Hỏi - Đáp

Từ vụ đại gia điếu cày Lê Thanh Thản: Lừa dối khách hàng mức nào thì đi tù?

11/07/2019, 19:42

Hành vi lừa dối khách hàng rất phổ biến nhưng việc xử lý hình sự như vụ đại gia điếu cày Lê Thanh Thản có thể nói là hy hữu, chưa có tiền lệ.

img
Ông Lê Thanh Thản

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản (SN 1950, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất – xuất nhập khẩu Bemes) để điều tra về tội “Lừa dối khách hàng”. Vụ án liên quan dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Trước đó, những người mua nhà tại chung cư CT6 đã có đơn phản ánh việc họ chuyển về đây ở từ vài năm nay nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ. Căn nguyên là do chủ đầu tư xây thêm hàng trăm căn chung cư không phép và bán cho khách hàng, trong khi họ không biết việc xây không phép.

“Chưa có tiền lệ”

Theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội), mặc dù tội “Lừa dối khách hàng” đã được quy định tại Bộ luật hình sự từ rất lâu, song trên thực tế, rất ít trường hợp lừa dối khách hàng bị xử lý hình sự, dù hành vi này diễn ra rất phổ biến. “Vụ ông Lê Thanh Thản là gần như chưa có tiền lệ”, luật sư Tú nhận định.

Theo luật sư, tội phạm này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, nếu tội lừa đảo là hành vi dùng thủ đoạn để đánh lừa khiến người khác tin là thật nhằm chiếm đoạt tài sản của người đó, có thể xảy ra với chủ thể bất kỳ nào, nhưng tội lừa dối khách hàng chỉ xảy ra đối với người bán hàng hóa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Đây chính là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý, nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, những vẫn thực hiện. Hậu quả trực tiếp của hành vi lừa dối khách hàng là gây thiệt hại vật chất cho khách hàng, làm cho khách hàng mất đi một phần số lượng hàng hoá hoặc hàng hoá không bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, những khách hàng đó phải ở dạng phổ biến, không phải duy nhất một người và giao dịch đã hoàn thành giữa 2 bên, đã ký kết hợp đồng theo mẫu. Về nguyên tắc, tội Lừa dối khách hàng cần có người tố cáo và phải thu thập hợp đồng theo mẫu mà 2 bên đã ký kết. “Đây là điều mà những người mua nhà chung cư cần lưu ý, khi nhận nhà mà căn nhà đó không đảm bảo chất lượng như cam kết của chủ đầu tư nhưng không biết làm thế nào, hiện đang rất phổ biến”, luật sư Tú lưu ý.

Vì sao khó xử lý hình sự?

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), theo Điều 198 BLHS 2015, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10- 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 100- 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Tuy nhiên, để xử lý đúng người, đúng tội, cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập các chứng cứ để chứng minh bị can đã có hành vi gian dối đối với những người mua căn hộ về chất lượng, tình trạng pháp lý... để chiếm đoạt tiền, đồng thời làm rõ những khách hàng nào đã bị lừa dối, số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu...

Theo luật sư Thơm, đối với những người mua chung cư mà khi nhận nhà nhưng không đảm bảo chất lượng, tình trạng này rất phổ biến nhưng để xử lý chủ đầu tư lại không hề dễ dàng.

“Trong vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản, những thông tin ban đầu cho thấy ông Thản đã bán những thứ mà mình không có (căn hộ xây không phép, dẫn đến không làm được sổ đỏ). Còn với những việc như chủ đầu tư gian dối để ăn bớt diện tích, vật liệu xây dựng dẫn đến căn hộ kém chất lượng, để xử lý hình sự lại không đơn giản chút nào. Chính điều này khiến hành vi lừa dối khách hàng rất phổ biến, nhưng gần như chưa trường hợp nào bị xử lý hình sự mà hầu hết đều giải quyết dân sự”, luật sư Thơm phân tích.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong vụ án của ông Lê Thanh Thản, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can mới là bước đầu của giai đoạn điều tra.

Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra có thể khởi tố thêm các đồng phạm khác (nếu có căn cứ cho thấy, có người đã giúp sức, xúi giục bị can thực hiện hành vi phạm tội), khởi tố thêm tội danh khác hoặc thay đổi các tội danh đã khởi tố đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội. “Việc kết luận ông Thản có tội hay không, tội gì, mức hình phạt bao nhiêu thì do tòa án quyết định”, luật sư Cường cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.