Xã hội

Tưởng niệm biến cố bi hùng ngày kinh đô thất thủ

31/07/2022, 06:44

Ngày 23/5 Âm lịch hàng năm là ngày cúng âm hồn của người Huế. Việc tổ chức cúng âm hồn liên quan đến sự kiện kinh đô thất thủ năm 1885.

Dịp này, những người con của Huế dẫu làm ăn xa mấy cũng cố gắng trở về.

“Ngày giỗ chung” của người Huế

Những ngày cuối tháng 5 Âm lịch, đồng loạt các chuyến xe khách từ các tỉnh Tây Nguyên đi Huế đều đông nghịt khách. Ông Đoàn Điểm, chủ đoàn xe Ngọc Thông chuyên chạy tuyến Đắk Nông, Đắk Lắk đi Huế cho hay: “Sau hai năm Covid-19, người dân Huế tại Tây Nguyên không thể về quê, giờ vừa là dịp các cháu nghỉ hè, vừa vào lễ cúng “Ngày Kinh đô thất thủ” nên người dân đưa con cháu về quê. Xe Ngọc Thông đặt trước 4 ngày đã hết vé”.

img

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình làm chủ lễ tế đàn âm hồn ngày 22/6/2022 (ngày 24/5 Âm lịch)

Trên chuyến xe hành hương về thăm quê, một hành khách lớn tuổi từng là lãnh đạo Sở Bưu chính - viễn thông Đắk Lắk cho biết: “Tôi người gốc Huế, bao năm xa quê làm ăn, sinh sống, nhưng luôn cố gắng về quê những ngày này. Lần này về, tôi cũng mang tiền về ủng hộ Hội Người cao tuổi ở quê”.

img

Một số đồ cũng trong lễ tế âm hồn

Ông Phạm Hữu Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng An, TP Huế cho biết, sau biến cố xảy ra vào ngày 23/5 Âm lịch năm Ất Dậu 1885, Kinh đô Huế thất thủ, hàng ngàn người dân và quân lính tại Huế bị thực dân Pháp tàn sát.

Vì vậy, hàng năm cứ đến ngày này, người dân Huế lại làm lễ cúng để tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ hàng ngàn chiến sĩ, nhân dân đã hy sinh trong sự kiện này.

Ngày chính cử hành nghi lễ là 23/5 Âm lịch. Nhưng cũng có thể tùy theo từng gia đình mà tổ chức từ 23 – 30/5. Với các tổ chức tập thể và thôn, phường trong thành phố, ngày cúng lễ cũng không quy định một cách cụ thể. Để tổ chức lễ cúng, nhân dân chủ động kết hợp.

Trong lễ cúng, người ta thường dựng rạp hoặc bày bàn cúng ngoài trời. Lễ cúng tối thiểu phải có: Chè, cháo, gạo, muối, hoa quả, nhang, trầm, trà, giấy tiền vàng bạc, hột nổ, áo binh, giấy ngũ sắc, cau trầu, rượu.

Đặc biệt, phải có một bình nước lớn và một đống lửa đốt bên cạnh bàn thờ cúng. Người ta tin rằng các âm hồn sẽ đến uống nước và sưởi ấm bên đống lửa vì nhiều người trong biến cố đã chết khát, chết lạnh lẽo dưới ao, hồ, sông, suối.

“Đối với quê hương Huế nói chung và xã Quảng An nói riêng, đây là ngày vô cùng ý nghĩa, là “ngày giỗ chung” của toàn bộ người dân Huế”, ông Hiệp chia sẻ.

Nếu đến Huế vào dịp đặc biệt này, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy vô số rạp được dựng lên để cúng âm hồn trong thành phố.

Nhạc cúng lễ vang động khắp nơi, hương trầm nghi ngút tỏa cả đêm lẫn ngày. Ban đêm, mâm cúng của từng gia đình được đặt trước cửa nhà, hương đèn được đặt sẵn…

Nhắc nhở con cháu nhớ cội nguồn

img

Người dân chuẩn bị cho lễ cúng

Ngoài việc bận rộn cho lễ cúng tập thể, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng An Phạm Hữu Hiệp còn bận rộn với lễ cúng của dòng họ mình.

Cũng với các thủ tục như lễ cúng tập thể, tại lễ cúng dòng họ Phạm còn tổ chức trao học bổng khuyến học cho các cháu học sinh. Tại lễ cúng, các con cháu cũng được tập trung nghe kể lại chuyện lịch sử về ngày kinh đô thất thủ.

“Các con cháu phải biết lịch sử, phải nhớ về cội nguồn tổ tiên, hiểu câu chuyện đau thương ngày ấy mà nỗ lực, cố gắng trong cuộc sống, công việc và học tập hôm nay”, ông Hiệp chia sẻ.

Ông Lê Mến, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) khoe: “Sau hai năm dịch Covid-19 hoành hành, biết được bà con sẽ về quê nhiều vào dịp này, nên họ Lê chính thức tổ chức lễ khánh thành nhà thờ họ vào “ngày giỗ chung”. Con cháu xa quê về đến hàng trăm người, họ Lê phải tổ chức đến 100 mâm cỗ”.

Thấy cậu cháu trai từ nơi xa về ăn giỗ ngạc nhiên, trầm trồ trước những nghi thức cúng lễ tổ chức khắp nơi ở TP Huế, ông Mến chia sẻ: “Những ngày này, dàn rạp che khắp các con đường nội thành, khói hương và vàng mã nghi ngút cả ngày cho đến đêm. Lễ cúng này được duy trì từ hơn 100 năm trước đến nay và sẽ còn tiếp tục duy trì để nhắc nhớ những người đang sống về biến cố bi hùng mà cha ông đã từng trải qua”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - thông tin (nay là Sở Văn hóa - thể thao) Thừa Thiên - Huế cho biết, nghi thức cúng âm hồn trang trọng nhất được tổ chức tại các am miếu trong TP Huế.

Miếu âm hồn được lập lâu năm nhất là ngôi miếu ở góc đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn hiện tại, nằm ở phía Đông nội thành. Ngôi miếu này được xây dựng vào năm 1895, sau biến cố thất thủ Kinh đô 10 năm.

“Lễ cúng “Ngày Kinh đô thất thủ” của người Huế là một lễ cúng đặc biệt, duy nhất có ở đây, một lễ cúng nặng tình đồng bào, đầy nghĩa nhân văn. Qua thời gian, ngày kinh đô thất thủ đau buồn đã trở thành ngày tưởng niệm đặc biệt của Huế, được người dân cố đô xem là “ngày giỗ chung” của người dân Huế”, ông Hoa cho hay.

Theo sách Đại Nam thực lục, sau khi từ chối lời mời của Tướng De Courcy sang tòa Khâm sứ Pháp hội đàm, khuya 4/7/1885 (đêm 22, rạng 23/5 Âm lịch), Tôn Thất Thuyết chia quân làm hai hướng tấn công quân Pháp.

Tuy nhiên, ngày 23/5 Âm lịch năm 1885, kinh thành Huế thất thủ trước sự tấn công của quân Pháp, hàng nghìn quan quân và dân chúng chết trong cảnh binh đao hỗn loạn. Tôn Thất Thuyết và Vua Hàm Nghi phải tháo chạy khỏi kinh thành Huế ra Quảng Trị lánh nạn.

Năm 1894, vua Thành Thái cho xây Đàn Âm hồn (nay thuộc phường Thuận Hòa, TP Huế) để làm lễ tế tưởng nhớ những người đã chết trong sự kiện. Sau nhiều năm không duy trì, năm 2018, Thừa Thiên - Huế lần đầu tổ chức lễ tế đàn âm hồn theo nghi thức triều Nguyễn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.