Thế giới

Ukraine rơi vào “thế cờ khó” của ông Putin trên biển Azov

28/11/2018, 07:58

“Sóng ngầm” ở Kerch đã chính thức trỗi dậy sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine vì xâm nhập...

27

Tổng thống Nga Vladimir Putin

“Sóng ngầm” ở Kerch đã chính thức trỗi dậy sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine vì xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ quốc gia Nga. Câu hỏi đặt ra ở đây là Kiev và các đồng minh phương Tây sẽ có lựa chọn nào tốt hơn để đối phó với vấn đề này thay vì những cuộc khẩu chiến và dọa dẫm, trừng phạt Nga không hồi kết?

Nga cầm chìa khóa “cánh cửa Kerch”

Sau cuộc khủng hoảng tại eo biển Kerch, Ukraine và các đồng minh phương Tây của nước này sẽ buộc phải nhanh chóng quyết định cách phản ứng, thay vì tiếp tục các tranh cãi về việc có đáp trả bằng vũ lực hay không.

Giới phân tích chỉ ra rằng, việc sát nhập Bán đảo Crimea năm 2014 và xây một cây cầu bắc qua eo biển Kerch - nối bán đảo với miền Nam nước Nga - đã giúp Moscow kiểm soát sự tiếp cận hàng hải vào vùng biển Azov rộng lớn.

Sự việc xảy ra ngày 25/11 vừa qua được ví như cách Moscow “quay chiếc chìa khóa của cánh cửa Kerch” để vào biển Azov và đây là cách cho thấy Nga muốn vẽ lại bản đồ địa chính trị trong các mối quan hệ quốc tế.

Trên thực tế, cảng chính duy nhất tại lãnh thổ Ukraine, Mariupol, giờ không còn náo nhiệt như xưa, các tàu bè qua lại thưa thớt và bị hạn chế. Sự kiểm soát eo biển Kerch của Moscow đã phần nào làm giảm lưu lượng của các tàu chở hàng tiến vào biển Azov, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của thành phố cảng Mariupol của Ukraine.

Đây là một chiến lược mà các đối thủ của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là Ukraine và các đồng minh phương Tây đang đau đầu tìm hướng đối phó.

Chuyên gia về vấn đề toàn cầu của Reuters, ông Peter Apps cho rằng, chẳng bên nào muốn khơi mào một cuộc xung đột mà họ không thể kiểm soát được hậu quả.

Ông Apps đã lấy ví dụ về các vụ xung đột đang ngày càng phổ biến trong các mối quan hệ quốc tế, như các cuộc chiến đẫm máu ở Syria và Yemen tại Trung Đông, hay cuộc đối đầu không đổ máu nhưng chẳng kém phần gay gắt tại biển Đông.

Các cuộc đối đầu kể trên đã liên tục bị thúc đẩy bởi các căng thẳng trong một loạt các chủ đề về thương mại đến nhân quyền trong quan hệ quốc tế. Tiêu điểm là những bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh đã làm suy yếu hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở Papua New Guinea hồi đầu tháng này.

Còn cuộc khủng hoảng đang gia tăng trên biển Azov dự kiến sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này ở Argentina, với sự tham gia của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Lựa chọn của Kiev

Trong sự gia tăng căng thẳng bằng cuộc đối đầu tại eo biển Kerch vừa qua, các quan chức cấp cao của quân đội Ukraine ngày 27/11 tuyên bố rằng, họ sẽ lập một căn cứ hải quân trên biển Azov vào dịp Giáng sinh năm nay, nhằm mục đích ngăn khu vực này trở thành một Crimea thứ hai.

Trước đó, đêm 25/11, phương tiện truyền thông Nga đã báo cáo việc bắn phá của Kiev trên chiến trường Donbass, miền Đông Ukraine, nơi có những người ly khai ủng hộ Moscow.

Theo giới phân tích, rõ ràng chiến thuật này của Kiev sẽ gần như chắc chắn “đổ thêm dầu vào lửa” trong căng thẳng với Moscow, khơi mào cho các động thái trả đũa lớn từ phía Nga, cho đến khi Ukraine buộc phải tìm kiếm được các lựa chọn khác “sáng suốt” hơn.

Về phía NATO, bất chấp sự tăng viện trợ quân sự phương Tây kể từ sau sự kiện Crimea năm 2014, Ukraine vẫn chưa phải thành viên của khối quân sự, có nghĩa là các quốc gia phương Tây không có nghĩa vụ hành động trong các cuộc chiến của Kiev.

Phân tích kể trên còn chưa tính đến việc nội bộ NATO cũng đang có sự chia rẽ sâu sắc. Phản ứng trước cuộc đối đầu Nga - Ukraine, trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lặp lại các chỉ trích đối với đồng minh châu Âu vì không trả các chi phí công bằng cho sự bảo vệ quân sự của khối.

Ông Apps cho rằng, điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tâm trạng của các nhà lãnh đạo tham dự G20. Trong đó, các nhà lãnh đạo châu Âu vốn đã chống lại Trump, bây giờ họ lại càng giận dữ hơn.

Vì vậy, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Argentina từ ngày 30/11, việc Tổng thống Mỹ gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vốn được coi là sự kiện đáng được chờ đợi để giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế nhất, nhì thế giới thì bất kỳ cuộc họp nào giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Putin cũng sẽ luôn được quan sát chặt chẽ, trong đó, cho thấy thế giới dường như đang được điều phối một cách đa chiều hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.