Sách

“Trước mặt là con đường” hé lộ “thâm cung bí sử” trong ngành Giao thông

16/02/2022, 12:05

Truyện ký “Trước mặt là con đường” không chỉ là truyện của một kỹ sư cầu đường, mà còn là câu chuyện trong ngành GTVT.

“Trước mặt là con đường” là cuốn truyện ký về một kỹ sư cầu đường, được nhà báo Vũ Phạm Chánh viết một mạch trong 10 tháng, từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2021.

img

Cuốn sách "Trước mặt là con đường" không chỉ là truyện về một kỹ sư cầu đường, còn mang tới những góc nhìn về ngành giao thông, về xã hội

Chặng đường biến động của kỹ sư cầu đường

Bốn phần trong cuốn sách: Một chặng đường không bằng phẳng; Một chặng lội suối thẳm, vượt đèo cao; Biến động trên đường không lường trước; Chặng đường đầu: Học cắn răng để làm người tử tế.

Bốn phần với tổng cộng 54 chương đã khắc họa chặng đường gập ghềnh của người kỹ sư Vũ Phạm Chánh trong suốt 40 năm trên con đường xây dựng hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế nước nhà, cả thời bình lẫn thời chiến.

40 năm, ông đã kinh qua hàng loạt vị trí, từ một kỹ sư cầu đường, tới Phó Giám đốc, Giám đốc Xí nghiệp 120, rồi làm Chánh Văn phòng của Bộ Giao thông vận tải, tới làm báo, rồi trở lại làm kỹ sư cầu đường… Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng sống nhiệt huyết, dấn thân, sống trọn vẹn với vị trí và công việc mà mình đảm nhiệm.

Cũng bởi thế, những câu chuyện trong cuốn sách đều là những chuyện thực mà ông trải qua, được mắt thấy tai nghe và nhớ mãi không quên.

Gần 700 trang sách là ngồn ngộn những câu chuyện, nhân vật có thật. Ở đó, có những vất vả, lo toan trong quá trình lo liệu, thi công những công trình cầu đường không chỉ của ông mà cả những đồng nghiệp.

Ông cũng không ngại đụng đến những vấn đề nhạy cảm, từ đời sống tinh thần và tình dục của nhiều cô gái nông thôn làm đường thời chiến tranh, tới các góc khuất trong nghề, “thâm cung bí sử” ở những nơi ông từng làm việc, những chuyện ở “cung đình nhỏ” (tức Bộ Giao thông vận tải), hay việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ trong ngành giao thông…

Rất nhiều nhân vật thật xuất hiện trong câu chuyện, trong đó có những Bộ trưởng của Bộ GTVT các thời kỳ như Nguyên Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên, Lê Ngọc Hoàn, Bùi Danh Lưu… Đó đều là những Bộ trưởng mà nhà báo Vũ Phạm Chánh đã tiếp xúc, đã làm việc cùng. Để từ những câu chuyện của ông, người đọc hình dung được phần nào tính cách, cách làm việc của những vị lãnh đạo một thời của ngành giao thông.

Trước đó, tác giả đã gửi lời xin lỗi đến những người thân, đồng nghiệp, bằng hữu mà ông nhắc tới với tên thật hoặc viết tắt, vì mong muốn giữ được tính chân thực nhiều nhất của truyện.

img

Nhà báo Vũ Phạm Chánh

Mong muốn đánh giá quá trình chuyển đổi

Tuy là cuốn sách về cuộc đời của một kỹ sư cầu đường, nhưng qua các câu chuyện, độc giả có thể thấy được phần nào xã hội thời bao cấp, cũng như quá trình chuyển đổi khi bước sang thời kỳ Đổi mới.

Nhà báo Vũ Phạm Chánh cho hay, trước thời kỳ Đổi mới, xã hội sống theo kiểu bao cấp. Bước sang thời kỳ Đổi mới đất nước là một sự chuyển đổi lớn từ kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Điều đó ảnh hưởng tới từng con người, tổ chức xã hội. Ông quyết định viết nên cuốn sách với mong muốn phần nào đánh giá được quá trình chuyển đổi.

“Nếu có thể đánh giá được, người ta có thể đi tiếp tốt hơn. Ngược lại, anh có thể mắc những sai lầm như thời bao cấp như lại tham nhũng hay vướng những vấn đề tiêu cực khác. Để có thể đánh giá được, tôi nghĩ cần có những tác phẩm tốt”, ông tâm sự.

Bản thân ông cũng rất cân nhắc khi viết về các vấn đề tiêu cực hay chuyện gọi là tiêu cực, khiếm khuyết còn tồn đọng trong ngành. Theo nhà báo kỳ cựu, ông đã phải giấu đi rất nhiều điều vì các nhân vật đều là bạn của ông, có người là cấp trên.

“Tôi chỉ nói nửa chừng, hoặc có vấn đề chỉ nhúng một chút và nhiều người tự hiểu. Đã có người gọi điện phản hồi, họ biết tôi còn giấu rất nhiều, không thể nào chỉ có thế. Đôi người tôi cũng phải viết giấu tên. Vả lại sau khi tôi in cuốn sách, trên báo có nhiều bài viết còn chân thực hơn về những nhân vật đó”, nhà báo Vũ Phạm Chánh chia sẻ.

Tuy nhiên, có nhiều điều ông muốn viết cụ thể để người đọc có thể rút ra bài học nào đó từ chuyện. Ông nhận định cho đến bây giờ, không ít vấn đề trong hệ thống tổ chức vẫn như cũ, ví như việc bổ nhiệm cán bộ với nhiều tiêu chí không rõ ràng, cụ thể.

Tuy trải qua nhiều câu chuyện, có thành công, có thất bại trong những công việc của mình, nhưng với nhà báo Vũ Phạm Chánh “đừng bao giờ hết lòng tin vào những điều tốt đẹp luôn luôn nằm sâu trong phẩm chất của mỗi con người. Chỉ cần một phương pháp đúng để gọi được nó ra, cho nó lan tỏa. Đó là sức mạnh mang tới thành công”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.