Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc - Mỹ đang chứng minh năng lực tự chủ giữa lúc thương chiến

12/05/2021, 07:15

Mục đích cuối cùng của cả Trung Quốc và Mỹ là hạn chế thiệt hại trong trường hợp xấu nhất khi hai nước đối đầu toàn diện.

img

Trung Quốc trưng bày tàu do nước này tự chế tạo nhân sự kiện Ngày Thương hiệu Trung Quốc 2021

Trong cuộc ganh đua giành vị trí dẫn đầu, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Trung Quốc và Mỹ từ chỗ khuyến khích hợp tác, tăng cường toàn cầu hóa lại đang dần đi về hướng nâng cao năng lực tự chủ để không còn phụ thuộc lẫn nhau. Mục đích cuối cùng là hạn chế thiệt hại trong trường hợp xấu nhất khi hai nước đối đầu toàn diện.

Trung Quốc trở thành “cái nôi thương hiệu”

Tại Trung Quốc, sau nhiều năm chiến tranh thương mại với Mỹ và đang tiếp tục đối đầu với liên minh giữa Washington cùng các đối tác tại châu Âu, chính quyền Bắc Kinh đã xác định chiến lược phải tạo đột phá trong những lĩnh vực vốn phụ thuộc vào Mỹ và các nước phương Tây, nâng cao sức mạnh thương hiệu nội địa.

Từ một nước được coi là “công xưởng thế giới” chuyên sản xuất hàng hóa cho các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây, thường xuyên chịu cáo buộc sao chép và nhái lại các sáng chế từ nước ngoài, Trung Quốc chuyển sang chiến lược “Sáng tạo tại Trung Quốc”, ưu tiên sáng chế, làm chủ công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất.

Đến nay, nội lực của Trung Quốc được đánh giá đã cải thiện đáng kể. Sự kiện Ngày Thương hiệu Trung Quốc 2021 vừa diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Thượng Hải là minh chứng rõ nhất.

Trong sự kiện kéo dài 3 ngày, sẽ kết thúc trong ngày hôm nay (12/5), hàng loạt thương hiệu với những sản phẩm do Trung Quốc tự sáng tạo và sản xuất, xuyên suốt mọi nhu cầu từ thực phẩm, quần áo đến ô tô, tàu điện, máy bay, tàu vũ trụ... được trưng bày.

Theo Báo Hoàn Cầu (Global Times), thái độ của người tiêu dùng Trung Quốc với sản phẩm nội địa cũng thay đổi chưa từng có. Chẳng hạn, doanh số của thương hiệu mỹ phẩm nội địa Florasis đã tăng gấp 3 lần so với năm 2019, đạt 3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 467,89 triệu USD) trong năm 2020.

Riêng trong dịp mua sắm “Double 11” năm 2020, người tiêu dùng trên 100 quốc gia và khu vực đã mua mỹ phẩm của thương hiệu Florasis.

Ngay trong tháng 3/2021, thương hiệu Florasis chính thức công bố kế hoạch tiến vào thị trường nước ngoài và ngay lập tức vươn lên đứng top 3 trong danh sách mặt hàng son bán chạy của trang thương mại điện tử Amazon Nhật Bản trong ngày đầu tiên.

“Trung Quốc từng là công xưởng thế giới và là nhà sản xuất thiết bị gốc cho nhiều thương hiệu đa quốc gia. Nhưng ngày nay, Trung Quốc có thể vươn lên trở thành cái nôi thương hiệu lớn nhất toàn cầu”, đại diện Florasis tự tin khẳng định.

Với những mặt hàng kỹ thuật cao như ô tô, máy bay, tàu hỏa vốn là thế mạnh của phương Tây, Trung Quốc cũng vươn lên làm chủ. Ngành chế tạo máy bay vốn là điểm yếu lớn của Bắc Kinh nhưng năm nay, lần đầu tiên Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) mang đến sự kiện thương hiệu nội địa mẫu thủy phi cơ AG600, máy bay vận tải lớn Y-20 do công ty Trung Quốc tự chế tạo.

Ông Zhou Guoqiang, đại diện AVIC khẳng định, nếu không độc lập sáng tạo, ngành hàng không Trung Quốc không bao giờ có thể phát triển. Đặc biệt, với các ngành công nghiệp quân sự như hàng không vũ trụ, tàu và vũ khí, nếu không có sáng tạo công nghệ cao, Trung Quốc sẽ không bao giờ có tương lai tốt đẹp”.

Vẫn khó cắt đứt quan hệ với nhau

Với Mỹ, quốc gia có nền tảng công nghệ kỹ thuật, năng lực sáng tạo cao, từ vị trí phụ thuộc Trung Quốc về nhiều nguồn cung ứng quan trọng, nước này đang xây dựng chiến lược tăng cường năng lực tự sản xuất những mặt hàng thiết yếu và đa dạng hóa nguồn cung quan trọng.

Hiện tại, Mỹ đang đàm phán với các đồng minh như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... để phát triển hệ thống chuỗi cung ứng độc lập với Trung Quốc. Trong đó, Washington kết hợp với Australia trong lĩnh vực khai thác, tinh luyện kim loại đất hiếm mà họ vốn phụ thuộc vào Trung Quốc tới 80%. Bộ Quốc phòng Mỹ đang hỗ trợ tài chính cho công ty khai thác mỏ Lynas của Australia xây dựng nhà máy xử lý đất hiếm ở bang Texas.

Mỹ kết hợp với công ty Panasonic của Nhật Bản và LG Chem của Hàn Quốc để cung cấp pin xe điện và bỏ qua Trung Quốc. Trong khi, Công ty Contemporary Amperex Technology Limited (CATL) của Trung Quốc đang thống trị thị trường pin xe ô tô điện trên toàn cầu.

Ông Max Zenglein, người đứng đầu Công ty nghiên cứu kinh tế MERICS cảnh báo, Mỹ - Trung đang ở những giai đoạn đầu dần tách rời nhau và đây là xu thế tương lai khó đảo ngược.

Ông Samm Sacks, nghiên cứu sinh về kinh tế điện tử đang làm việc cho tổ chức cố vấn New America cho rằng, thương chiến Mỹ - Trung gần như “tiếp thêm dầu, làm bùng lên ngọn lửa tham vọng tự phát triển những ngành công nghiệp mà trước đây phải phụ thuộc vào nước ngoài của chính quyền Bắc Kinh”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù Trung Quốc nỗ lực tự chủ công nghệ đến mức nào hay Mỹ tìm cách tách khỏi Bắc Kinh đến đâu, sẽ rất khó để hai nước có thể hoàn toàn cắt đứt liên quan với nhau nhất là trong lĩnh vực công nghệ.

Khảo sát do Công ty Baidu và Viện nghiên cứu thuộc Nhân dân Nhật báo Trung Quốc thực hiện chỉ ra, trong 5 năm qua, các thương hiệu Trung Quốc đã nhận được sự chú ý vượt bậc so với các đối tác nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, tỉ lệ tìm kiếm các mặt hàng mỹ phẩm, điện thoại, ô tô của thương hiệu nội địa tăng 3 lần so với các thương hiệu nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.