Thế giới

Trung Quốc chi 40 tỷ USD xây Con đường tơ lụa mới

10/11/2014, 09:41

Sáng 9/11, Hội nghị Cấp cao các doanh nghiệp APEC đã khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra tại Bắc Kinh...

Hội nghị cấp Bộ trưởng APEC 22
Hội nghị cấp Bộ trưởng APEC 22

Khai thông điểm nghẽn kết nối

Sáng 9/11, Hội nghị Thượng đỉnh các doanh nghiệp APEC - hoạt động quan trọng nhất trong tuần lễ cấp cao APEC khai mạc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các thành viên APEC nỗ lực thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa kinh tế trong khu vực, tìm động lực mới cho sự phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường kết nối trong khu vực nhằm đặt nền tảng cho phát triển. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẽ đóng góp 40 tỷ USD cho nguồn quỹ hạ tầng Con đường tơ lụa, nhằm thúc đẩy kết nối khắp khu vực châu Á, theo Reuters.

Mục đích của quỹ nhằm khai thông các điểm nghẽn trong kết nối tại châu Á. Theo ông Tập Cận Bình, thiết lập quỹ Con đường tơ lụa để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước nằm dọc tuyến đường này nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, hợp tác công nghiệp, tài chính và các dự án liên quan đến kết nối. Quỹ này được thiết lập cùng các nguồn quỹ phụ theo khu vực, ngành nghề và dự án”. Ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố hoan nghênh các nhà đầu tư tại châu Á và bên ngoài khu vực tham gia vào quỹ.

Hồi tháng 10 vừa qua, 21 nước châu Á đã ký biên bản ghi nhớ thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), với nguồn vốn ban đầu khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc. Ngân hàng này sẽ có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng sẽ là đối trọng với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á - các định chế nhận được nhiều đóng góp tài chính từ Mỹ và các đồng minh.

Chưa thể ký TPP

Trước đó, trong tuyên bố chung sau cuộc họp cấp bộ trưởng của APEC, các bộ trưởng đã nhất trí thúc đẩy việc thành lập Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) “sớm nhất có thể”, đồng thời khởi động một “nghiên cứu chiến lược chung” về việc thành lập FTAAP, cũng như chỉ thị cho các quan chức báo cáo kết quả nghiên cứu lên các bộ trưởng trước năm 2016, theo Kyodo.

Tuy nhiên, theo RFI, Mỹ không mấy hào hứng vì nước này đang xúc tiến Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tờ South Morning China Post (SCMP) cho biết, Mỹ không hào hứng và trích lời một quan chức Trung Quốc giấu tên nói rằng: “Mỹ muốn ngăn cản FTAAP, và xúc tiến TPP trong thời gian Hội nghị APEC”.

Trong khi đó, bên lề APEC, các bộ trưởng thương mại và kinh tế của các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không đạt được nhất trí về việc ký kết thỏa thuận vào cuối năm 2014 như dự kiến. Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản Akira Amari cho biết, các bộ trưởng đã không thống nhất được quan điểm chung về thời điểm kết thúc đàm phán, song nhất trí sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đàm phán. Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết các bộ trưởng nhất trí kết thúc đàm phán vào đầu tháng 2/2015 theo thời hạn mới do Mỹ đề xuất.

Một trong những trở ngại lớn nhất của đàm phán hiện nay là bất đồng giữa Nhật Bản và Mỹ về thuế suất đánh vào các mặt hàng nông sản nhạy cảm như: Gạo, lúa mỳ, thịt bò, thịt lợn, sữa và đường; Các biện pháp bảo hộ mà Tokyo muốn áp dụng đối với thịt bò, thịt lợn một khi lượng nhập khẩu tăng lên do tác động của TPP. Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ cũng bất đồng về nhiều vấn đề trong lĩnh vực ô tô.

Thanh Huyền

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.