Hạ tầng

Vẫn thiếu vật liệu làm cao tốc, bãi đổ thải

Hiện một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang bị chậm tiến độ do vẫn thiếu hụt đất đắp nền đường, bãi đổ vật liệu phế thải...

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang được rốt ráo triển khai. Tuy nhiên hiện nay một số dự án thành phần vẫn thiếu hụt đất đắp nền đường; thiếu bãi đổ vật liệu phế thải…

So với kế hoạch đề ra, một số dự án đang bị chậm tiến độ. Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các vướng mắc phải được xử lý dứt điểm trước ngày 15/1/2022.

Vậy các chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương có giải pháp gì để đảm bảo thực hiện chỉ đạo này theo đúng thời hạn?

img

Dự án Cam Lộ - La Sơn hiện vẫn đang thiếu gần 2 triệu m3 đất đắp (Trong ảnh: Thi công cầu Thạch Hãn, dự án Cam Lộ - La Sơn). Ảnh: Duy Lợi

Nhà thầu sốt ruột vì thiếu đất đắp

Những ngày cuối năm, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, không khí thi công diễn ra rất khẩn trương.

Tuy nhiên, tiến độ thi công hiện bị ảnh hưởng rất lớn do thiếu vật liệu đất đắp trong thời gian dài.

Tại gói thầu XL04 do Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật E&C phụ trách thi công, dọc tuyến từ thị trấn Ma Lâm đến địa phận huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận dài gần 20km, nhà thầu chỉ mới hoàn thành đào bóc hữu cơ, đang thi công các hạng mục cầu, cống thoát nước. Tại các vị trí thiếu đất đắp, cỏ mọc um tùm, nước đọng thành vũng.

Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vinaconex thừa nhận, tiến độ gói thầu XL04 đang bị chậm so với kế hoạch, nguyên nhân do thiếu nguồn đất đắp.

“Nhu cầu của gói thầu là 4,25 triệu m3. Trong khi đó hai mỏ Sa Phát (núi Ếch), Chóp Vung vẫn chưa hoàn thiện thủ tục khai thác. Thiết bị máy móc, nhân lực đã sẵn sàng, chúng tôi rất sốt ruột”, ông Tới cho hay.

Ban QLDA 7 cho biết, nhu cầu vật liệu của dự án khoảng 9,2 triệu m3, trong đó đá xay tận dụng khoảng 1,5 triệu m3, mỏ đã cấp phép khoảng 1,7 triệu m3 (7 mỏ), các mỏ dự kiến cấp phép trong cuối tháng 12/2021 và tháng 1/2022 khoảng 2,3 triệu m3.

Như vậy nhu cầu vật liệu của dự án còn lại khoảng 3,7 triệu m3 cần được bổ sung theo Nghị quyết 60 của Chính phủ.

Theo bà Phan Thị Xuân Thu, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, để sớm đưa vào khai thác hai mỏ Sa Phát, mỏ Chóp Vung (trữ lượng 1,1 triệu m3), Sở đã đề nghị chủ mỏ làm việc với Ban QLDA 7, nhà thầu thực hiện song song các thủ tục để rút ngắn thời gian đưa vào khai thác.

Hiện Sở đang làm việc với các đơn vị liên quan đẩy nhanh cấp phép mỏ đất 18,2ha ở xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) và 4 mỏ theo Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ.

“Quy trình này mất 21 ngày, chúng tôi đang gấp rút thực hiện”, bà Thu cho hay.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xác nhận, công tác cấp phép các mỏ vật liệu thời gian qua chậm so với kế hoạch.

Ông yêu cầu Sở TN&MT phải xác định rõ “đường găng” chậm ở khâu nào, chậm do ai, ở đâu, từ đó xác định rõ trách nhiệm.

“Nhà thầu phải tích cực phối hợp với các Sở ngành để hoàn thiện thủ tục 10 mỏ mới để bổ sung đất đắp thi công”, ông Phong nói.

Trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ghi nhận cho thấy tiến độ dự án khả quan hơn, hai gói thầu XL03, XL04 qua Đồng Nai đã bắt đầu thảm lớp nhựa đầu tiên.

Theo Ban QLDA Thăng Long, 2 gói thầu qua tỉnh Bình Thuận cơ bản đủ nguồn đất đắp, song 2 gói thầu qua Đồng Nai vẫn đang thiếu hàng triệu m3 đất đắp nền; còn hơn 10 hộ chưa bàn giao mặt bằng và một số vị trí còn vướng đường điện cao thế, cáp viễn thông.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, hiện gói thầu vẫn thiếu khoảng 2,2 triệu m3 đất đắp nền đường.

Sau khi áp dụng Nghị quyết 133 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung Nghị quyết 60), lãnh đạo tỉnh thống nhất sẽ giải quyết xong cuối tháng 12 này.

Tại gói thầu XL04, ông Lê Tuấn, Giám đốc Liên danh gói thầu cho biết thêm, hiện tại còn thiếu khoảng 600 nghìn m3. Trên phạm vi gói thầu có 2 mỏ đất đắp đang làm thủ tục cấp phép nằm ở huyện Cẩm Mỹ.

Trong đó một mỏ ở xã Long Giao có trữ lượng khoảng 600 nghìn m3, một mỏ có trữ lượng 1,4 triệu m3. Dự kiến mỏ Long Giao sẽ cấp phép trong tháng 1/2022, mỏ còn lại vẫn đang trong quá trình làm thủ tục.

Sớm xử lý “nút thắt” GPMB

Tại dự án Cam Lộ - La Sơn (qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), đến nay trên đoạn tuyến qua Thừa Thiên - Huế vẫn còn vướng mặt bằng cục bộ đoạn qua cây xăng dầu Hưng Phát (Km 80+200 - Km 80+400). Hiện UBND TP Huế đang làm thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt phương án di dời, GPMB.

Cũng giống như một số dự án tại phía Nam, do thiếu vật liệu đất đắp nên nhiều gói thầu không thể đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án Cam Lộ - La Sơn đã triển khai đạt sản lượng trên 70%, tập trung chủ yếu các gói XL01, XL02, XL03, XL08, XL09, XL10 và XL11. Riêng 2 gói XL05, XL06 đoạn qua huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế chậm hơn vì thiếu khoảng 2 triệu m3 vật liệu đất đắp.

Đối với việc đề nghị vị trí đất đổ thải của các Ban QLDA, khi tiếp nhận là tôi yêu cầu các cơ quan chuyên môn tập trung giải quyết. Tôi giao trong vòng 5 ngày để giải quyết xong hồ sơ. Hồ sơ nào đến tỉnh tôi đều xử lý dứt điểm đến đó.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND
tỉnh Thanh Hóa


Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng Điều hành dự án 2, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thông tin, dù thời gian qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có các văn bản chỉ đạo nhưng việc giải quyết đất đắp còn thiếu tại 2 gói thầu XL05 và XL06 vẫn chậm.

Ban đã đề nghị địa phương sớm đẩy nhanh thủ tục, cấp phép mở rộng, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp tại Hiền Sĩ (xã Phong Sơn), Vũng Nhựa (thị trấn Phong Điền) và Động Đá (xã Phong Thu).

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện nay mỏ Động Đá đang làm thủ tục, dự kiến đầu tháng 1/2022 sẽ xong.

Còn đối với Hiền Sĩ, Vũng Nhựa đã đề xuất bổ sung quy hoạch và đã gửi UBND tỉnh, đang chờ HĐND tỉnh họp để quyết định.

Tại Nghệ An, tranh thủ thời tiết hanh khô vào dịp cuối năm, các nhà thầu thi công 2 dự án cao tốc Bắc - Nam là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt đã không ngừng tăng nhân công, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Tuy nhiên, theo Kỹ sư Nguyễn Bá Sỹ - Giám đốc điều hành dự án của nhà thầu Vinaconex tại dự án Nghi Sơn - Diễn Châu cho biết, hiện một số vị trí đường công vụ và tuyến chính còn gặp vướng do chưa GPMB.

Đơn cử như 22 hộ ở xóm 3, xã Diễn Đoài và 24 hộ ở sát QL48 - cầu vượt Diễn Đoài, chưa đồng ý di dời, thường xuyên có hành động cản trở thi công.

Thêm vào đó, vấn đề mỏ đất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. 5 mỏ mới trữ lượng hơn 9 triệu m3 đã được cấp phép khai thác nhưng vì vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên đến nay đất đắp nền đường vẫn vô cùng khan hiếm và đắt đỏ.

Còn tại Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, đại diện Công ty Phúc Thành Hưng (nhà đầu tư dự án) cho biết: Đến nay, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã cơ bản bàn giao xong mặt bằng. Các đơn vị đang tập trung làm đường công vụ và bóc hữu cơ tuyến chính.

Về vấn đề mặt bằng, ông Nguyễn Đức An, Phó giám đốc Sở GTVT kiêm thành viên Ban chỉ đạo bồi thường GPMB tỉnh Nghệ An cho biết, đến nay, nhiều “nút thắt” về mặt bằng đã được giải quyết.

“Số mặt bằng cục bộ chưa giải phóng giờ chỉ còn khoảng 0,2km trong tổng số 87km, tương đương 0,2% (trước là 0,4km). '

Vị trí này nằm ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu. Sau nhiều cuộc tuyên truyền, vận động đến nay các hộ dân ở đã cơ bản đồng thuận với phương án bồi thường GPMB”, ông An cho hay.

Cấp bách tìm bãi đổ thải

img

Đất thải được san gạt sang 2 bên dự án ở gói thầu XL01 thuộc đoạn QL45-Nghi Sơn, hiện vẫn chưa được chuyển đến vị trí đổ thải Ảnh: Phúc Tuấn

Cùng với vấn đề thiếu đất đắp, tại một số công trường cao tốc hiện nay xuất hiện vấn đề khá nan giải, đó là tìm vị trí đổ vật liệu phế thải.

Đơn cử như tại tỉnh Nghệ An, đất bóc hữu cơ đưa đến đâu liền bị người dân ở đó cấm cản vì sợ đưa chất thải tới làm ô nhiễm môi trường sống của họ.

Kỹ sư Nguyễn Kim Quỳnh, Đội trưởng phụ trách thi công mũi số 1 của nhà thầu Vinaconex, Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu lo lắng: “Hiện nay, chúng tôi đã đào đắp nền đường được 1,4/3,3km. Số đất đã bóc phong hóa và đào xử lý nền đất yếu vào khoảng 70 nghìn m3. Tuy nhiên, do chưa có bãi đổ thải nên đang phải đổ tạm sang phần công địa của giai đoạn 2”.

Theo kế hoạch, số đất này sẽ được đưa về bãi đổ thải và 11 vị trí địa phương dự kiến xây dựng nhà văn hóa. Tuy nhiên đường vào bãi thải và các vị trí trên hầu hết là đường làng, đường xóm, xe tải không vào được hoặc vào được thì dân ngăn cản do sợ làm hư hỏng đường sá.

Việc thiếu bãi thải khiến công trường vốn đã chật hẹp nay lại phải để giành một phần diện tích chứa đất thải, gây khó cho thi công.

Thực trạng trên cũng diễn ra tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa. Tổng chiều dài tuyến hơn 100km. Trong đó, đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63,37km nối Ninh Bình - Thanh Hóa; QL45 - Nghi Sơn có chiều dài 43,28km và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km (trong đó có khoảng 6km nằm trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Theo ghi nhận trên tuyến QL45 - Nghi Sơn, hiện các đơn vị đang tập trung bóc lớp phong hóa, đổ cát, san lấp nền đường và thực hiện các công đoạn làm hầm chui, cầu vượt.

Xuyên suốt dọc tuyến đường đi hai bên dự án đều là khối lượng đất, đá thải chưa được vận chuyển.

Đơn cử như tại gói thầu XL01 do Công ty CP Tập đoàn Thành Huy đang thi công hầm chui qua QL45, khối lượng đất lấy từ dưới ruộng lúa lên rất nhiều, vì chưa có vị trí đổ thải nên đơn vị buộc đưa số lượng đất này ra hai bên dự án.

Ông Võ Đại Thạch, Chỉ huy trưởng của Công ty CP Tập đoàn Thành Huy chia sẻ: “Hiện tại đoạn tuyến của công ty đang thi công đã bóc lên khoảng 80 nghìn m3 và đang để tạm 2 bên thuộc giai đoạn 2.

Do chưa có bãi thải nên đơn vị cũng đang thuê 5 vị trí đất trống của người dân sinh sống gần dự án với tổng diện tích 6,5 nghìn m2 để đổ tạm đất thải với giá thuê là 15 nghìn đồng/m2/năm. Sau này có bãi thải thì sẽ chuyển đi”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc quản lý dự án (thuộc Ban QLDA 2) cho biết: Trên toàn tuyến, ước lượng ước lượng đất phải bóc lên khoảng 100 nghìn m3 đất.

Nhu cầu cần đổ thải khoảng 1,5 triệu m3. Ban cùng các đơn vị nhà thầu đã khảo sát và trình xin khoảng 30 vị trí đổ thải. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa mới chấp thuận cho 4 vị trí.

“Mặc dù đã có vị trí đổ thải nhưng do công tác mượn đường vận chuyển khó khăn nên hầu như hiện nay chưa thể chuyển đi”, ông Quỳnh nói.

Còn tại dự án Mai Sơn - QL45, ông Nguyên Văn Long, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long) cho biết: “Trên toàn tuyến, nhu cầu đổ thải ở Ninh Bình là 1 triệu m3, Thanh Hóa là 2,5 triệu m3. Hiện nay mới được chấp thuận gần 2 triệu m3. Việc xin vị trí đổ thải nhiều thủ tục rất phức tạp”, ông Long cho biết thêm.

Nghiên cứu cơ chế khuyến khích nhà thầu làm tốt

Tại kết luận về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, có cơ chế khuyến khích các nhà thầu làm tốt để ưu tiên (trên cơ sở pháp luật cho phép) khi đấu thầu tham gia các dự án tiếp theo.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, cơ chế khuyến khích nhà thầu có năng lực tốt thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và mẫu hồ sơ mời thầu của Bộ KH&ĐT.

Trong đó có tiêu chí cộng điểm ở bước đánh giá kỹ thuật nếu nhà thầu hoàn thành các dự án vượt tiến độ hoặc được khen thưởng.

“Bộ GTVT là cơ quan triển khai, có thể căn cứ quy định hiện hành để lựa chọn nhà thầu và khuyến khích nhà thầu tốt tham gia các dự án tiếp theo”, ông Tiến cho biết.

Trước câu hỏi liệu có áp dụng được cơ chế đặc thù chỉ định thầu đối với nhà thầu có trách nhiệm, uy tín thi công dự án trước cho những dự án tiếp theo thay vì đấu thầu, ông Tiến cho rằng, đây cũng là một giải pháp cần được nghiên cứu.

Theo ông Tiến, thực tế, theo quy định của Luật Xây dựng hiện hành, đấu thầu hay chỉ định thầu, cơ quan có thẩm quyền vẫn phải xây dựng tiêu chí. Nhà thầu tham gia dự án phải đủ điều kiện năng lực (ví dụ: Hạng 1 trở lên mới được tham gia dự án đường cao tốc).

Tuy vậy, công tác đấu thầu có thể sẽ kéo dài thời gian hơn, thậm chí trường hợp không có nhà thầu tham dự hoặc phát sinh tình huống nào đó, tiến độ yêu cầu của dự án sẽ không được đáp ứng, hiệu quả chưa chắc đã cao bằng việc chỉ định thầu.

Tuy nhiên, hiện tại, Bộ GTVT mới đề xuất chỉ định thầu đối với các gói thầu thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, di dời) để phục vụ GPMB nhằm đảm bảo hiệu quả về thời gian thi công các dự án cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025, chưa đặt vấn đề về chỉ định thầu xây lắp.

“Việc chỉ định nhà thầu trong công tác thi công xây lắp phải được Quốc hội thông qua và quyết định cơ chế đặc thù”, ông Tiến nói.

Ông Lê Quyết Tiến cũng lưu ý, những nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực ở thời điểm này không có nghĩa 2 - 3 năm sau họ vẫn “khỏe”. N

ăng lực nhà thầu có thể có sự diễn biến, thay đổi trong trường hợp họ trúng 2 - 3 gói thầu cùng lúc (nhân sự, thiết bị dàn trải) thay vì chỉ thực hiện một gói thầu.

Do đó, đối với các nhà thầu thi công tốt, Bộ GTVT vẫn nghiên cứu, áp dụng những cơ chế khuyến khích, song lựa chọn nhà thầu sẽ phải căn cứ tình hình thực tiễn, từng giai đoạn và đặc thù của từng dự án.

Nam Khánh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.