Hạ tầng

Tuyến đường thoát nghèo của dân xứ biển Kiên Giang

22/01/2016, 06:51

Bộ GTVT vừa khởi công Dự án đường Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, tuyến đường mơ ước bấy lâu của người dân xứ biển Kiên Giang.

11
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu bấm nút phát lệnh khởi công Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

30 tháng làm nên mơ ước

Ai đã từng đi trên QL80 đoạn từ ngã ba Lộ Tẻ (Cần Thơ) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) mới cảm nhận được niềm vui của người dân Kiên Giang khi tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được khởi công. Thực tế, QL80 dù đã được nâng cấp sửa chữa nhưng vẫn còn chật hẹp trong khi mật độ phương tiện liên tục tăng, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng chiều dài 53,34 km (trong đó tuyến chính dài 51,17 km và tuyến nối QL80 dài 2,17 km. Điểm đầu dự án thuộc địa phận quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Điểm cuối dự án thuộc địa phận huyện Châu Thành (Kiên Giang) đấu nối vào tuyến tránh TP Rạch Giá hiện đã đưa vào sử dụng. Trong tương lai, tuyến đường này sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hoàn chỉnh với quy mô đường cao tốc theo tiêu chuẩn đường cao tốc với 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư xây dựng giai đoạn đầu gần 6.694 tỷ đồng. Trong đó, Chính phủ Hàn Quốc cho vay 200 triệu USD (tương đương 4.167 tỷ đồng) thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF), còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dù đường mới chưa hình thành nhưng trong tâm thức của người dân Kiên Giang, tuyến đường này chắc chắn sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Chỉ còn 30 tháng nữa, khi tuyến đường mới đưa vào khai thác, hàng trăm km đường liên thôn, xóm sẽ được đấu nối liên hoàn vào tuyến đường lớn này để trở thành một mạng lưới giao thông hoàn thiện. Công trình càng có ý nghĩa hơn khi khởi công đúng dịp Đại hội Đảng lần thứ XII, thiết thực chào mừng sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Cưng, nông dân ở ấp Tân Phước, xã Giục Tượng (huyện Châu Thành) phấn khởi cho hay: “Đã nhiều năm qua, vì đường sá đi lại còn gian nan, cách trở nên con cá, con sò, hay lúa gạo của bà con thường bị mất giá do phải mất thời gian vận chuyển đi tiêu thụ. Vừa rồi, nghe Thủ tướng nói con đường sẽ thông xe sau 30 tháng thi công. Coi như bao sự mong đợi bấy lâu của chúng tôi đã thành hiện thực”.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Giục Tượng cho biết, địa bàn xã chủ yếu là người dân tộc Khmer, chuyên sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được quan tâm, đầu tư thuận lợi nên chắc chắn hàng hóa của bà con sẽ có giá trị hơn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. “Được T.Ư đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, người dân đều tự nguyện hiến đất, phá dỡ vật dụng kiến trúc để làm đường. Hạ tầng giao thông không chỉ thay đổi diện mạo làng, xã, mà còn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm, chung sức, đồng lòng của tất cả các hộ dân trên địa bàn”, ông Kiệt tâm sự.

Thông tuyến xuyên Việt thứ hai

Tại lễ khởi công Dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là tuyến đường xuyên Việt thứ 2 từ Pác Bó (Cao Bằng) đến tận Cà Mau đã được khơi thông. Tuyến đường này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Kiên Giang vì QL80 dù đã nâng cấp mở rộng, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế khu vực nên hiện không thể đáp ứng hết nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Do đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khi hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực ĐBSCL, góp phần tăng cường, củng cố an ninh quốc phòng cho khu vực. Đồng thời, làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế là đường hành lang ven biển phía Nam nối liền Campuchia và Thái Lan. Từ đó mở ra cơ hội lớn để đảm bảo cho sự phát triển của tỉnh Kiên Giang cũng như toàn khu vực.

“Dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được khởi công là sự kiện rất đặc biệt vì nó là một đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại nối liền từ Bắc vào Nam. Trong tương lai, cùng với việc nâng cấp mở rộng QL1 hiện hữu, chúng ta đã có 2 con đường xuyên Việt để phục vụ sự phát triển kinh tế nước nhà. Nhân đây, Chính phủ Việt Nam cũng gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Hàn Quốc vì đã giúp Việt Nam tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho dự án. Công trình này một lần nữa khẳng định dấu ấn quan trọng cho sự hợp tác toàn diện, là đối tác chiến lược giữa hai nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhìn nhận, dự án này nằm trong chương trình phát triển và mở rộng cơ sở hạ tầng của khu vực ĐBSCL và là tuyến giao thông quan trọng kết nối các tỉnh ven biển phía Tây Nam với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đồng thời góp phần giảm tải cho QL1. “Trong tương lai gần, tuyến đường sẽ là mảnh ghép quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của khu vực phía Tây Nam nói chung và đặc biệt là tỉnh Kiên Giang nói riêng. Sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ GTVT, đặc biệt là tinh thần chuẩn bị của Tổng công ty Cửu Long, tỉnh Kiên Giang sẽ tạo điều kiện tốt nhất để dự án đạt tiến độ cao”, ông Hồng khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.