Xem - ăn - chơi

Tủi nghề nghệ sĩ xiếc

28/02/2016, 14:08

Phía sau hào quang lấp lánh là cuộc sống cực kỳ khó khăn của những người nghệ sĩ xiếc.

Một tiết mục biểu diễn xiếc của Liên đoàn xiếc Việ
Một tiết mục biểu diễn xiếc của Liên đoàn xiếc Việt Nam Ảnh: Đỗ Thế Dương

Vé cháy vẫn cháy, nghệ sĩ nghèo hoàn nghèo

10 buổi biểu diễn trong 6 ngày Tết Nguyên đán của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐX VN) vừa qua, với số vé bán được dao động từ 300 - 1000 vé/buổi, không ít người trầm trồ. Bởi, không phải buổi diễn nào đơn vị cũng bán được số vé “kỷ lục” như thế.

Chị Hoài Oanh (Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa nghệ thuật Đông Đô) cho biết, các buổi biểu diễn xiếc đông khách hay cháy vé trước buổi diễn mấy ngày chỉ diễn ra những ngày lễ, Tết. Mới nhìn rạp kín khán giả ngồi, ai cũng cho rằng “nhà xiếc”… “trúng lớn” vì vé cháy, nhưng đâu hiểu rằng, mình làm cho có việc.

Cứ thử tính, trong một buổi biểu diễn, mỗi vé giá dao động 80 - 130 nghìn đồng/vé thì lỗ là điều không ít các rạp xiếc phải đối mặt. Bởi giá vé thấp, đầu tư lớn lên đến 500 triệu đồng cho mỗi tiết mục. Các diễn viên xiếc tập luyện hàng chục năm mới được một tiết mục, mà họ lại chỉ được hưởng 200 nghìn đồng cho mỗi suất diễn và lương tháng chỉ được 4 triệu đồng.

Thế nhưng, thực tế phía sau hậu trường của những đêm sáng đèn, rạp kín ấy là tâm sự đầy chua xót của người làm nghề. Theo NSƯT Tạ Duy Ánh, Giám đốc LĐX VN, áp lực trong nghệ thuật chính là đòi hỏi phải tỏa sáng, mà điều này không phải ai cũng làm được. “Càng lớn tuổi, trong khi nghề khác càng có cơ hội thăng tiến cao thì nghề xiếc lại ngược lại, vì họ không còn dẻo dai và sức khỏe để biểu diễn nữa”, nghệ sĩ Ánh cho biết.

Ngay đến NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc LĐX VN cho rằng, áp lực đào thải của nghề xiếc rất khủng khiếp. Vì chính bản thân nghệ sĩ tự đào thải mình chứ không phải do áp lực bên ngoài. Vì tập luyện không đúng sẽ dẫn tới chấn thương không biểu diễn được, hoặc nếu họ tìm được những công việc tốt, nhẹ nhàng hơn thì sẽ bỏ nghề để làm những công việc đó.

Ông kể lại cái nghiệp xiếc của mình, học 5 năm ra trường chỉ ăn lương trung cấp, kể cả những người học cao tới đại học. Mức lương vẫn tính theo hệ số bậc viên chức dù đây là bộ môn đặc thù. Nhiều người ra trường rồi tập luyện nhiều năm, đi diễn, lương vẫn tính theo quy định của Nhà nước nên không đủ sống.

Họ phải cố gắng tập luyện tốt để được mời đi diễn nước ngoài, hoặc đi diễn ở các show diễn tạp kỹ để có thêm thu nhập, nhưng đó không phải thu nhập chính. Người làm được điều đó cũng không nhiều vì họ phải thật sự tài giỏi và may mắn. Ông cũng chia sẻ thêm, hiếm có môn nghệ thuật nào lại khiến nhiều người e ngại như xiếc, bởi không chỉ được xếp vào nghề nguy hiểm, để theo được nghề này đến cùng cũng vô cùng khó khăn vì những áp lực và những câu chuyện chỉ người trong nghề mới hiểu.

Gắn đời trên xe lăn vì… xiếc

Không chỉ thu nhập thấp, các nghệ sĩ xiếc còn phải đối mặt với những nguy hiểm luôn rình rập trong khi tập luyện và biểu diễn. Xiếc được coi là bộ môn nghệ thuật của những điều phi thường, bởi những điều mà nghệ sỹ xiếc làm được phải là những điều rất hiếm người làm được. Càng khó, càng nguy hiểm lại càng thu hút khán giả.

TS. Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, những tiết mục xiếc thường tập luyện trong thời gian ngắn nhất khoảng 2 - 3 tháng, nhiều thì khoảng 3 - 4 năm. Các diễn viên phải tập luyện thường xuyên để nâng cao trình độ và khả năng biểu diễn.

Ông ví von, mỗi tiết mục nguy hiểm như đi trên dây hay múa kiếm, như một cuộc chiến sinh tồn của diễn viên, vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nghệ sĩ Vũ Ngoạn Hợp đã có 7 lần bó bột khắp cơ thể và không đếm xuể những chấn thương khác. Còn nghệ sĩ Tuyết Hoàn (LĐX VN) thì chỉ một cú ngã từ trên cao do dụng cụ tập luyện không chắc chắn, chị buộc phải gắn cả đời mình trên chiếc xe lăn. Đối với một nghệ sĩ đang ở tuổi xung mãn như chị, đây là một cú sốc tinh thần vô cùng lớn. Thậm chí nhiều lần tự tử vì không muốn chồng phải khổ vì mình.

Tai nạn nghề nghiệp không chừa một ai, bất kể ngành nghề nào, nhưng có lẽ xiếc là trường hợp đặc biệt nhất. 95% nghệ sỹ xiếc khi đến tuổi về hưu đều phải trải qua chấn thương, không nặng thì nhẹ. Công việc của họ như đánh đu với mạng sống, với số phận của chính mình. Thế nhưng, họ, những người nghệ sĩ luôn cháy hết mình vì đam mê vẫn chưa bao giờ từ bỏ, chưa bao giờ đầu hàng trước những khó khăn, dù lưỡi hái tử thần luôn cận kề mỗi lần biểu diễn.

Nghệ sĩ xiếc lo vắng học trò

Nhiều nghệ sĩ xiếc nhận định, trước đây thi tuyển vào nghề xiếc vô cùng khó khăn vì tiêu chí rất khắt khe, do đó nghề xiếc chọn được nhiều cá nhân ưu tú cả về sức khỏe lẫn vóc dáng. Còn hiện tại, lượng thí sinh thi vào nghề ít nên tiêu chí tuyển đầu vào bị giảm, dẫn tới chất lượng nhân lực cũng giảm theo, không đủ những học viên ưu tú đủ điều kiện làm nghề.

Con số 35 thí sinh được tuyển vào trường xiếc mỗi năm và ra trường chỉ còn lại con số 20, đã khiến nhiều người giật mình. Vì một nơi đào tạo người làm nghề mà lại thiếu học viên đến vậy. Nhiều năm qua, lãnh đạo trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã phải đến nhiều trường THCS, THPT tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa để tuyển học viên.

Lý giải về điều này, ông Khánh cho biết: “Nhà nước mới chỉ miễn giảm 70% tiền học phí, các gia đình vẫn phải nuôi con em mình ăn ở trên thành phố. Nghề xiếc quá vất vả, tuổi nghề ngắn, không có chế độ đặc biệt, đầu ra lại kém nên tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Một nghệ sĩ khi trẻ có thể phấn đấu nhưng đến 35 - 45 tuổi thì không đủ sức khỏe để làm nữa. Trong khi đó, phụ huynh hiện nay chọn trường cho con em mình đều nhìn vào đầu ra, mà đầu ra của xiếc như vậy thì đâu ai muốn cho con cái họ vào nghề”.

Đã vậy, những học viên khi ra trường lại được phân bổ đều cho các LĐX. Cơ chế chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu của nghệ sĩ, không có những quy định ràng buộc giữa họ với Nhà nước, dẫn đến việc họ bỏ LĐX đến các nhà hát tư nhân.

NSƯT Tống Toàn Thắng (Trưởng đoàn xiếc III, LĐX VN) chia sẻ thêm: “Đến cả chúng tôi giờ nghĩ đến chuyện cho con mình đi theo nghề của mình cũng luôn phải cân nhắc. Lương không đủ sống, nguy hiểm thì gấp nhiều lần những nghề khác…”.

Trong nhiều cuộc hội thảo gần đây nhất có nội dung xoay quanh mức lương của nghề xiếc, đã được đưa ra bàn luận nhiều, nhưng dường như không có kết quả. Là nghề đặc thù cực kỳ nguy hiểm, nhưng xiếc vẫn “chung một giọ” với các bộ môn nghệ thuật khác như: Tuồng, chèo, cải lương...

Còn nghệ sĩ Ánh bùi ngùi, Nhà nước cần xem xét chế độ chính sách đặc biệt là đặc thù với nghệ sĩ xiếc. Bởi không, sẽ chẳng còn những người yêu nghề, tâm huyết với nghề khi cuộc sống của họ không được đảm bảo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.