻ con, ông sẽ chơi nhiều hơn làm thơ. “Tôi hoàn toàn không có tuổi thơ. Năm 8 tuổi, khi bắt đầu công bố những bài thơ đầu tiên cũng là lúc tôi từ giã tuổi thơ của mình. Lúc đó tôi làm người phát ngôn cho thế hệ trẻ con của mình một cách tự nguyện. Nhiều người bảo sao thơ Trần Đăng Khoa già thế, như ông cụ non".

Trước nhận định thơ Trần Đăng Khoa chỉ có thời trẻ con thôi, lớn lên rất chán, Trần Đăng Khoa giải thích: "Thơ đọc hay, không hay, theo tôi vấn đề là đọc trong lúc nào, tâm trạng nào. Ngoài ra, không thể lấy Trần Đăng Khoa thuở bé để so với Trần Đăng Khoa bây giờ vì hai cái đó khác nhau hoàn toàn. Cũng như không thể lấy cô gái 8 tuổi để so sánh với phụ nữ ở tuổi 30".

Có người lại hỏi, vì Trần Đăng Khoa "bí thơ" nên chuyển sang viết các lĩnh vực khác? Ông bảo: "Tôi không bí thơ, bỏ thơ. Tôi lựa chọn sự trải nghiệm trong những thể loại mới như phê bình, báo chí. Tôi nghĩ điều này cũng đơn giản như việc ngồi vào mâm cơm, người dùng đũa nhưng kẻ khác lại cầm thìa mà thôi".

Nhắc đến Trần Đăng Khoa, người ta hay nhắc đến bài thơ "Hạt gạo làng ta", "Chuyện tình người lính biển". Nhưng hỏi ông thì ông bảo chỉ chọn cho riêng mình một bài thơ "Ở nghĩa trang thành phố". "Đây là bài thơ tôi viết sau TNGT thảm khốc mà em Huỳnh Diệu Hương, đang là sinh viên khoa Nga chuẩn bị đi Nga thì bị chết vì đụng xe. Đám tang cảm động vô cùng. Hôm đó nghĩa trang có bốn cô gái chết, có em chỉ 14 tuổi, có em chết đúng ngày cưới của mình. Tôi chỉ nói thế này, có những điều chúng ta phải làm nhanh, nếu chờ đến ngày mai thì sẽ không biết thế nào. Nếu có ý định làm việc tốt thì làm ngay, đừng lấn cấn nữa", ông nói.

151
Trần Đăng Khoa ngày bé

Không sửa thơ Tố Hữu

Trước thắc mắc, có phải Trần Đăng Khoa từng đề nghị sửa câu thơ trong bài “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu: “Đường ta rộng thênh thang tám thước” thành "Đường ta rộng thênh thang ta bước", nhà thơ khẳng định chuyện đó hoàn toàn không phải.

Ông nói, ngày xưa, người ta đồn Trần Đăng Khoa giỏi lắm, người ta bịa ra chuyện Trần Đăng Khoa sửa thơ Tố Hữu, chứ sự thật không phải. Tố Hữu là nhà thơ lớn, có những bài thơ bất hủ. Câu thơ của Tố Hữu "Đường ta rộng thênh thang tám thước" là câu thơ hay. Vì sao? Bởi vì lúc ấy chúng ta chưa có đường, toàn rừng núi nên có con đường 8 thước thì tuyệt vời. Bài thơ bắt đầu từ con đường thật là con đường 8 thước rồi trở thành con đường cách mạng, thành con đường lớn cả dân tộc đi.

Nếu để ý, đường ta rộng thênh thang 8 thước không ai chữa thành ta bước.

"Ta đi giữa ban ngày/Trên đường cái, ung dung ta bước/Đường ta rộng thênh thang tám thước" nếu đổi thành "Ta đi giữa ban ngày/Trên đường cái, ung dung ta bước/Đường ta rộng thênh thang ta bước". Bên trên ta bước, bên dưới ta bước, đọc rất là lẩn thẩn, không nhà thơ nào chữa như vậy cả.

Trần Đăng Khoa kể, năm 1968, khi đang học lớp 4, nhà thơ cộng sản Pháp Gérard Guillaume về quê ông thực hiện bộ phim Thế giới nhỏ của Khoa. Đoàn làm phim Pháp do Xuân Diệu dẫn về làng, ông trực tiếp làm phiên dịch, rồi trực tiếp giới thiệu thơ với bà con dân làng và các cháu thiếu nhi, đứng ngồi vây quanh ông. Trong phim, Xuân Diệu xuất hiện ba lần. Phần mở đầu ông nói về thơ tôi. Rồi sau đó, ông đọc thơ tôi ở phần giữa và khi kết phim. Đó là những trường đoạn rất sinh động và rất quý hiếm. Đây cũng là hình ảnh duy nhất lưu giữ được hình bóng ông trọn vẹn cả hình cả tiếng lúc sinh thời. “Tôi rất đau xót năm đó khi truyền hình chúng ta đã phát triển nhưng không có một thước phim nào về Xuân Diệu cả. Muốn biết hình ảnh về Xuân Diệu thì chịu, muốn nghe tiếng của ông cũng chịu. Muốn nghe, muốn nhìn Xuân Diệu thì phải trông vào bộ phim này của tôi. Bộ phim này ông không phải là nhân vật chính. Tôi tiếc là xuất hiện nhiều quá. Có lẽ dành nhiều hơn cho Xuân Diệu”.

Tháng 4/1984, nhà thơ về công tác tại Nhà văn hóa của Bộ tư lệnh Hải quân. Khi đó có một câu chuyện người ta đồn ầm lên là Trần Đăng Khoa rất giỏi bắt ma. Nói về chuyện giỏi bắt ma, Trần Đăng Khoa hóm hỉnh: "Chuyện đó có thật, nhưng mà thật một nửa. Căn nhà ma thực ra là phòng chứa đồ, cực kì nóng, ở trong một góc hẻm ở Bộ Tư lệnh Hải quân. Ở đây, có một anh thợ chữa điện phụ trách điện của Hải quân, nằm ngủ và chết đột tử. Từ đó, không ai dám ở. Sau này chúng tôi đến công tác, Bộ Tư lệnh cho chúng tôi ở trong căn phòng này để viết cho tĩnh. Chúng tôi ở đó và đã viết được rất nhiều bài thơ, trong đó có bài thơ Đảo chìm mà tôi rất tâm đắc".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.