Hàng không

Giá vé máy bay dịp lễ có bất thường?

Giá vé máy bay lên hay xuống, cao hay thấp là theo cơ chế thị trường, theo quy luật cung cầu cũng như chiến lược bán của các hãng hàng không...

Vé máy bay hạ nhiệt ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 khiến nhiều người bất ngờ. Trong khi doanh nghiệp lữ hành khẳng định điều này là bất thường, ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của người dân, các hãng bay cũng như chuyên gia lại cho rằng, điều này là bình thường, theo nhu cầu thị trường.

Nhiều tour “vỡ trận” vì vé máy bay

img

Việc giá vé máy bay đang ở mức cao nhưng lại đột ngột quay đầu giảm giá ở những ngày cận lễ khiến nhiều người bất ngờ. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Dự định đưa gia đình vào Phú Quốc dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhưng anh Nguyễn Thanh Tùng ở Thanh Xuân, Hà Nội đã phải hủy kế hoạch vào phút chót vì giá vé máy bay tăng quá cao.

Cụ thể, giá vé chặng Hà Nội - Phú Quốc của Vietnam Airlines dao động từ 8,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi; của Vietjet Air và Bamboo Airways từ 7,9 - 8,3 triệu đồng/vé khứ hồi, tăng gần gấp đôi so với thời gian trước đó.

Giá vé máy bay từ TP.HCM tới các điểm đến khác cũng đắt đỏ không kém.

Gia đình chị Đỗ Thu Hà (Tây Hồ, Hà Nội) cũng phải đổi chuyến du lịch đi Nha Trang thành Đồ Sơn, Hải Phòng vì lý do tương tự.

Bởi nếu không gia đình 4 người của chị sẽ phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng cho riêng tiền vé máy bay chưa kể các chi phí khác.

Bà Phạm Thùy Dung, đại diện của Tuấn Dũng Travel - công ty lữ hành hoạt động hơn 20 năm qua ở miền Trung cho biết, do giá vé máy bay tăng cao, khách du lịch thay vì đi xa, đã chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân để tham quan, nghỉ dưỡng ở những địa điểm xung quanh thành phố.

Trong khi đó, một số lượng khách khác, thay vì đi từ Hà Nội vào Nha Trang hay Phú Quốc, đã quyết định đi du lịch ở nước ngoài vì giá vé mềm.

Cũng theo bà Dung, thông thường, chi phí bay chiếm 40-50% chi phí của giá tour, tùy chặng. Tuy nhiên, trước dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua, giá vé máy bay vọt lên tỷ lệ 70% khiến cho cả khách hàng lẫn công ty lữ hành “vỡ trận”.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - CEO AZA Travel, chưa có năm nào giá vé máy bay tăng cao kéo dài như dịp lễ năm nay và đây là điều bất thường. Mặc dù giá bay sau đó có hạ nhiệt song chỉ ít ngày trước kỳ nghỉ lễ nên thị trường trở tay không kịp.

“Hiếm ai đi du lịch, nghỉ dưỡng một mình, mà thường cùng gia đình, bạn bè. Do vậy, để có thể tổ chức một chuyến đi, phải lên kế hoạch, sắp xếp thời gian, rồi đặt vé, đặt khách sạn, nhà hàng… nên việc giảm giá vé máy bay vào phút chót không “cứu” được tour”, ông Đạt nói.

Du lịch Việt thua trên sân nhà

Ông Đạt cũng cho biết, nhiều khách của AZA đã chọn xuất ngoại vì giá cả hợp lý, dịch vụ hấp dẫn. Điều này lý giải vì sao nhiều điểm đến hấp dẫn của Việt Nam như Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng còn trống rất nhiều phòng. “Như vậy, du lịch của chúng ta đã thua ngay trên sân nhà, là một điều rất đáng tiếc”, ông Đạt nói.

Cũng theo ông Đạt, các công ty lữ hành như AZA thiệt hại một phần, dịch vụ du lịch trong nước như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí thiệt hại nhiều phần.

Là một trong số ít những đơn vị đã kịp “ôm” một lượng vé máy bay nhất định, nên không bị ảnh hưởng trong dịp lễ vừa qua, song đại diện của Công ty du lịch Cat Tour Việt Nam thừa nhận, hầu hết các đơn vị còn lại bị động, phải thay đổi kế hoạch cũng ít nhiều tác động đến doanh nghiệp.

Bà Đỗ Chung, đại diện của Công ty CP Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nội (Hanoitour) cho rằng, từ diễn biến dịp 30/4-1/5 vừa qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam cần có những chính sách cụ thể mới có thể kích cầu du lịch, giúp ngành du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi.

CEO AZA Nguyễn Tiến Đạt cũng kiến nghị, Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không, Hiệp hội Du lịch và Hiệp hội Lữ hành cần họp bàn để xác định nguyên nhân và tìm giải pháp cho giá vé máy bay mới có thể giải quyết định vấn đề cốt lõi đối với ngành du lịch.

PV Báo Giao thông đã liên lạc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đặt câu hỏi về giải pháp phát triển thị trường, cách thức phối hợp tiết giảm các chi phí, trong đó có giá vé máy bay. Tuy nhiên, đến nay PV chưa nhận được phản hồi.

“Nhu cầu cao, giá cao là bình thường”

img

Dịp lễ vừa qua, lượng khách đi lại bằng đường hàng không tăng vọt so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa Tạ Hải

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, dịp lễ vừa qua, lượng khách đi lại bằng đường hàng không tăng vọt so với cùng kỳ 2022 (từ ngày 28/4 - 3/5 đạt 1,29 triệu hành khách, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022).

“Kỳ nghỉ lễ kéo dài tới 5 ngày, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì giá cao cũng là điều bình thường. Lúc thấp điểm, ít người đi thì dù muốn hay không hãng hàng không cũng phải giảm giá để kích cầu”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nói. Vị này nhấn mạnh: “Giá vé máy bay lên hay xuống, cao hay thấp là theo cơ chế thị trường, theo quy luật cung cầu cũng như chiến lược bán của các hãng hàng không. Quan trọng nhất là giá vé bán ra vẫn nằm trong khung giá quy định”.

Đồng quan điểm, TS. Bùi Doãn Nề - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho biết, mùa cao điểm, giá vé cao không có gì bất thường. Đây cũng là chiến lược kinh doanh của hãng hàng không.

“Lúc thấp điểm thì ai bù cho họ? Lúc bán vé thấp, chỉ vài trăm nghìn, thậm chí có vé 0 đồng thì không thấy ai kêu vé rẻ quá. Hãng hàng không cũng phải kinh doanh, nỗ lực để có thể làm ăn có lãi”, ông Nề nói và cho biết, trong bối cảnh hiện tại, khi giá nhiên liệu, lãi suất ngân hàng cao, không thể bắt vé máy bay phải rẻ. Như năm ngoái, sở dĩ vé máy bay rẻ là do nhu cầu đi lại chưa quá cao.

Kích cầu du lịch không chỉ bằng giá vé

Phía các hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines thông tin: Dịp lễ 30/4, dù dự báo nhu cầu đi lại sẽ tăng rất cao song Vietnam Airlines vẫn thực hiện chính sách mở bán linh hoạt trong các giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn trước cao điểm, Vietnam Airlines vẫn mở bán rất nhiều mức giá từ thấp đến trung bình. Các mức giá sẽ phụ thuộc theo khung giờ khai thác, đối với các khung giờ chiều muộn vẫn có các mức giá thấp hơn để khách hàng lựa chọn.

Chẳng hạn, trên chặng bay Hà Nội - Phú Quốc tại thời điểm ngày 6/4/2023, mức giá đã bao gồm tất cả các loại thuế phí của Vietnam Airlines cho ngày bay 26/4/2023 chỉ từ 1.299.000 đồng/chặng.

Nếu bay ngày 29/4/2023 - ngày cao điểm nhất, với các chuyến bay chiều muộn vẫn có các mức giá thấp hơn khá nhiều so với các chuyến bay trong khung giờ sáng, trưa. Nếu bay ngày 1/5/2023, đối với các chuyến bay chiều muộn, mức giá chỉ từ 1.955.000 đồng/chặng.

“Khách hàng có thể chủ động lựa chọn giờ bay phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mình”, đại diện Vietnam Airlines nói và nhấn mạnh: Vietnam Airlines cũng như tất cả các hãng trên thế giới đều mở bán theo giải giá từ thấp đến cao với các điều kiện linh hoạt đi kèm. Khi hết chỗ ở mức giá thấp thì khách sẽ phải mua vé ở mức giá cao hơn.

Về việc giá vé máy bay đang ở mức rất cao nhưng lại đột ngột quay đầu giảm giá ở những ngày cận lễ, khác hẳn các khuyến cáo trước nay là mua sớm để được vé rẻ… lãnh đạo Cục Hàng không VN cũng khẳng định “hoàn toàn không có gì bất thường”.

“Sát ngày bay, giờ bay, nếu số ghế còn lại ít, bay giờ chót giá vé sẽ rất cao, thậm chí kịch trần luôn. Nhưng nếu còn nhiều ghế chưa bán được thì giá vé giờ chót lại rẻ”, vị này nói và lý giải: Đặc thù khai thác hàng không là “không thể lưu kho”. Không bán được là mất. Vì vậy, hãng kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Liên quan đến ý kiến cho rằng giá vé máy bay cao sẽ là rào cản phát triển du lịch, TS. Bùi Doãn Nề cho rằng, để phát triển du lịch thì phải xét trên tổng thể, bao gồm cả sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, dịch vụ nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, chính sách visa, cơ chế kích cầu, hỗ trợ của Nhà nước… không chỉ là câu chuyện của giá vé máy bay.

Theo đại diện Vietnam Airlines, trong giai đoạn cao điểm, mức giá của các hãng hàng không giá rẻ cũng không chênh lệch nhiều so với các hãng hàng không truyền thống.

Mức giá trung bình trong các ngày cao điểm nhất năm 2023 của Vietnam Airlines vẫn chỉ tương đương năm 2019.

Mức giá trung bình tính theo km trên đường bay nội địa của Vietnam Airlines vẫn thấp hơn so với giá của một số hãng trên đường bay nội địa của một số nước trên thế giới.

Cụ thể, mức giá/km cao nhất của Vietnam Airlines hạng phổ thông trên đường bay Hà Nội - Phú Quốc là khoảng 0,4 USD/km, trong khi của Thai Airway trên đường bay Bangkok - Phuket là 0,49 USD/km, của China Southern Airlines trên đường bay Bắc Kinh - Quảng Châu là khoảng 2,11 USD/km, của Air France trên đường bay Paris - Bordeaux là 2,82 USD/km.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.