Xã hội

Trung tâm chỉ huy CSGT kết nối với cứu thương y tế để cấp cứu nạn nhân TNGT

29/10/2021, 18:06

Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, sắp tới, sẽ có Trung tâm chỉ huy CSGT kết nối với hệ thống cứu thương y tế để cấp cứu nhanh nhất nạn nhân TNGT.

Ngày 29/10, Cục Pháp chế (Bộ Y tế) đã phối hợp với Cục CSGT (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo "Những vấn đề về y tế cần quy định trong dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ" nhằm xin ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện các nội dung liên quan đến y tế quy định trong dự thảo Luật này.

img

Hội thảo những vấn đề về y tế cần quy định trong Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ

Tại hội thảo, TS. bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, chi phí cho TNGT cấp cứu rất tốn kém, có thể lên đến 20-30 triệu đồng mỗi ngày.

"Có nhiều trường hợp bệnh nhân TNGT lúc mới vào viện thì gia đình quỳ xuống xin bác sỹ cứu người thân của mình nhưng sau mấy ngày điều trị lại ký giấy xin về vì nếu kéo dài sự sống cho nạn nhân thì khả năng sống thực vật rất cao và gánh nặng kinh tế quá lớn", bác sỹ Ngọc kể.

Từ đó, bác sỹ Ngọc đề nghị cần đồng bộ hoá hệ thống cấp cứu, tăng cường năng lực của hệ thống này để có thể sơ cứu, cấp cứu bệnh nhân sớm nhất trong "giai đoạn vàng", giảm tỷ lệ tử vong và hậu quả do TNGT.

PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng thì nhấn mạnh việc, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn liên quan đến trẻ em nhưng việc đảm bảo ATGT cho đối tượng này chưa có quy định cụ thể.

img

Diễn tập cấp cứu nạn nhân TNGT

Theo PGS. TS Phạm Việt Cường, theo thống kê thì chỉ có khoảng 4/10.000 xe ô tô cá nhân có ghế an toàn, những người trang bị ghế an toàn cho con đa số từng sống ở nước ngoài nên thấy cần thiết phải trang bị để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định, lái xe thường để con tự ngồi, thậm chí ôm, địu con khi điều khiển phương tiện.

"Chính vì vậy, cần có quy định phải trang bị ghế an toàn để giảm nguy cơ thương tích của trẻ", PGS. TS Phạm Việt Cường nói và cho biết, dựa trên khuyến nghị của WHO và nghiên cứu sự phát triển của trẻ em Việt Nam, các quy định có thể nghiên cứu áp dụng là: Bắt buộc các đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi, cao dưới 135cm; quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi ghế trước; tiêu chuẩn kỹ thuật ghế, chất lượng ghế trên xe...

Bà Trần Thị Xuân Hằng, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất cần có quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho trẻ em.

"Hiện chưa có quy định trẻ em dưới 6 tuổi ngồi trên mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm và cũng chưa có nghiên cứu bằng chứng độ tuổi nào có thể đội được mũ bảo hiểm quy chuẩn thế nào. Đề nghị có nghiên cứu cụ thể để khắc phục được những vấn đề này", bà Hằng cho biết.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, sắp tới, sẽ có Trung tâm chỉ huy CSGT. Trung tâm này sẽ kết nối, truyền về trung tâm các dữ liệu của tất cả các xe tuần tra kiểm soát của CSGT, tàu thuyền.

"Chúng tôi có thể kết nối với các xe cứu thương của ngành Y tế để nếu xảy ra TNGT thì có thể biết, điều phương tiện cấp cứu ở khu vực gần nhất đến", đại tá Bình cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.