Chính trị

Ủng hộ "khai tử" sổ hộ khẩu, cân nhắc xóa đăng ký thường trú

23/05/2020, 11:28

Liên quan tới việc bỏ sổ hộ khẩu, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn.

img
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Quản lý bằng mã định danh cá nhân

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ hợp Quốc hội thứ 9, Khóa XIV nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.

Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú hiện hành.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: Các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; trách nhiệm xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu…

Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ các nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân, như: Cấp đổi sổ hộ khẩu; Cấp lại sổ hộ khẩu; Cấp giấy chuyển hộ khẩu; Cấp đổi sổ tạm trú; Cấp lại sổ tạm trú; Điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; Gia hạn tạm trú.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về lưu trú.

Liên quan tới việc bỏ sổ hộ khẩu, Uỷ ban Pháp luật đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ và quy định ngay trong Luật Trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu.

Cân nhắc xoá đăng ký thường trú

Dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú, trong đó có trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Tuy nhiên, nếu công dân trở về địa phương sinh sống tại nơi đăng ký thường trú ban đầu sẽ được đăng ký lại.

Báo cáo thẩm tra cho rằng việc xóa đăng ký thường trú như dự thảo luật sẽ khắc phục tình trạng quản lý cư trú ảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành quy định nêu trên vì cư trú là quyền cơ bản của công dân, nên xóa đăng ký thường trú có thể tác động tiêu cực tới quyền lợi của người dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ý kiến này đề nghị cần cân nhắc kỹ, chỉ nên quy định xóa đăng ký thường trú của công dân trong trường hợp thật cần thiết nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu bảo đảm quyền công dân và công tác quản lý của Nhà nước.

img

Hậu Covid-19, lĩnh vực nào sẽ hút "đại bàng" đến "làm tổ"?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.