Thi viết về GTVT

Từ cánh đồng lau sậy đến “dải lụa” vắt qua miền Tây

23/03/2023, 06:00

Quản Lộ-Phụng Hiệp chạy xuyên qua những cánh đồng lau sậy mà nên hình. Giờ đây, tuyến đường như “dải lụa” vắt qua 4 tỉnh tiểu vùng Nam Sông Hậu.

Khi lỡ bước chỉ mong có bát mì tôm đã đủ ấm lòng

20 năm trước, người dân ở Hậu Giang, Sóc Trăng muốn đi Bạc Liêu, Cà Mau, nếu không đi quốc lộ, chỉ có thể dùng thuyền ghe, xuôi dòng kênh Phụng Hiệp đến kênh Quản Lộ, mất non cả ngày mới tới nơi.

“Bên cạnh kênh cũng có con đường bê tông nhỏ, rộng 2 mét nhưng đoạn đẹp, đoạn xấu, là đường dân tự làm.

Đi thì cũng được, nhưng phải qua thêm mấy chuyến đò, cực lắm”, ông Nguyễn Văn Hai, một người dân sống bên đường kể.

img

Điểm đầu Quản Lộ - Phụng Hiệp từ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang

Sau đó, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được lên kế hoạch triển khai đầu tư. Ông Đặng Văn Dũng, hiện là Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), chủ đầu tư tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hồi tưởng: “Năm 2004, tôi là chuyên viên của Ban. Những ngày đi khảo sát dự án này là khoảng thời gian rất khó quên trong nhiều dự án mà tôi tham gia.

Quản Lộ - Phụng Hiệp chạy xuyên qua vườn cây, ruộng mía, những cánh đồng lau sậy mà nên hình.

Thời điểm đó, cả khu vực này rất hoang sơ. Anh em chúng tôi nhiều khi lỡ bước chỉ mong có bát mì tôm đã đủ ấm lòng, làm gì nghĩ đến bát phở, ly cà phê, những thứ mà phải đi vài chục cây số để tới chợ huyện mới có được!”.

Ông Dũng kể, cuối năm 2005, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp dài hơn 100km được khởi công.

Nhưng năm 2006, hàng trăm hộ dân ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng liên tục thưa kiện, từ huyện lên tỉnh. Nhiều hộ không chịu giao đất, đơn vị thi công đành nằm chờ.

Có trường hợp cùng một tỉnh, cùng một dự án nhưng hộ dân ở Ngã Năm được tính đền bù gấp mười lần hộ khác ở Mỹ Tú, dù cùng diện tích tràm.

Hay việc thiếu công khai minh bạch trong kiểm kê áp giá, thực hiện các quy định về khiếu nại cũng khiến người dân thắc mắc.

Cả năm trời, các ban, ngành tỉnh Sóc Trăng tiếp dân, họp dân, giải thích, điều chỉnh hồ sơ đền bù… Rốt cuộc, mọi việc mới xong, người dân đồng tình giao đất.

Ông Đào Văn Thà (85 tuổi), ngụ ấp Tân Thành, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng xúc động kể: “Khi có mặt bằng, tôi thấy nhiều xe cuốc, san lấp từ đâu chạy đến, phát quang lau sậy, ủi đất cho bằng. Phía dưới kênh có bãi tập kết đá, xe ben lên xuống ngày đêm. Tôi biết bà con sắp có đường để đi rồi.

Nhà nước làm đường, đất vườn nhà tôi cũng bị ảnh hưởng mấy công. Tôi giao cái rẹt, không suy nghĩ. Có bà con ở đây thấy đất bị thu hồi, sợ không còn sinh kế. Tôi bảo họ yên tâm đi, con lộ này xong, cuộc đời bà con xứ này sẽ lên hương”.

Năm 2011, Quản Lộ - Phụng Hiệp thành hình, phá thế độc đạo của QL1, rút ngắn quãng đường từ Cần Thơ đi Cà Mau gần hơn 40km.

Hơn 10 năm khai thác, tuyến đường này nhiều đoạn xuống cấp. Năm 2019, ngân sách cấp cho tuyến đường này 900 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp.

Tháng 5/2021 việc nâng cấp hoàn thành, Quản Lộ - Phụng Hiệp trở nên đẹp như ngày nay, vẽ nên một diện mạo tươi sáng cho các địa phương nơi con đường đi qua.

Cánh tài xế đi đường dài thì phấn khởi vì không còn căng óc, ê ẩm mình mẩy khi đi qua những đoạn đường đầy ổ gà, ổ voi, những mố cầu cao cả tấc nữa.

Những vùng quê sầm uất

img

Ông Đào Văn Thà kể về sự đổi mới sau khi có tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp

Ông Nguyễn Văn Út, trú tại xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, chủ quán Thiên Hương chuyên về lẩu mắm kể lại, khi con đường mới mở, hai bên chủ yếu là đồng ruộng và cây tràm.

Nhạy bén kinh doanh, ông mua mảnh đất nằm ngay mặt tiền đường Quản Lộ - Phụng Hiệp lúc đang thưa thớt xe cộ.

QL1A từ Cần Thơ về Cà Mau quá tải kẹt xe mỗi ngày, cánh tài xế thấy đường mới, lại rút ngắn được 40km nên chuyển qua đi thử.

Dần dà con đường nhộn nhịp, ông mở hàng ăn vì trên tuyến quán xá lúc này rất thưa. Thế rồi, quán ngày càng đông khách, phải thuê thêm nhiều lao động địa phương.

Quản Lộ - Phụng Hiệp những ngày tháng 3/2023 rất đẹp, nắng phủ lên mặt đường một màu vàng lấp lánh.

Đi qua 4 tỉnh của tiểu vùng Nam Sông Hậu, lần lượt là Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, Quản Lộ - Phụng Hiệp như một sợi dây đàn xuyên suốt, kết nối tiểu vùng cực Nam của Tổ quốc.

“Chú thấy đó, xe cộ chạy qua lại ngày đêm, toàn xe chở trái cây, thủy sản. Vậy là buôn bán thuận tiện, đời sống người dân sao không phất lên cho được.

Nhà hồi xưa ở trong vườn, trong ruộng giờ ra hết ngoài mặt tiền đường lớn.

Tôi trông thêm mấy năm nữa, đi được cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là coi như cũng có những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời”, ông Thà chia sẻ.

Con gái ông Thà ngồi cạnh tham gia vào câu chuyện: “Đất ở đây 3 năm trước mới có 300 triệu đồng/công, giờ lên cả tỷ bạc rồi. Cái gì cũng có giá hơn hết”.

Ông Thà có 2 con trai, 3 người cháu nội đều làm nghề tài xế đường dài, hơn ai hết bản thân ông và gia đình hiểu rõ giá trị của tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp mang lại.

Trước đây, người trong vùng chỉ biết trồng tràm, trồng mía. Tràm thì vài năm mới có thể thu hoạch, mía thì vụ trúng vụ thất, đời sống bấp bênh.

Không đường sá, người già hay con nít ốm đau đều phải chở bằng ghe ra trạm y tế, có khi mất cả buổi, bệnh nặng thêm… Nay thì khác rồi, xe cộ bon bon, nháy mắt là tới.

Anh Nguyễn Văn Dặm, tài xế chở hàng tuyến Bạc Liêu - TP.HCM kể thêm: “Đường này êm đến nỗi, phụ xe đi cùng tôi thường xuyên ngủ quên trên ghế phụ, tới nơi mới thức dậy!”.

Tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp dài hơn 103km, điểm đầu từ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, kết thúc ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Dài hơn trăm km, nhưng Quản Lộ - Phụng Hiệp chỉ có một điểm giao cắt nằm ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng (giao với QL61B). Tuyến đường đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 7m, sau được nâng cấp, mở rộng lên 9m.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.