Hỏi - Đáp

Tự ý đập phá xe ô tô đỗ trước cửa nhà, trên lối đi có thể bị xử lý hình sự

02/08/2022, 12:44
image

Người dân rất dễ vướng vòng lao lý khi thực hiện hành vi tạt sơn, đập phá xe ô tô của người khác đỗ trước cửa nhà mình.

Công an TP. Thủ Đức (TP.HCM) vừa ra quyết định bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Huỳnh Phước Thọ (41 tuổi, ngụ ở địa phương) để điều tra về hành vi cố ý làm hư hại tài sản của người khác.

Tại cơ quan công an, Thọ khai, lúc 15h chiều ngày 31/7, khi đi nhậu về, Thọ nhìn thấy ô tô anh Lộc đậu cạnh cổng nhà mình nên bức xúc.

Thọ vào nhà bếp lấy 3 thanh gỗ ra ngoài đường đập phá ôtô của anh Lộc. Thọ cầm thanh gỗ đập kính chắn gió, cần gạt nước phía sau, vỡ kính chiếu hậu hai bên, vỡ đèn xi nhan bên phải, móp méo, trầy xước đuôi sau xe bên phải, móp phía trên vè bánh xe bên trái.

img

Hình ảnh cắt từ camera cho thấy Huỳnh Phước Thọ đang đập phá xe ô tô

Về vi phạm này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận, trong thực tế, vẫn thường xảy ra trường hợp các tài xế đậu đỗ xe chắn cửa nhà, làm vướng đường đi chung của ngừoi dân.

Vì vậy, không ít người không kiềm chế được cảm xúc đã thực hiện hành vi đập phá, hay sử dụng chất bẩn, sơn để đổ vào xe ô tô đỗ trước nhà. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Bình, nếu thấy ô tô đỗ trước của nhà mình gây ảnh hưởng đến việc bán hàng, đi lại, trước hết người dân cần gọi chủ xe để trao đổi nhắc nhở. Nếu chủ xe vẫn không tiếp thu thì chủ nhà liên hệ với lực lượng chức năng (CSGT, TTGT, Công an phường…) đến giải quyết vụ việc”, luật sư Bình nêu quan điểm.

Nếu hành vi đỗ xe của chủ xe không đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tùy vào trường hợp vi phạm dừng đỗ xe, chủ xe có thể bị xử phạt hành chính khác nhau, từ 400.000 đồng – 2.000.000 đồng.

“Người dân tuyệt đối không được tự mình xử theo kiểu tạt sơn, đập phá ô tô của người khác khi đậu trước nhà mình. Hành vi này là vi phạm pháp luật, thậm chí rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự”, luật sư Bình khuyến cáo.

img

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Cụ thể, với hành vi tạt sơn, đập phá xe ô tô đậu trước nhà nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình.

Theo đó, hành vi này có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác".

"Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì người đập phá, tạt sơn xe ô tô còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản". Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm", ông Bình nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một Chỉ huy Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết, ở các tuyến đường cho phép dừng, đậu thì tài xế có thể đậu trước nhà dân, nhà hàng, quán xá.

Lý do lòng đường và vỉa hè là tài sản của Nhà nước quản lý. Chủ nhà chỉ sở hữu phần diện tích mà trong sổ đỏ quy định. Vì vậy, chủ nhà không có quyền cấm, ngăn cản.

"Nơi cho phép đỗ thì lái xe có thể đỗ xe ở đó theo quy chuẩn. Lực lượng CSGT và Thanh tra gGiao thông chỉ có thể xử lý khi xe đó vi phạm đậu nơi cấm đậu. Nếu gặp sự phản ứng của chủ nhà, cơ quan chức năng chỉ khuyên nhủ, nhắc nhở để đôi bên tránh xung đột", vị này nói.

>>> Clip người đàn ông đập phá ô tô vì thấy đậu chướng mắt:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.