Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc đe dọa an ninh hàng hải biển Đông

08/05/2014, 06:21

"Đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đang đe dọa an ninh hàng hải biển Đông", đó là khẳng định của ông Trần Duy Hải ...

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam


Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu Việt Nam


Tại cuộc họp báo, các phóng viên trong nước và quốc tế đã được xem các clip cho thấy các tàu hải cảng, tàu bảo vệ của Trung Quốc hung hăng đâm vào các tàu Việt Nam, gây hư hỏng, ảnh hưởng đến trang thiết bị tàu của VN. Ông Ngô Ngọc Thu - Phó tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định: Lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư VN hết sức kiên trì kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Tuy nhiên, “mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu Trung Quốc tiếp tục có các hành động đâm va gây hư hỏng các tàu Việt Nam thì Việt Nam sẽ có hành động tự vệ tương tự để đáp trả”, ông Thu nói và cho biết thêm: Việt Nam luôn nhất quán và ưu tiên các biện pháp ngoại giao hòa bình.


"Từ ngày 2-7/5, Trung Quốc thường xuyên sử dụng 2-3 tàu kèm một tàu Việt Nam để ngăn cản, đâm húc và phun nước gây áp lực cao, làm hư hại 8 tàu Kiểm ngư đang thực thi pháp luật trên biển. Có tàu Kiểm ngư bị tàu Hải Cảng (Trung Quốc) đâm húc đẩy nhiều lần làm hư hại nhiều trang thiết bị trên tàu, vỡ cửa kính và khiến 6 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương“, ông Thu cung cấp thông tin tại cuộc họp báo.


Hơn 80 tàu các loại của Trung Quốc có mặt tại khu vực, trong đó có 7 tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tầu tuần tiễu tấn công nhanh và nhiều tàu ngư chính phục vụ cho các hoạt động lắp đặt giàn khoan của Trung Quốc. Hiện các lực lượng Kiểm ngư đang phối hợp với Cảnh sát biển kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền và kiềm chế không để xảy ra xung đột, giữ môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
 

Giàn khoan HD981 của Trung Quốc ngang nhiên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Giàn khoan HD981 của Trung Quốc ngang nhiên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam


Yêu cầu đền bù thiệt hại 


Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về những hành động đáp trả và có tính đến việc đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao cho biết, tất cả các biện pháp hòa bình (trong đó có việc đưa vấn đề ra tòa án quốc tế), chúng ta đều có thể sử dụng. Đã sử dụng các đường dây nóng, giữa Bộ Ngoại giao hai nước cũng như ở cấp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và ủy viên Quốc vụ viện. 


Ông Trần Duy Hải nói: Hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh hàng hải biển Đông, ta đã thông báo với các nước ASEAN và các nước liên quan có lợi ích ở khu vực này. Khi tiếp xúc, hầu hết các nước đều lo ngại về hành động này của Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng, chúng ta sẽ kiên trì các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.


Với những thiệt hại về người và phương tiện; Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại mà họ đã gây ra, ông Hải cho biết thêm.
 

Ngày 6/5, học giả hàng đầu Trung Quốc Lý Lệnh Hoa (nguyên thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc) khẳng định: Trung Quốc là nước ký Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, vì vậy cần hành xử theo điều 74 và điều 83 của Công ước, theo đó tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh. Ông Lý Lệnh Hoa cũng từng khẳng định, Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định “đường chín đoạn” là đường biên giới quốc gia của mình và nhận định “các học giả và phương tiện truyền thông đã góp phần không nhỏ vào việc kích động người dân về vấn đề biển Đông” trong khi không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh những tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở biển Đông là đúng.

Trang Trần - Minh Thành

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.