Quản lý

Tranh cãi để chính quyền xã cấp phép cảng, bến thủy

23/08/2018, 06:36

"Tôi lo ngại chính quyền cấp xã không đủ điều kiện, năng lực để thực hiện việc cấp phép ra vào cảng bến...".

3

Cảng, bến thủy trên tuyến đường thủy quốc gia sông Cầu

Lần đầu tiên một nghị định quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đang được xây dựng để thay cho các thông tư có tính pháp lý yếu hơn trước đây. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong dự thảo đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là vấn đề phân cấp quản lý và cấp phép bến thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia.

Ý kiến trái chiều về phân cấp quản lý

Điểm đáng chú ý nhất theo dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, hạ tầng đường thủy đang được xây dựng là bên cạnh các cơ quan cảng vụ đường thủy, UBND cấp xã cũng được thực hiện việc kiểm tra, cấp phép cho phương tiện thủy vào, rời cảng bến. Theo lý giải, quy định trên nhằm giải quyết bất cập là tại nhiều tuyến, khu vực hiện chưa bố trí được lực lượng cảng vụ hoặc cảng, bến nhỏ lẻ nằm xa đại diện, tổ cảng vụ. Cùng đó, hình thức thực hiện thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng, bến thủy được bổ sung bằng cách chụp và gửi giấy tờ qua mạng internet đến cảng vụ hoặc UBND cấp xã, nhắn tin qua điện thoại (đang được Cục Đường thủy nội địa triển khai thí điểm).

So với quy định hiện hành, thủ tục cấp phép vào, rời cảng bến thủy giảm được một số giấy tờ phải nộp cho cơ quan cấp phép (ví dụ chứng nhận đăng kiểm, giấy phép rời cảng bến cuối cùng, danh bạ thuyền viên); cũng như quy định rõ các trường hợp phương tiện được miễn, giảm thủ tục xin phép (như phương tiện vào, rời bến từ 2 lần/ngày chỉ kiểm tra giấy tờ lần đầu).

Không xây cảng, bến thủy ngoài quy hoạch

Theo Dự thảo nghị định về quản lý ĐTNĐ, tới đây sẽ không xem xét đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy không có, không phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ và các quy hoạch chuyên ngành khác. Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, chỉ khi quy hoạch phát triển cảng, bến không bị “băm nát” mới giải quyết được tình trạng cảng, bến manh mún và tạo phát triển vận tải tập trung.

Tuy vậy, ông Phạm Minh Nghĩa, nguyên Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN bày tỏ băn khoăn về việc giao cho UBND cấp xã thẩm quyền cấp phép cho phương tiện thủy vào, rời cảng bến thủy sẽ khiến xã phải đẻ ra bộ máy quản lý. Trong khi các cán bộ cấp xã không có chuyên môn. Theo tôi không nên giao cho cấp xã, mà có thể giao ngay trách nhiệm này cho chủ cảng, bến. Nếu giao cấp xã lại thêm một khâu trung gian, doanh nghiệp cảng bến sẽ khổ hơn, ông Nghĩa nêu vấn đề.

Tương tự, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN băn khoăn vì trong Luật GTĐT nội địa chưa quy định việc này. “Tôi lo ngại chính quyền cấp xã không đủ điều kiện, năng lực để thực hiện việc cấp phép ra vào cảng bến, nhất là phục vụ ngoài giờ hành chính”, ông Liêm nói.

Một nội dung mới khác của dự thảo nghị định là “giao lại” việc cấp phép hoạt động bến thủy hàng hóa trên các tuyến đường thủy quốc gia cho các cảng vụ đường thủy thuộc Cục Đường thủy nội địa VN. Lý do là từ năm 2015, các Sở GTVT được giao thẩm quyền cấp phép hoạt động cho các bến thủy trên địa bàn, sau đó việc quản lý thường xuyên do cảng vụ đường thủy T.Ư thực hiện.

Liên quan vấn đề trên, một số Sở GTVT (như Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên) đều đề nghị nên phân cấp việc thỏa thuận vị trí xây dựng, cấp phép như hiện nay để tạo thuận lợi cho quản lý và người dân. “Các bến thủy đều nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng chạy tàu và có liên quan đến quản lý đất đai, tài nguyên nên công tác quản lý các bến này phân cấp cho Sở GTVT để dễ phối hợp với các cơ quan cùng cấp ở địa phương (đất đai, môi trường, đê điều…) cũng như quản lý các đầu mối xếp dỡ hàng hóa, kết nối với hệ thống giao thông tại các bến cho đồng bộ”, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị.

Quản cả hoạt động của mỏ cát

Một điểm đáng chú khác, bên cạnh loại bến thủy truyền thống (có vùng đất, vùng nước) dự thảo nghị định còn đưa vào quản lý thêm loại hình “bến khoáng sản” và “bến nổi”.

Bến khoáng sản là nơi neo đậu phương tiện vận chuyển cát, sỏi, khoáng sản khác mỏ, luồng nạo vét được cấp phép; còn bến nổi sử dụng kết cấu nổi (như ụ nổi, pông tông) trên vùng nước nhất định để phương tiện thủy neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả khách. Bến khoáng sản, bến nổi phải xin cấp phép hoạt động, phương tiện khi xuất bến được kiểm soát như tại các bến thủy bình thường.

Theo Ban soạn thảo, điều này xuất phát từ thực tế hiện nay là không có sự quản lý Nhà nước trực tiếp về GTVT đường thủy đối với hoạt động vận chuyển, phương tiện thủy, máy móc chuyên dùng các mỏ cát, khoáng sản lòng sông, điểm trung chuyển nổi trên các tuyến đường thủy. “Thời gian qua, hầu hết các mỏ cát, khoáng sản trên đường thủy trong tình trạng phương tiện thủy, thuyền viên không đảm bảo các điều kiện an toàn, hoạt động lộn xộn. Dù vậy, do thiếu quy định pháp luật điều chỉnh nên lực lượng cảng vụ không thể yêu cầu chủ mỏ, phương tiện tuân thủ yêu cầu về đảm bảo an toàn vận tải thủy, kiểm soát hàng hóa”, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.

Theo ông Phạm Minh Nghĩa, việc đưa hoạt động của mỏ cát vào quản lý không chỉ giúp quản lý thuyền viên, phương tiện mà còn quản lý được nguồn gốc khoáng sản, ngăn chặn tình trạng cát lậu và khai thác cát trái phép như hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.