Xem - ăn - chơi

Truyện ngắn: Khúc tình xuân bâng quơ

27/01/2018, 14:35

Di hỏi tại sao từng ấy tuổi đầu, tóc đã rụng trên đỉnh rồi, mà anh thầy vẫn còn ế, vì đâu, vì đâu?

28

Ảnh minh họa

Di xuất hiện ở khóa học lái cuối cùng của năm cũ. Tóc dài không cột, thường xuyên mặc váy và thoa son màu cam nhạt. Sau vài buổi cứ nhả côn là bị chết máy, Di quyết định tuột giày, để chân trần lái xe.

Anh nhìn qua, thấy Di cũng ngồ ngộ vậy thôi. Hết. Không cảm giác gì đặc biệt. Phụ nữ đi học điều khiển ô tô, khác với đàn ông ở chỗ, họ thường không phải nhăm nhe thi lấy bằng về để lái taxi hay làm tài xế thuê. Đa phần đều đã manh nha ý định mua xe, hoặc nhà có sẵn xe rồi. Nói trắng ra thì đều thuộc dạng có của ăn của để, dư giả tiền bạc hoặc thời gian hoặc cả hai thì mới dấn vô cái món ăn chơi vẫn còn ít nhiều lạ lẫm với đại đa số đàn bà con gái này.

Nhóm có bốn người. Di và một chị ngoài năm mươi. Hai cậu trai trẻ. Lúc bọn họ giới thiệu sơ lược với nhau, Di buông một câu đơn giản: Di làm văn phòng bình thường thôi ạ!

Nhưng cách ăn mặc, phục sức và mấy cái phong bì bồi dưỡng thầy đủ để anh nhận xét, Di chắc cũng cùng một giuộc với cánh chị em đến với môi trường này thôi. Đến đây học lái xe, phụ nữ được tạm chia ra làm hai dạng. Một, nếu trẻ thì chân dài cặp bồ với đại gia hoặc gia đình có điều kiện. Hai, ít nhất cũng sồn sồn, đã lăn lộn ngoài đời đủ nhiều để sắm cho mình một xế hộp lộng lẫy, tự thân làm chủ hành trình. Di không nằm trong hai khả năng quen thuộc ấy. Cô chẳng có vẻ bề ngoài hút mắt để có thể liệt vào dạng sống bằng “vốn tự có”, lại không toát lên vẻ thành đạt tới độ tự tậu cho mình một con xe. Anh thấy mình cũng hơi bị ngạc nhiên.

Những cái tin nhắn hẹn giờ thực hành thêm này nọ kéo anh lại gần Di hơn. Di hỏi qua chat, tại sao từng ấy tuổi đầu, tóc đã rụng trên đỉnh rồi, mà anh thầy vẫn còn ế, vì đâu, vì đâu? Anh nhăn mặt, tất nhiên là Di chẳng nhìn thấy, cảm giác tim mình hơi ê ẩm bởi những nỗi đau vô hình bị khơi lại. Đây là thời đại nào rồi mà người ta, ý là đàn bà con gái, với hai chữ “thực dụng” lồ lộ trên nét mặt, còn có thể dũng cảm mà yêu một kẻ trắng tay, dù có khi là sau một thất bại khó lường nào đấy, đành an phận làm một kẻ “phong tình cũng cỡ thầy dạy lái xe là cùng” như mình?!

* *

*

Chị bạn học chung cảnh báo với Di rằng, nghe đồn cái giới gọi là “thày dạy lái xe”… dê xồm dữ lắm. Họ quanh năm chỉ biết có mỗi việc ôm vô lăng và ôm... đàn bà thôi. Ngọt ngào chính là để ru các em lên giường. Di nhăn mặt bảo, chị nói nghe ghê chết. Xong Di cười, hay chị cứ gọi điện cho anh thày, dạy cho hắn vài chiêu đối phó với em đi! Di nhận lại ánh lườm sắc lẻm của chị bạn đang tuổi hồi xuân thực hành chung nhóm.

- Nếu một cô gái đã bật đèn, hỏi anh thích gì, thì anh cứ nói bừa là “anh thích em”. Mất mát gì đâu. Được thì tốt, không thì coi như tập thể dục. Anh biết câu chuyện anh gà trống hàng ngày hăm hở đuổi theo các chị gà mái và luôn nghĩ như vậy chứ?!

- Em dạy anh vài chiêu cưa cẩm với. Anh ế đau, ế đớn lâu quá rồi.

- Anh đóng học phí đi, đời chẳng ai cho không ai cái gì. Đến đi học lái xe mà mình còn phải tốn tiền bo thầy, thì anh biết rồi đấy!

Anh thày quá choáng váng trước lời lẽ của cô học viên bạo mồm, vội vã xua tay bảo, thôi thôi, anh rút lui, học rồi sợ nghiền thì phiền lắm! Giữa khuya, mà Di cười rung rinh cả cái mền đang đắp trên người, tự mỉa anh thày rằng, yếu mà còn bày đặt ra gió, đáng đời!

* *

*

Trường nằm trong một con hẻm rộng rinh, khá vắng, chỉ thi thoảng có xe cộ của học viên ra vào đậu lại. Di thích lê la ở mấy quán vỉa hè, nơi mà toàn bộ gia tài làm ăn là đôi cái bàn ghế nhựa, thản nhiên gặm bắp nướng, ăn trứng vịt lộn thơm ngọt. Đối diện với chỗ Di hay ngồi là cây cầu bé tẹo được chủ đích xây lên để học viên thực hành món “dừng và khởi động xe ngang dốc”. Chao ơi là mấy chiếc xe số sàn cũ kỹ chết tiệt, chỉ chực chờ mà chết máy hoặc rú rít lên thật to. Những chiều bâng quơ ấy khiến Di bỗng dưng nhớ về lúc mình bon bon qua lại trong sa hình, với anh thày ngồi ở ghế song song ngang tài, chân đặt hờ lên thắng phụ, sẵn sàng “cứu bồ” bất cứ lúc nào…

Nói là nói thế, nhưng anh thầy nóng tính và đáo để, thường xuyên la Di bằng những câu “gộp”, kiểu như: Đã nhắc em bao nhiêu lần là nhớ phải thế này thế nọ… Di có khi nổi cáu, quay sang hỏi ngược lại rằng, “bao nhiêu lần là bao nhiêu, hở anh thầy?” trong tiếng cười híc híc cố kiềm nén của hai thằng “cu con” đang ngồi ở băng ghế đằng sau.

* *

*

Bữa cả nhóm đi đường dài, anh thầy trút bỏ bộ đồng phục, đẹp trai hẳn ra trong quần jeans, áo thun bụi bặm. Di cố tình diện váy ngắn đi kèm giày cao gót, phớt lờ ánh nhìn khó chịu của chị gái già chung nhóm. Chị tỏ ra bất mãn vô cớ, khi thầy hướng dẫn cách xử lý nếu xe bị pan dọc đường:

- Dùng cái này để đẩy con đội ra, thay bánh xe…

Hai thằng con trai rúc rích cười, hỏi lớn:

- Chị Di sẽ đứng hay ngồi để làm thao tác này hở thày?

Di thản nhiên như không:

- Mặc váy có cái lợi hại của mặc váy! Bác tài nào nỡ lướt ngang đi luôn khi người đẹp cầu cứu bao giờ?!

Đường cao tốc. Người lái đầu bao giờ cũng áp lực. Di gạt bỏ sĩ diện, cầu cứu nho nhỏ:

- Anh thày nhớ để mắt tới em đấy nhé! Em sợ!

- Ý em là gì khi kêu tôi “để mắt” hả?

Di bặm môi, quê muốn khóc. Anh thầy dường như cũng nhận ra mình hơi quá quắt, dịu giọng cầu hòa:

- Em nhìn bên phải kìa. Chúng ta đang ở trên cầu đó.

- Dạ, cảnh đẹp ghê ha thày…

- Ừ, đẹp thật. Với tốc độ này, nếu em đánh lái đột ngột kiểu ấy, tất cả chúng ta sẽ cùng xuống sông…

Di phải làm gì đây để rửa nỗi nhục tưởng bở bây giờ?!

* *

*

Cuộc sum vầy nào, dù vui hay bực cũng có lúc kết thúc. Đó là ý nghĩ của Di lúc ngồi một mình chờ tới lượt mình thi thực hành. Lý thuyết tối đa 30/30 khiến Di phởn phơ thấy rõ. Chuyện nhỏ! Bọn trẻ trâu kia còn thi đậu được, huống chi mình, Di nhủ thầm trong bụng. Rảnh rảnh, Di mở điện thoại, thấy lòng dâng lên nỗi mơ hồ khó tả, khi nhìn thấy cái tin nhắn đến vào lúc hơn 5 giờ sáng: “ Em chịu khó dậy sớm, đường lên trung tâm sát hạch xa, lại hay kẹt xe vào giờ cao điểm”. Ừ thì, người ta ăn lương nên phải có trách nhiệm với học viên, thức giấc sớm nhắn tin kêu người khác dậy đi thi cũng là chuyện nên làm thôi mà, có chi mà phải cảm động! Đâu phải riêng Di nhận được ưu ái đó đâu cơ chứ, các bà các chị các em gọi kẻ ấy bằng thầy chắc đều nhận được cái tin mẫu đó thôi! Di nghĩ đến đấy tự nhiên hậm hực, cứ như thể đang ghen hú họa. Vô lý quá, vô lý không chịu nổi, là gì của nhau đâu mà ta phải bực mình kia chứ, hở Di!

Tất nhiên, Di cuối cùng cũng thi đỗ bằng lái xe, thề không bao giờ thèm quay lại chỗ trung tâm có ông thày mắc dịch khó ưa ấy nữa. Làm gì mà ghét nhau đến thế cơ chứ, ai đời lại thích ăn hiếp học trò nhiều đến vậy! Còn trẻ mà đã khó tính, mai mốt già chắc thiên hạ chết hết quá… Cứ nghĩ tới thôi là Di cảm thấy lòng ức chế, chỉ muốn xóa tên và số điện thoại của hắn trên máy. Mắt không nhìn thấy tim không đau. Ờ, mà sao lại có vụ tim gan gì ở đây nữa nhỉ? May mà không ai nhận ra suy nghĩ bí mật vừa rồi của Di. Hà cớ gì mà Di cứ phải nghĩ tới mấy người đáng ghét đến vậy không biết nữa!

Vào một ngày hưng hửng nắng ấm, Di tình cờ lái xe ngang trường, ngỡ ngàng nhìn mấy cây đào khẳng khiu đã bừng lên sắc hồng nao nao lạ. Chẳng biết có phải vì mùa xuân đến gần quá, thật quá, đáng yêu quá, đầy sức sống mới mà Di bỗng mình ngơ ngẩn nhớ tới… lớp học, cùng câu châm chích của một người nửa lạ nửa thân rằng, thầy dạy không nhớ mà Di cứ nhớ lớp làm chi!

Ừ thì, Di cứ nói như vậy đấy, ai có tức thì cũng làm gì được nhau đâu nào!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.