Vẫn khổ vì vấn nạn ném đá lên tàu

17/09/2014, 16:13

Ông anh họ đi tàu về chuyến này sợ xanh mắt mèo, than thở đi tàu vẫn chậm quá. Nhưng sợ nhất là đúng chuyến tàu ấy bị ném đá vỡ cửa kính.

img

Thú thật là đi tàu nhiều, tôi cũng đã từng bị “dính” một viên đá mà đám trẻ ném lên từ dưới đường. Đó là vào tháng 8 năm ngoái, khi tàu đang đến khu gian Trà Kiệu - Phú Cang (Quảng Nam), bỗng tấm cửa kính ngay sát tôi đứng bị đá ném đến uỳnh. Tốc độ bay của viên đá cộng thêm tốc độ tàu khá nhanh khiến sức va chạm tăng lên và tấm kính vỡ vụn. Nhân viên trực toa cũng chỉ biết lập biên bản báo về ga gần nhất: “16h3’ tại khu gian Trà Kiệu - Phú Cang (Quảng Nam), vỡ một kính cửa sổ khoang 3, không ai bị thương…”


Nhưng hai tiếng sau, lại một tấm kính ở toa số 5 bị đá ném trúng vỡ vụn. Nhà tàu lại vất vả lập biên bản, thông báo về ga gần nhất mà không có bất cứ biện pháp gì thêm để truy tìm thủ phạm.


Vị lãnh đạo một xí nghiệp toa xe khách than thở, nhiều lần gửi văn bản lên chính quyền các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng ném đá lên tàu đề nghị phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, mọi sự đều rơi vào im lặng, rất ít địa phương phản hồi, nhiều địa phương chỉ làm cho có lệ. Có lần ngành Đường sắt phối hợp với an ninh xã mai phục bắt được một đối tượng ném đá lên tàu, nhưng cũng phải thả vì đối tượng còn quá ít tuổi, gia đình quá nghèo nên không có khả năng đền cho nhà tàu.


Mỗi năm ngành Đường sắt mất cả tỷ đồng để khắc phục  thiệt hại do nạn ném đá lên tàu. Thời gian gần đây theo thống kê, tình trạng này đã giảm tại một số địa phương, nhưng các địa phương có “truyền thống” xảy ra nạn ném đá lên tàu như: Nghệ An, Quảng Bình và Lạng Sơn vẫn xảy ra nhiều. Tính từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8 năm nay, các tỉnh này đã để xảy ra hơn 100 vụ ném đá lên tàu, gây thiệt hại gần 90 triệu đồng.


Tiền khắc phục sửa chữa là một chuyện, nhưng cái băn khoăn ở đây là vấn nạn này xảy ra rất lâu mà chưa có cách nào khắc chế được. Ngành Đường sắt không thể rải quân ra từng mét ray để canh tàu, nên việc chống ném đá gần như chỉ trông cậy vào các địa phương. Vậy mà bao lâu nay vẫn không thể xử lý được. Đường sắt đang từng ngày đổi mới, và các địa phương cũng cần góp sức.

Thiện Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.