Chính trị

Tranh luận giao thẩm quyền điều tra cho 3 cơ quan

03/06/2015, 06:45

Các ĐBQH thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam.

31
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu

Quá tải tại cơ sở tạm giữ, tạm giam

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an cho biết, hiện nay có 70 cơ sở tạm giam, 708 cơ sở tạm giữ trên cả nước. Tuy nhiên, có một thực tế là dù đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không thể tránh khỏi tình trạng quá tải. “Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp bàn về chống quá tải trong tạm giam, tạm giữ nhưng vẫn không chống được. Vì thế chúng tôi mong muốn trong Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự sẽ có quy định để hạn chế đầu vào, tăng đầu ra và giảm thời hạn giam giữ, tránh quá tải như hiện nay”, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu đề xuất.

Nêu ý kiến về việc gia hạn giam giữ đối với đối tượng phải chịu án tử hình, ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng: “Án tử hình trước đây là tạm giam chờ thi hành án. Nhưng quy định thời hiệu tạm giam chưa rõ ràng, nên nhiều trường hợp khi chúng tôi vào giám sát các bị cáo kêu lắm, rồi họ còn quấy rối trong trại giam. Vì thế, phải quy định một thời gian nhất định đối với người bị giam chờ thi hành án tử hình”. Ngoài ra, ông Bộ cũng đề xuất việc dùng công nghệ cao quản lý tội phạm nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình tạm giữ, tạm giam.

Dẫn thực trạng hiện nay tình hình bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai chủ yếu xảy ra ở giai đoạn tạm giữ, tạm giam, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc QH ban hành Luật Tạm giữ, tạm giam ngoài mục tiêu thực hiện theo Hiến pháp về quyền con người thì đây cũng là cơ sở pháp lý để chúng ta khắc phục những bất cập trong luật hiện nay. Cũng theo Phó Chủ tịch QH, cần phân biệt chế độ đối với người tạm giữ, tạm giam phải khác với những người đã bị Tòa án tuyên và đang chấp hành án phạt tù trong trại tạm giam.

Tranh luận việc giao thẩm quyền điều tra cho kiểm ngư

Vấn đề được các ĐBQH tập trung thảo luận nhiều nhất khi góp ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là nên hay không giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho ba cơ quan là kiểm ngư, cơ quan thuế và ủy ban chứng khoán. Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, xét trên cơ sở thực tiễn, có thể bổ sung thẩm quyền điều tra cho riêng lực lượng kiểm ngư, còn đối với cơ quan thuế và ủy ban chứng khoán thì không phù hợp. “Đối với kiểm ngư, các hành vi tội phạm trong lĩnh vực này thường là tội phạm quả tang, diễn ra rõ ràng, không mang tính phức tạp. Bên cạnh đó, kiểm ngư có đặc thù hoạt động ngoài biển, nếu diễn ra sự việc gì mà chờ Cảnh sát biển đến thì rất lâu và khó khăn. Nên với các vi phạm trên biển như tấn công lực lượng kiểm ngư, nổ mìn, hủy hoại môi trường biển thì lực lượng kiểm ngư có thể điều tra ban đầu được, sau đó bàn giao lại cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”, ông Xuyên phân tích.

Ngân sách Nhà nước cần công khai, minh bạch

Sáng cùng ngày, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) tại hội trường. Cho ý kiến tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc công khai ngân sách Nhà nước là biện pháp rất quan trọng, tạo sự minh bạch trong quản lý tài chính kinh tế và sử dụng ngân sách Nhà nước.

Một số ĐB đánh giá dự thảo luật này đã quy định về nội dung, hình thức, thời hạn công khai khá cụ thể nhưng lại chưa quy định cụ thể về đối tượng chịu trách nhiệm công khai. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện rõ việc công khai các nguồn quỹ thu từ ngân sách Nhà nước cũng như sự đóng góp của nhân dân, đồng thời đề xuất trong dự luật phải quy định bắt buộc về công khai từ khâu dự toán cho đến chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách; các nguồn quỹ mà có nguồn từ ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân thì phải công khai.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lý giải, giao thẩm quyền tiến hành điều tra ban đầu cho một số cơ quan như kiểm lâm, bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát biển vì những nơi này không có cơ quan điều tra chuyên trách để phát hiện kịp thời, thu giữ tất cả tài liệu hồ sơ, chứng cứ ban đầu phục vụ cho việc điều tra sau này nên phải giao quyền để họ trực tiếp điều tra. “Giờ đối với cơ quan thuế và ủy ban chứng khoán lại lập luận đây là những cơ quan có tính chuyên sâu nên rất khó, phải giao cho họ điều tra ban đầu. Nhưng trong một số vấn đề khác nữa, vì tính chuyên sâu, tính phức tạp thì chúng ta có tiếp tục giao không? Tôi nghĩ không thể giao như thế được, không giải quyết được vấn đề gì”, Phó Chủ tịch QH khẳng định và cho rằng, riêng đối với lực lượng kiểm ngư, do các hành vi phạm tội xảy ra trên một môi trường phức tạp, trong điều kiện xa xôi, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu thì có thể giao quyền điều tra cho kiểm ngư trong điều kiện an ninh trên biển còn phức tạp.

Ở khía cạnh khác, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) lại không tán thành việc bổ sung thẩm quyền trên, bởi nếu như vậy, những cơ quan này vừa có quyền hành chính, vừa có quyền tư pháp và dễ bị lạm dụng, có thể dẫn đến oan sai. Hơn nữa, các cơ quan này không có điều tra viên chuyên nghiệp nên hạn chế kỹ năng quản lý hồ sơ trong khi nhân chứng hiện trường đã thay đổi, khi chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra lại phải làm lại. “Một đất nước có nhiều cơ quan điều tra quá là không nên. Tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị là thu hẹp đầu mối”, ĐB Đương nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng “nếu lĩnh vực nào cũng cho thẩm quyền điều tra thì gay”. Vì hiện nay cơ quan chuyên trách điều tra, được đào tạo, có thủ trưởng và điều tra viên còn có hạn chế. Do đó, các lực lượng khác rất dễ vi phạm quyền con người nếu được giao quyền này. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.