Hạ tầng

Tuyến tránh Biên Hòa vượt khó về đích

11/06/2014, 13:10

Sau hơn ba năm thi công, dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh TP Biên Hòa đã hoàn thành. Khi đưa vào khai thác sử dụng, tuyến đường này sẽ giảm ùn tắc, TNGT qua QL1...

Dự kiến vào đầu tháng 7/2014, tuyến tránh Biên Hòa sẽ chính thức được mang tên đường Võ Nguyên Giáp
Dự kiến vào đầu tháng 7/2014, tuyến tránh Biên Hòa sẽ chính thức được mang tên đường Võ Nguyên Giáp


Không để mặt bằng “cản” tiến độ


Dự án tuyến tránh Biên Hòa có chiều dài toàn tuyến 12,2km, điểm đầu giao với QL1 từ Km 1851+714 thuộc xã Bình Minh, huyện Trảng Bom và điểm cuối giao với QL51 phường Long Bình, TP Biên Hòa. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư trên 1.250 tỷ đồng. 


Ông Nguyễn Văn Khang - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận cho biết: Trong quá trình triển khai thi công vẫn gặp rất nhiều khó khăn do vướng GPMB, hồ sơ phức tạp, chế độ chính sách biến động dẫn đến nhiều hộ dân thiếu hợp tác, không nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. 
 

Sau khi thông xe các phương tiện có thể lưu thông theo lộ trình: 


Lộ trình 1: Hướng đi từ Hà Nội vào TP HCM các phương tiện lưu thông theo hướng: QL1 - nút giao (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) rẽ trái vào đường tránh TP Biên Hòa - đến QL51 rẽ phải đi ngã tư Vũng Tàu để về TP HCM hoặc rẽ trái để đi TP Vũng Tàu hoặc vào đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. 


Lộ trình 2: Hướng đi từ TP HCM ra Hà Nội các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng: QL1 - Ngã tư Vũng Tàu rẽ phải vào QL51, đi 5km gặp nút giao đường tránh với QL51 rẽ trái vào đường tránh ra QL1. 

Ngay từ khi khởi công dự án, chủ đầu tư đã thành lập ngay Ban Bồi thường GPMB. Việc bàn giao mặt bằng theo kiểu “xôi đỗ” làm cho thi công khó khăn, việc tập kết thiết bị, máy móc cũng gặp nhiều trở ngại. Tiến độ bị ảnh hưởng, nhiều lúc chủ đầu tư như ngồi trên “đống lửa”. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu tập trung gấp rút thi công tại các đoạn có mặt bằng để bù tiến độ, cùng với đó đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy nhanh việc GPMB.

Hàng ngày, ngoài việc liên tục thị sát đôn đốc các nhà thầu thi công đúng tiến độ, chủ đầu tư phải liên tục rà soát những khu vực còn vướng mắc, những hộ còn tồn tại để lãnh đạo và nhân viên trực tiếp tiếp xúc nghiên cứu hồ sơ GPMB để hướng dẫn, giải thích, vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng. Lãnh đạo công trình cũng phải tự tổ chức họp với người dân tại văn phòng để tư vấn, hướng dẫn đồng thời hỗ trợ cho bà con thực hiện các thủ tục liên quan đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng khi Nhà nước thu hồi đất.


Ngoài ra, chủ đầu tư đã tạm ứng trước tiền bồi thường cho người dân khi mà phương án bồi thường chưa được phê duyệt để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng trước cho chủ đầu tư thi công, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ. 


“Nhờ sự nỗ lực của chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong việc vận động, thuyết phục, nhiều hộ hai đầu tuyến đã nhận thấy lợi ích của tuyến đường đi qua nên đã tự nguyện bàn giao mặt bằng”, ông Khang nói. 
 

Tuyến tránh Biên Hòa có chiều dài toàn tuyến 12,2km
Tuyến tránh Biên Hòa có chiều dài toàn tuyến 12,2km


Tiết kiệm kinh phí, thời gian


Ông Nguyễn Văn Khang cho biết thêm, dự án xây dựng tuyến tránh Biên Hòa thiết kế ban đầu được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chỉ 4 làn xe (2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ) và giai đoạn 2 hoàn thiện nâng lên 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ). Tuy nhiên, để đáp ứng mật độ lưu thông dự kiến sẽ tăng cao sau khi hoàn thành, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất Bộ GTVT cho phép chủ đầu tư thi công luôn giai đoạn 2 của dự án để tiết kiệm thời gian và chi phí. 


Theo ông Khang, nếu triển khai giai đoạn 2 sau khi dự án đưa vào khai thác sẽ tốn kém vì phải đảm bảo ATGT trong quá trình thực hiện và lãng phí nhiều khối lượng công việc khi triển khai giai đoạn tiếp theo. Dự án sau khi thông xe là trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, kết nối nhiều dự án giao thông khác có quy mô lớn trong khu vực như: QL51, cảng IDC Tân Cảng… nên lưu lượng phương tiện đi qua sẽ rất lớn nếu hoàn thành thi công 4 làn xe trong giai đoạn 1 sẽ không đáp ứng được nhu cầu lưu thông. 


Nhận định được tầm quan trọng của tuyến đường và để tiết kiệm thời gian cộng thêm đầu năm 2014 do công tác GPMB tiến triển tốt, chủ đầu tư đã mạnh dạn đề xuất Bộ GTVT cho phép được thi công luôn giai đoạn 2 và kết thúc toàn bộ dự án, tiết kiệm chi phí và thời gian thi công. Ngay sau khi nhận được sự đồng ý của Bộ GTVT và sẵn có nhân lực, máy móc… chủ đầu tư đã thi công luôn phần việc của giai đoạn 2 để hoàn thành toàn dự án ngay trong thời hạn của giai đoạn 1. 


Cũng theo ông Khang khi tuyến đường vừa được đưa vào sử dụng, UBND tỉnh Đồng Nai đã đi khảo sát và nhận thấy QL1 đoạn tránh Biên Hòa với chiều dài 12,2km với lộ giới 40m phù hợp với việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Đầu tháng 5, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định đề xuất Bộ GTVT đổi tên tuyến tránh Biên Hòa sẽ được mang tên mới là đường Võ Nguyên Giáp. 


Bộ GTVT cũng đã có công văn đồng ý với ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai về việc đổi tên đường. Dự kiến tuyến tránh Biên Hòa sẽ chính thức được mang tên Võ Nguyên Giáp sau khi được HĐND tỉnh thông qua trong tháng 7/2014.


Trao đổi với PV Báo Giao thông ông Lê Quang Bình - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết: Tuyến tránh Biên Hòa được đưa vào sử dụng đã rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông trên QL1 đoạn qua TP Biên Hòa. “Ngoài việc kéo giảm mật độ giao thông trên QL1, góp phần kéo giảm TNGT thì việc tuyến đường này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”, ông Bình nói.


Tại buổi làm việc mới đây của lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đến công tác thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh Biên Hòa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Bộ kết luận dự án đã được Nhà đầu tư hoàn thành theo đúng hợp đồng BOT và chỉ đạo hoàn thiện thủ tục cho phép thu phí hoàn vốn cho dự án kể từ ngày 25/6/2014.

Vĩnh Phú
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.