Thế giới giao thông

Trung Quốc ưu đãi người sử dụng ô tô điện

08/05/2014, 06:23

Trong bối cảnh ô nhiễm khói bụi từ các phương tiện giao thông tại các đô thị lớn ngày một nghiêm trọng, người dân và giới chức Trung Quốc dành nhiều sự quan tâm cho xe điện.

Khách hàng mua xe điện Denza được trợ giá gần 20.000 USD
Khách hàng mua xe điện Denza được trợ giá gần 20.000 USD


Từ trợ giá gần 20.000 USD mỗi xe...


Tại triển lãm xe hơi Bắc Kinh tuần trước, cả căn phòng rộn lên tiếng vỗ tay khi chiếc ô tô điện hiệu Denza được công bố bán ra với giá 369.000 NDT (59.100 USD). Giá bán của Denza được đánh giá là khá mềm so với đối thủ - chiếc Tesla động cơ điện đang bán 734.000 NDT, tương đương 117.500 USD. Tháng 9/2014, Denza sẽ được bán ra trên thị trường Trung Quốc.


Denza là sản phẩm hợp tác giữa nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD và “người khổng lồ” Đức Daimler tận dụng ưu đãi từ chính sách khuyến khích phát triển phương tiện sạch trên đường phố của Chính phủ Trung Quốc. Người đại diện của Daimler tuyên bố, Chính phủ Trung Quốc đang có chính sách nhằm thúc đẩy sự hấp dẫn của Denza với khoản trợ cấp lên tới 120.000 NDT (19.500 USD), được giảm trừ ngay trên giá bán. Đây có thể coi là bước tiến để Trung Quốc tới gần hơn với kế hoạch phát triển phương tiện giao thông xanh. 


Để đối phó với tình hình ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích sản xuất xe hơi có lượng khí thải thấp dành cho người có thu nhập trung bình, đồng thời thiết lập mục tiêu nâng số lượng xe điện tham gia giao thông lên tới 5 triệu chiếc vào năm 2020. Để khuyến khích đã có chính sách tặng ngay 60.000 NDT tiền mặt cho người mua xe ô tô điện. Trong quý I/2014, gần 7.000 chiếc xe điện và xe lai đã được bán ra. 

...đến miễn phí giấy phép


Wang Yiquan, phóng viên 27 tuổi sống ở Bắc Kinh đang sở hữu một chiếc Volkswagen Passat muốn tìm mua một chiếc xe nhỏ hơn để có thể tìm chỗ đỗ dễ dàng hơn nhưng chiếc xe đó cũng phải có kiểu dáng trẻ trung và đẹp: “Tôi đã từng nghĩ đến việc mua một chiếc Tesla. Nó đẹp, thân thiện với môi trường, có tốc độ cao”. Như mọi công dân khác ở Bắc Kinh, Wang phải xin giấy phép mua xe được chọn ngẫu nhiên từ hệ thống quay số. Tuy nhiên, Wang phân vân khi Daimler tuyên bố mẫu xe Denza sẽ là ngoại lệ; người mua sẽ được nhận giấy phép này miễn phí. Nhưng anh lo lắng: “Tôi chẳng nhìn thấy hệ thống sạc điện nào ở bên ngoài thành phố Bắc Kinh cả”.  

Phần lớn người tiêu dùng cho rằng, tất cả các thành phố ở Trung Quốc vẫn chưa trang bị đủ hệ thống cơ sở hạ tầng với điểm sạc dành cho xe điện. Zhao Bi - một nhà thiết kế thời trang sống ở Bắc Kinh nói: “Tôi sợ đang chạy trên đường xe hết điện và tôi sẽ mắc kẹt ở đó”.


Các nhà sản xuất xe điện thông thường sẽ lắp đặt hệ thống sạc điện tại nhà của người mua xe. Vì thế, có thể sạc qua đêm để đủ năng lượng hoạt động. Chính điều này khiến người lái xe lo lắng, nếu họ có một chuyến đi không phải từ 9h sáng đến 5h chiều như mọi ngày, liệu chiếc xe của họ có đủ khả năng hoạt động không. 


Những lo ngại trên sẽ được giải quyết khi Cơ quan điện lực quốc gia - Tổng công ty điện lưới Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng 19.000 trạm sạc điện đơn và 400 điểm sạc tập trung từ năm 2013. Đại diện của đơn vị này cũng cho biết tháng 3/2014, họ đã làm việc với những nhà đầu tư tư nhân nhằm xúc tiến việc phát triển các điểm sạc điện nhanh dành cho ô tô, xe máy và xe đạp điện. 

Tháng 4/2014, chính quyền Bắc Kinh cho biết, 12 doanh nghiệp bất động sản cũng đã kí thỏa thuận hợp tác với các công ty sản xuất xe hơi để lắp đặt hệ thống sạc điện tại những tòa chung cư và trung tâm mua sắm lớn. Ngoài ra, Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk cũng củng cố niềm tin của khách hàng thông qua lời hứa xây dựng một hệ thống hàng trăm trung tâm sạc điện tập trung trên khắp Trung Quốc. Nếu những biện pháp này thành công, cuộc cách mạng xanh trên đường phố Trung Quốc có thể sẽ diễn ra rất sớm. 

 

Minh Khôi (Theo CNN)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.