Thể thao

Vì sao cầu thủ đua nhau ra tự truyện?

22/02/2015, 12:01

Một vài năm gần đây, tự truyện có thể được coi là một trào lưu trong thế giới bóng đá.

331
Roy Keane và cuốn tự truyện mới xuất bản năm 2014

Nhà nhà tự truyện, người người tự truyện

Thực ra, việc sao bóng đá viết tự truyện chẳng phải là chuyện mới và nó đã hình thành cách đây chừng hơn chục năm và Tony Adams, Jaap Stam, Ashley Cole được coi là những người mở màn. Tuy nhiên, phải tới một vài năm gần đây, tự truyện có thể được coi là một trào lưu trong thế giới bóng đá.

Tuy không mạnh mẽ như trào lưu “tự sướng” nhưng tự truyện cũng có sức ảnh hưởng to lớn tới đời sống bóng đá. Từ những ngôi sao hàng đầu như: Ronaldo, Messi, Ibrahimovic, HLV Alex Ferguson, Pep Guardiola, Roy Keane, Kun Aguero, Neymar, Rio Ferdinan, Steven Gerrard, Wayne Rooney… đến những ngôi sao làng nhàng cỡ Friedel, Balotelli hay cả những nàng WAGs như Victoria Beckham đều đua nhau viết tự truyện.

Mỗi người mỗi vẻ nên nội dung những cuốn tự truyện của các sao bóng đá cũng vì vậy mà khá nhiều màu sắc. Tuy nhiên, tự truyện của sao bóng đá vẫn chủ yếu đi theo lối mòn là ôn nghèo kể khổ, viết về những thâm cung bí sử ở các CLB và số ít dùng để gây sốc, công kích người khác kiểu cuốn “The Second Half” của Roy Keane xuất bản năm 2014 hay cuốn “Tôi là Zlatan” của Ibrahimovic xuất bản năm 2011.

Roy Keane mượn tự truyện để nói về mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa anh và Sir Alex. Cựu cầu thủ Quỷ đỏ cũng ám chỉ rằng, chính Sir Alex đã ngấm ngầm lên kế hoạch đẩy anh khỏi Old Traffood. Trong khi đó, Ibra lại kể về quãng thời gian thi đấu tại Barca và đã bị HLV Pep Guardiola “làm hỏng phẩm chất” của mình. Ibra cũng không ngừng châm biếm những đồng đội cũ như Messi, Iniesta hay Xavi chỉ như là những cậu bé.

Tự truyện “nhan nhản” là vậy nhưng không phải cuốn nào cũng thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ. Lẽ dĩ nhiên, những tự truyện kiểu “đều đều” như cuốn “Totally Frank” của Frank Lampard hay cuốn “My Defence” của Ashley Cole chắc chắn không thể bán chạy bởi nó chỉ xoay quanh những vấn đề cực kỳ cũ kỹ như tình yêu với CLB hay việc nỗ lực thi đấu ra sao. Ngược lại, những tự truyện có sự kịch tính và tò mò cao như của Sir Alex, Roy Keane hay Ibra đều “đắt như tôm tươi”.

Con gà tức nhau tiếng gáy

Giới cầu thủ và kể cả huấn luyện viên chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng viết lách. Vậy nên đa phần những cuốn tự truyện đều được các ngôi sao thuê người chấp bút. Rio Ferdinand, Steven Gerrard, Ashley Cole, Frank Lampard và Wayne Rooney giao phó “đứa con tinh thần” của mình cho những cây bút như Shaun Custis, Henry Winter, Paul Joyce, Steve Dennis, Ian McGarry và Hunter Davies. Tự truyện của Gerrard thậm chí còn được tạo nên bởi sự kết hợp giữa hai cây viết tài năng Winter và Joyce. Câu hỏi đặt ra là tại sao những ngôi sao bóng đá lại thích “dấn thân” vào lĩnh vực không phải là sở trường?

Con gà tức nhau tiếng gáy có lẽ là các giải thích hợp lý nhất trong trường hợp này. Ví như việc Neymar ra tự truyện hồi tháng 2/2013 khiến Messi rất nóng mắt. Chẳng chịu thua kém người đồng đội trẻ tuổi, trước kỳ World Cup 2014, Messi cũng đã cho xuất bản cuốn tự truyện cho riêng mình. Hay như việc Frank Lampard và Steven Gerrard ra tự truyện cũng nằm trong kế hoạch nâng cao vị thế của mình so với đối thủ. Nguyên nhân nữa thôi thúc sao bóng đá viết tự truyện đó là để “trả đũa” đối thủ mà Roy Keane là một trong số đó.

Trong cuốn tự truyện My Autobiography (tạm dịch: “Cuốn tự truyện của đời tôi”) của Sir Alex, Roy Keane trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng. Nhà cầm quân người Scotland cho rằng, Keane luôn tìm cách áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, không tôn trọng huấn luyện viên cùng đồng đội. Thế nhưng, trong cuốn “The Second Half”, Roy Keane lại huỵch toẹt rằng, Sir Alex là kẻ dối trá và kể ra hàng loạt chi tiết chứng minh chính mình mới là nạn nhân của những trò độc tài của vị thuyền trưởng huyền thoại.

Tất nhiên, ngoài những mục đích trên, các ngôi sao sân cỏ cũng hy vọng rằng, việc bán sách sẽ thu về cho họ một khoản tiền kha khá. Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, cầu thủ không cần số tiền từ nguồn thu bán sách nhưng rõ ràng những khoản này cũng chẳng hề nhỏ. Cuốn tự truyện của Sir Alex trong hai năm ra mắt thu về số tiền khổng lồ lên tới 10 triệu bảng (800 ngàn cuốn). Ronaldo cũng thu về khoảng 6 triệu bảng còn Messi đút túi chừng 5 triệu bảng. Những ngôi sao còn lại tùy theo độ “hot” cũng kiếm được số tiền không hề nhỏ.

Với chừng ấy lợi ích, không khó để dự đoán tự truyện trong thế giới bóng đá sẽ vẫn là một câu chuyện dài. Tuy nhiên, thay vì những cuốn tự truyện mang nặng màu sắc của những tay viết nổi tiếng, các ngôi sao túc cầu nên đích thân chấp bút để có được sự chân thực nhất. Hơn nữa, cũng không nên dùng tự truyện để mạt sát người khác bởi như vậy những ngôi sao này chỉ tự biến mình thành những kẻ lố bịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.