Thị trường

Vì đâu nông dân đem sữa bò đi đổ bỏ?

01/04/2015, 05:56

Từ Tết đến nay, nhiều nông dân nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi (TP HCM) khóc ròng vì sữa ế

42
Hộ gia đình chị Nhung đang vắt sữa bò nhưng chưa biết bán đi đâu

Gia đình chị Hồ Thị Nhung (ấp 11, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) nuôi 40 con bò sữa nhưng hiện chỉ bán được sữa của 9 con bò, khoảng 80 lít sữa/ngày.

“Tôi đã ký hợp đồng bán sữa cho Vinamilk, giá bán 13 nghìn -14 nghìn đồng/lít, nhưng nhà tôi đã bị Vinamilk trừ tiền năm đợt vì bò bị sô ma, giá sữa bán chỉ 8.500 đồng/lít. Có vài đợt, nhà tôi phải đổ bỏ sữa vì Vinamilk không mua. Cứ như thế này, riết rồi nhà tôi chỉ còn cách bán dần đàn bò trả nợ…”, chị Nhung nói.

Hiện huyện Củ Chi có khả năng cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn sữa bò tươi/ngày, nhưng từ Tết tới nay, có 322 hộ nuôi bò ở đây không bán được sữa, trong đó có 200 hộ bị cắt hợp đồng và 122 hộ phát sinh. Một số hộ nuôi bò sữa dưới 10 con nên không đủ số lượng để ký hợp đồng với Vinamilk và FrieslandCampina Việt Nam (FCV), chỉ còn cách đem sữa cho bò, dê uống hoặc đổ bỏ. Đây là thực trạng đang tồn tại ở TP HCM, nơi có hơn 100 nghìn con bò sữa, chiếm gần 55% tổng đàn bò sữa trên cả nước.

Ông Nguyên Văn Cảm, Phó phòng Kinh tế huyện Củ Chi xác nhận, từ đầu năm 2015, hai công ty Vinamilk và FCV đã thay đổi cách mua sữa tươi theo quy định mới, nghiêm ngặt hơn, giảm thưởng. “Quy định mới của các công ty sữa đưa ra đột ngột đã gây khó cho người chăn nuôi như: Chất béo phải từ 3,5% lên 3,6%, vật chất khô, tổng tạp trùng hay tế bào sô ma… khó đạt được trong thời gian ngắn”, ông Cảm nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Thanh Tuấn, Trưởng ban Đối ngoại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, các quy định thu mua sữa mới đã được thông báo tới nông dân. Như từ năm 2014, Vinamilk đã thông báo tới năm 2015, sẽ kiên quyết cắt hợp đồng với những người vắt sữa thuê, tức những hộ chăn nuôi xưa nay cứ phó mặc hoàn toàn việc vắt sữa và tiêu thụ sữa cho người vắt sữa thuê, tức là các hộ nuôi bò phải làm hợp đồng trực tiếp với công ty. “Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân nuôi bò sữa chưa từng đến trạm thu mua sữa nên đã không nắm được thông tin này; còn những người vắt sữa thuê giấu nhẹm thông tin không báo cho người nuôi bò”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành sữa, sở dĩ gần đây có việc doanh nghiệp sữa giảm thu mua của nông dân là do nguyên liệu sữa bột thế giới giảm mạnh, các doanh nghiệp tăng dùng sữa bột làm nguyên liệu đầu vào để hưởng lợi nhuận cao. “Sữa nước được pha từ sữa bột hiện giá chỉ khoảng 6.300- 6.500 đồng/lít, sữa bột lại dễ bảo quản, có thể chế biến nhiều sản phẩm sữa. Còn giá mua sữa tươi trong nước của nông dân ở mức 13.500 đồng/lít, nên các doanh nghiệp sữa thích mua sữa bột hoàn nguyên để hưởng lợi nhuận cao”, chuyên gia này nói.

“Nếu nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà nông kết hợp với nhau, sẽ không xảy ra chuyện xót lòng là sữa cho trẻ con uống không có, mà sữa bò tươi phải đổ cho bò, cho dê ăn, rồi đổ ra vườn, ra đường…”, ông Hồ Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) ngậm ngùi. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.