Xã hội

Trung Quốc ngày càng leo thang, Việt Nam nên làm gì?

30/06/2014, 06:17

TS. Phạm Thu Xuân (thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông) cho rằng việc Trung Quốc ngày càng gia tăng những động thái tranh đoạt chủ quyền ở biển Đông vừa là mối nguy nhưng cũng là cơ hội...

Ông Lei Yixun, giám đốc nhà xuất bản bản đồ tỉnh Hồ Nam, giới thiệu bản đồ Trung Quốc mới phát hành, nó ôm trọn toàn bộ biển Đông, tấm bản đồ phi lý này đang bị thế giới cười nhạo
Ông Lei Yixun, giám đốc nhà xuất bản bản đồ tỉnh Hồ Nam, giới thiệu bản đồ Trung Quốc mới phát hành, nó ôm trọn toàn bộ biển Đông, tấm bản đồ phi lý này đang bị thế giới cười nhạo


Hợp pháp hóa âm mưu bành trướng


Ông có suy nghĩ gì về một loạt các hành động leo thang mới đây của Trung Quốc?


Thời gian qua, mặc dù Việt Nam vẫn kiên trì đàm phán bằng ngoại giao, nhưng Trung Quốc liên tiếp có những hành động leo thang ngày càng ngang ngược. Cùng với việc gia tăng hành động hung hăng trên thực địa, đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trên vùng biển Việt Nam, ngày 9/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố "Tuyên bố lập trường về hoạt động của giàn khoan Haiyang Shiyou 981 và khiêu khích của VN" ra Liên hợp quốc; Đồng thời mới đây, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ quốc gia giới hạn biên giới lãnh thổ của họ gồm đường 10 đoạn bao trùm toàn bộ biển Đông. Tôi cho rằng những động thái trên của Trung Quốc để "chứng minh chủ quyền"  với thế giới nhằm hợp pháp hóa âm mưu bành trướng xâm chiếm và kiểm soát toàn bộ biển Đông. Các hành động trên tuy vô lý, ngang ngược nhưng có chủ đích, biến cái của người thành của mình, rằng biển Đông đã là ao nhà ta, ta thích làm gì thì làm.

Theo ông, "chiến thuật" mới mà Trung Quốc đang làm nói lên điều gì? 


Ở đây có hai vấn đề, một là Trung Quốc khiêu khích Mỹ. Với chiến lược quay lại châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc muốn thử xem Mỹ sẽ làm gì khi các nước đồng minh nguy cấp? Đồng thời Trung Quốc muốn chứng minh với thế giới thấy rằng phản ứng bằng miệng của Mỹ cho thấy chủ nghĩa đơn cực đang bị lung lay và sắp bị chia sẻ bởi "sự trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc. Hai là, "đường lưỡi bò" của Trung Quốc một khi đã được khẳng định thì việc ASEAN kêu gọi Trung Quốc ký Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) chỉ là viển vông, hoang tưởng.

Cơ hội kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế


Mới đây, Trung Quốc không chỉ gửi Công thư lên Liên hợp quốc vu cáo Việt Nam mà còn yêu cầu tổ chức này cho lưu hành văn bản trên tới 193 thành viên của Liên hợp quốc. Vậy Việt Nam cần động thái gì để phản bác lại?


Theo tôi nghĩ, hành động trên của Trung Quốc có thể xem là vừa có "nguy" nhưng cũng có "cơ". “Nguy” ở đây là Trung Quốc đã chủ động đưa vấn đề ra Liên hợp quốc để nhấn mạnh các tuyên bố "chủ quyền" của mình và ngăn chặn các nước khác trong khu vực sử dụng Tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp; “Cơ” ở đây được hiểu là Cơ hội cho Việt Nam, vì vấn đề đã được thế giới biết đến nhiều hơn, trong đó đa số các nước đều ủng hộ chứng lý và đạo lý của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta sẽ chỉ cho thế giới thấy được những sai trái của Trung Quốc, vì thế mà họ đã né tránh đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế để phân xử.


Vấn đề kiện Trung Quốc sẽ phải có lộ trình và cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là quan hệ ngoại giao. Theo ông, nếu kiện Trung Quốc, chúng ta phải cân nhắc các yếu tố nào, khả năng thắng kiện đến đâu và trong trường hợp chưa kiện, Việt Nam cần làm gì về mặt pháp lý?


Chúng ta phải cân nhắc đến địa chính trị, ngoại giao, kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời "không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông", do vậy tôi nghĩ Nhà nước đã có một lộ trình cho vấn đề kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Đây là hành động hòa bình và văn minh để giải quyết các tranh chấp.

Có thể đưa ra Hội đồng bảo an LHQ?


Những hành động ngang ngược như đâm chìm tàu cá, gây hư hỏng tàu kiểm ngư, thậm chí làm bị thương hàng chục cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam là hành vi cố tình giết người của các lực lượng Trung Quốc trên biển Đông..., vậy Việt Nam có thể đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không, thưa ông?


Theo các công ước Solas - an toàn sinh mạng trên biển và công ước Colreg - chống va chạm tàu trên biển, Việt Nam nên đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tiếp tục lên án Trung Quốc; Đồng thời tiếp tục lên án Trung Quốc, giống như cách ta đang làm hiện nay là tổ chức cho phóng viên nước ngoài ra thực địa để tận thấy tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam ác liệt như thế nào. Qua Hội thảo quốc tế tại Đà Nẵng mới đây, các nhà nghiên cứu quốc tế sau khi xem hiện trạng tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc đâm chìm ngoài khơi Hoàng Sa, đã bày tỏ thái độ ủng hộ việc đấu tranh cho chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Dư luận quốc tế càng quan tâm và phản đối thì Trung Quốc sẽ càng đuối lý hơn.

Việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới ôm trọn biển Đông có vẻ như là “một liều thuốc thử” đối với phản ứng của Việt Nam và các nước trong khu vực. Chúng ta cần ứng xử thế nào, thay vì những phát ngôn?


Nên tổ chức các triển lãm bản đồ cổ và công bố các tư liệu tại nước ngoài chứng minh lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Mặt khác tiếp tục tham gia những Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông để phản biện lại quan điểm "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc.

Cảm ơn ông!

Minh Thành

(Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.