Đô thị

Transerco mở rộng vùng phục vụ, đưa xe buýt về các xã

19/05/2021, 09:52

Hiện Transerco đã thực hiện xong mục tiêu “xoá vùng trắng” xe buýt tại các huyện ngoại thành, tiếp tục phấn đấu đưa xe buýt về các xã.

img

Transerco đã hoàn thành mục tiêu "xoá vùng trắng xe buýt" tại các huyện ngoại thành

Xong mục tiêu “xoá vùng trắng” xe buýt tại các huyện ngoại thành

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo TCT Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết: "Từ nhiều năm nay, TP.Hà Nội luôn xác định, phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là một trong những thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị của Thủ đô. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu xe buýt sẽ đảm nhận 16 - 18% thị phần, đến năm 2030 đạt 25%".

Mạng lưới xe buýt Thủ đô trong giai đoạn tới cần tiếp tục mở rộng vùng phục vụ, gia tăng thêm nhiều luồng tuyến mới. Trong đó, chú trọng đến những địa bàn cấp xã có nhu cầu đi lại lớn và đủ điều kiện đáp ứng cho VTHKCC hoạt động.

Là đơn vị đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong lĩnh vực phát triển VTHKCC của thành phố, trong nhiều năm qua, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm mở thêm nhiều tuyến buýt mới, nhánh tuyến, tăng cường kết nối mạng lưới giữa các khu đô thị và khu vực dân cư, nâng cao hiệu quả khai thác phục vụ nhân dân trong việc đi lại bằng phương tiện công cộng, đảm bảo được các mục tiêu và yêu cầu của thành phố đã đề ra.

Tính đến thời điểm tháng 9/2017, Tổng công ty đã hoàn thành mục tiêu “xóa vùng trắng” xe buýt có trợ giá tại các huyện ngoại thành của thành phố. Đây là giai đoạn mạng lưới xe buýt của Thủ đô được phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

DN này đã lên một lộ trình chi tiết phát triển xe buýt. Theo đó, trong giai đoạn 1, phấn đấu không có trung tâm, đơn vị hành chính (quận, huyện) nào của Hà Nội “trắng” về xe buýt. Về cơ bản, đến nay mục tiêu đã hoàn thành.

Giai đoạn 2: Không có trung tâm, thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm liên xã “trắng” về xe buýt và giai đoạn 3: Đưa xe buýt về tận trung tâm các xã, các điểm thu hút hành khách lớn.

Thông tin từ Transerco cho hay, trong giai đoạn 2016-2019, Tổng công ty đã mở mới 33 tuyến buýt, mở rộng thêm 15 nhánh trên các tuyến hiện có. Một số tuyến buýt gom kết nối các khu đô thị với mạng lưới xe buýt chung của thành phố, kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài, trong đó có tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, tuyến buýt du lịch 2 tầng Hanoi Citytour thoáng nóc đầu tiên của Hà Nội. Còn lại, hầu hết là các tuyến buýt mở rộng vùng phục vụ đến các huyện phía Tây, Tây Nam thành phố như: Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức…

Các tuyến mở mới trong giai đoạn này hoạt động an toàn, ổn định, sản lượng hành khách tăng dần theo thời gian, như: tuyến 103.Mỹ Đình - Hương Sơn (Mỹ Đức), tuyến 108. Bến xe Thường Tín - Minh Tân (Phú Xuyên)…

Đưa xe buýt về các xã

Trong giai đoạn 2020-2025, về luồng tuyến, thành phố dự kiến mở mới 90-100 tuyến buýt, trong đó có 10 tuyến phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân.

Để đáp ứng được nhiệm vụ đó, đặc biệt trong tình hình mới với sự tác động trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, Tổng công ty đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục giữ ổn định doanh nghiệp, giữ được vai trò chủ đạo trong lĩnh vực VTHKCC của thành phố, phấn đấu số tuyến mở mới của Tổng công ty trong cả giai đoạn chiếm tối thiểu 60% thị phần các tuyến mới mở của toàn mạng.

Tính đến hết quý I năm 2021, dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong bối cảnh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn “5K” của Bộ Y tế khi dịch bệnh bùng phát trở lại, khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, chuẩn bị các điều kiện khác về nguồn vốn, đoàn phương tiện… nhưng Tổng công ty cũng đã cố gắng để đưa vào vận hành thêm 7 tuyến buýt mới gồm các tuyến: 66, 67, 114, 115, 116, 117, 119. Đây là các tuyến kết nối vùng phục vụ giữa các trục chính các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Hoài Đức, Ứng Hòa…

Khảo sát của Transerco cho thấy, hết các tuyến đường liên xã vào các huyện trong thành phố hiện nay đều đang có mặt cắt đường hẹp.

“Khắc phục tình trạng này, thời gian tới, chúng sẽ lên các phương án phù hợp nhằm điều chỉnh, mở mới các tuyến buýt đến các xã chưa có xe buýt phục vụ bằng các phương tiện có kích cỡ nhỏ phù hợp. Trường hợp chưa thể mở mới tuyến buýt do hạ tầng, sẽ buộc phải chờ đến khi đủ điều kiện vận hành xe buýt an toàn”, lãnh đạo Transerco khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.