Chuyện dọc đường

Trẻ mang điện thoại vào lớp, có gì mà ngại?

Vì sao ngành Giáo dục lại đề ra quy định cho học sinh sử dụng điện thoại? Nó có dựa trên căn cứ, cơ sở khoa học nào không?

img
Điện thoại thông minh chính là thiết bị giúp học sinh tiếp cận giáo dục hiện đại (Ảnh minh họa)

Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT vừa ban hành, trong đó quy định nhiều cấp học cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên, vừa mới ra đời đã vướng phải luồng tranh luận.

Không ít phụ huynh ra sức phản đối vì lo sợ quy định này gây tác động tiêu cực, con em mình sẽ rơi vào đà nghiện điện thoại…

Thực tế lâu nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn có thói quen, với con em mình, cái gì không quản được thì cấm. Trong số những người phản đối cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học, hầu hết đang xuất phát từ nỗi lo, cảm xúc cá nhân, còn đã mấy ai bình tĩnh lại để suy ngẫm: Vì sao ngành Giáo dục lại đề ra quy định như vậy? Nó có dựa trên căn cứ, cơ sở khoa học nào không?

Không thể phủ nhận, điện thoại hiện đã trở thành công cụ giải trí phổ biến cho trẻ em trong các gia đình Việt. Thống kê cho thấy, số điện thoại di động được sử dụng tại Việt Nam hiện đang là 150 triệu thiết bị, gần gấp rưỡi tổng dân số; Trung bình người Việt Nam dành tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet…

Vì thế, chúng ta cần phải xác định đứa trẻ không thể tuyệt giao với công nghệ trong thời đại hiện nay. Vậy thay vì cấm, tại sao không tận dụng những thiết bị đang có để hướng cho con mình cảm thấy hứng thú với việc học tập hơn?

Hiện nay, các công ty công nghệ giáo dục cho ra khoảng hơn 4.000 ứng dụng qua điện thoại để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. 2/3 trong số ứng dụng đó là miễn phí, tại sao lại không tận dụng?

Về mặt tâm lý giáo dục, tỷ lệ trẻ tiếp thu qua đọc là rất ít, chủ yếu kiến thức các em nhận được qua nghe nhìn thực tế. Để bắt kịp với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra mau lẹ, buộc các nhà trường phải dùng thiết bị hiện đại như máy tính, công nghệ thực tế ảo với kính VR… Thế nhưng, liệu rằng có phải trường nào, học sinh nào cũng có điều kiện để mua được thiết bị hiện đại đó hay không?

Trong khi chiếc điện thoại chính là thiết bị phổ biến nhất, giúp học sinh đảm bảo bình đẳng nhất về cơ hội tiếp cận giáo dục hiện đại. Không cần trang bị đắt tiền, chỉ cần một tấm bìa carton kết hợp với chiếc điện thoại thông minh, học sinh cũng có thể tự tay làm được kính VR để trải nghiệm trực tiếp hình ảnh 3D.

Hiện, có rất nhiều ứng dụng trong giảng dạy buộc trẻ mang điện thoại tới lớp phải truy cập vào để học. Khi đó, cô giáo vừa giảng bài, vừa quan sát được hành vi học sinh. Trường hợp trò làm việc riêng, chơi game, không tương tác với bài giảng, ngay lập tức phần mềm sẽ hiện lên cảnh báo trên màn hình.

Công nghệ là công cụ giúp trẻ học nhanh, tốt hơn, tránh bị lạc hậu so với guồng phát triển chung và tăng sức cạnh tranh về đầu ra. Tuy nhiên, để làm được điều này, bản thân người lớn bao gồm thầy cô và cha mẹ phải tự tăng cường năng lực công nghệ để dạy trẻ kỹ năng an toàn mạng, định hướng cách sử dụng thiết bị trong học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đó, các nhà quản lý giáo dục cũng cần tăng cường phát triển các phần mềm giúp cha mẹ và nhà trường quản lý thời gian thực của con.

Giống như chơi bóng đá, cầu thủ xuất sắc là người biết hướng đón trước trái bóng để dẫn dắt ghi bàn. Tương tự trong nền giáo dục, chúng ta phải đón đầu xu thế chuyển đổi số để tăng cường cơ hội cho người học trải nghiệm.

Chúng ta suốt ngày nhắc tới công nghệ 4.0 nhưng chất lượng dạy và học ở nhiều nơi vẫn ở thời kỳ thế kỷ 18 - 19, người học vẫn bị giới hạn trong 4 bức tường, không có sự kết nối thì đầu ra làm sao có thể cạnh tranh với thế giới?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.