Hạ tầng

Ước mơ giản dị của “thợ cầu treo”

20/06/2015, 13:26

Khi những chiếc cầu treo dân sinh được hoàn thành, những người thợ làm cầu như quên hết vất vả, gian nan.

3
Người dân vui mừng được đi qua cây cầu mới (Cầu Quan Hóa, Thanh Hóa, hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2015).

Công việc phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm, nhưng khi những chiếc cầu treo dân sinh được hoàn thành, những người thợ làm cầu như quên hết vất vả, gian nan. Ngày cắt băng khánh thành, thông xe nối liền đôi bờ, họ cảm thấy vui hơn bao giờ hết vì được góp chút công sức nhỏ bé cho đồng bào vùng cao...

Những bữa cơm ngay tại chân cầu

Những ngày cuối tháng 6, trên nhiều công trình cầu treo dân sinh đang dồn lực để hoàn thành nốt hơn 80 cầu còn lại của giai đoạn 1 xây dựng 187 cầu thuộc Đề án xây dựng cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Có dịp thực tế công tác thi công nhiều công trình cầu treo, điều chúng tôi cảm nhận được không chỉ là không khí làm việc khẩn trương mà còn là tình cảm chân thành, ấm áp của những người mà chúng tôi thường gọi là “thợ cầu treo”.

Những công nhân tham gia xây dựng 187 cầu treo dân sinh, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng ở họ có điểm chung là mang theo bao mong mỏi, quyết tâm để ngày càng có nhiều cây cầu mới hoàn thành trước thời hạn. Khi cầu xây xong, niềm vui nối liền đôi bờ khiến họ quên đi bao phiền muộn.

Theo chân những người làm cầu treo dân sinh, tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của họ. Tháng 6 này, 187 cây cầu treo dân sinh sẽ được đưa vào sử dụng. Những người làm cầu treo dân sinh thật sự là những người nối những bờ vui.

Giai đoạn 1 của Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đang bước vào giai đoạn kết thúc theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Có đến tận nơi, được tận mắt thấy, tai nghe, chúng tôi mới hiểu được những cây cầu tuy bé nhỏ nhưng là ao ước, mong chờ bao đời của người dân sinh sống nơi đây như thế nào. Cũng ở nơi đây, chúng tôi đã cảm nhận được sự gian nan, vất vả và ý chí quyết tâm cao nhất của những người làm cầu.

Từ Hà Nội ngược QL6 đi Điện Biên, rồi từ TP Điện Biên xuôi theo QL279 về huyện Điện Biên Đông mất gần trọn ngày. Đại tá Nguyễn Thế Phảng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Duyên Hải (Bộ Quốc phòng) bảo: “Đêm nay chúng ta phải nghỉ lại trung tâm huyện. Sáng hôm sau vào bản vì đường từ trung tâm huyện đến cầu Nà Su dài 110 km, trong đó có quãng đường 40 km là đường dân sinh, không đi được ô tô mà phải đi bằng xe máy”.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm lên đường vào bản. Đường vào Nà Su ngoằn ngoèo vắt qua lưng chừng núi. Mất 3 giờ ngồi ô tô và thêm gần 3 giờ “vật lộn” trên xe máy vì đường xấu, cuối cùng chúng tôi cũng vào đến nơi. Vừa xuống xe, tôi đã thấy những người thợ ở đây đang hối hả làm việc, lưng đẫm mồ hôi. Chỉ huy xây dựng cầu là Thiếu tá Phạm Văn Quân. Sau cái bắt tay nồng ấm, anh Quân cho biết, cầu treo Nà Su đã xây dựng xong phần móng dưới, chuẩn bị thi công lắp ráp phần trên. Để có được tiến độ như hôm nay, đơn vị phải nỗ lực rất nhiều. Khó khăn lớn nhất vẫn là khâu vận chuyển vật liệu, 40 km đường dân sinh phải vận chuyển thủ công bằng xe thô sơ, có khi mấy ngày mới vận chuyển được 2-3 khối đá, cát vào công trường. Vận chuyển trụ, cáp, mố neo cồng kềnh lại càng khó khăn hơn nhiều lần.

2
Công nhân thi công xây dựng cầu treo Thà Tò (huyện Tràng Định, Lạng Sơn).

Khi tấm thép bản mặt, trụ, cáp... được anh em công nhân vận chuyển lên mố cầu chuẩn bị cho việc lắp ghép, tôi nhìn đồng hồ đã hơn 13h. Lúc đó mọi người mới nghỉ ăn trưa. Điều đặc biệt là bữa trưa được dọn ngay tại chân cầu. Tôi hỏi anh Quân, có nhiều bữa trưa như thế này không? Anh Quân bảo: “Hôm nay là còn sớm anh ạ, muộn tới 3h chiều mới được ăn là chuyện thường...”.

Làm cầu vui như trẩy hội

Rời Nà Su, chúng tôi lại lên công trình cầu treo Thà Tò bắc qua sông Kỳ Cùng, huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Cầu treo Thà Tò dài 200 m nối 6 thôn gồm Thà Tò, Pò Pó, Nà Khoang, Đông Mẩn và Vai Pải nằm ở bên kia sông Kỳ Cùng. Vào mùa mưa bão, hàng trăm lượt trẻ em đi học, giáo viên đi làm thường xuyên phải qua sông bằng bè kéo rất nguy hiểm. Ước mơ về một cây cầu kiên cố của trên 500 hộ dân thuộc 6 thôn bên kia sông luôn thường trực trong tâm trí những người thợ cầu. Vì thế, công trường lúc nào cũng khẩn trương, chạy đua với thời gian để đưa cầu về đích sớm.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đặng Tiến Bài, Phó TGĐ Công ty CP Thành Long (đơn vị thi công cầu) cho biết, cầu treo Thà Tò là một trong 15 cây cầu công ty thi công, đây là cầu treo quy mô lớn nhất, thiết kế đẹp nhất trong 187 cầu treo. Nhưng do chiều dài cầu rất lớn và hai mố cầu được thiết kế kết cấu cọc khoan nhồi bê tông cốt thép, vì thế công nghệ thi công rất phức tạp và khác hẳn với những cầu treo thông thường.

Để tiện việc, anh em toàn dọn cơm ở ngay chân cầu, ăn xong là bắt tay vào làm ngay. Nhìn ánh mắt trông đợi của người dân mong có cây cầu mới, chúng tôi làm việc quên mệt nhọc để nhanh chóng hoàn thành”.

Thiếu tá Phạm Văn Quân, Chỉ huy xây dựng cầu Nà Su

“Sáu bản bên kia sông không có đường vào, việc vận chuyển qua sông vật liệu, máy móc thiết bị để thi công mố cầu rất vất vả. Nguy hiểm nhất là khi lũ sông Kỳ Cùng dâng cao”, anh Bài kể.

Quệt những giọt mồ hôi trên trán, công nhân Hoàng Quốc Tư (41 tuổi, quê Thanh Hóa) cho hay, gia đình anh gồm năm người, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Công việc đòi hỏi phải xa nhà, không chăm sóc được gia đình, đó là điều khiến anh trăn trở nhất. Khó khăn, vất vả là thế nhưng vẫn quyết tâm tham gia làm cầu. “Quyết tâm bám nghề không chỉ để có thu nhập ổn định, mà còn vì mục tiêu xây dựng xong những nhịp cầu. Mỗi khi một cây cầu của đơn vị hoàn thành đưa vào sử dụng, được chứng kiến sự vui mừng của bà con, tôi thấy vui như vừa cày xong thửa ruộng vậy”, anh Tư hồ hởi chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.