Thị trường

Vì sao chưa điều chỉnh giá bán điện?

15/06/2021, 18:23

Vào mùa nắng nóng, nhiều người đặt câu hỏi “vì sao chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện” dù đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ tháng 8/2020 ...

img

Nắng nóng khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt.

Vẫn tiếp tục xem xét thời điểm sửa biểu giá điện bậc thang

Vào mùa nắng nóng, câu chuyện hóa đơn tiền điện tăng cao lại nóng theo. Nhiều người đặt câu hỏi “vì sao chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện” dù đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ tháng 8/2020 và dự kiến áp dụng từ năm 2021 để thay thế cho biểu giá điện 6 bậc hiện nay...

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường.

Theo Thứ trưởng Hải, Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ đạo hoàn thiện chính sách giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ này chủ trì sửa đổi các quy định tại Quyết định số 28 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo phù hợp thực tế tiêu dùng điện của người dân và cũng đã được thực hiện vào các năm 2018, 2020.

Tuy nhiên, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ giá bán lẻ trong kinh doanh sang sản xuất sẽ làm tăng giá bán cho ngành sản xuất.

Bên cạnh đó, việc cải tiến điều chỉnh số bậc thang của khách hàng sinh hoạt sẽ làm tăng giá của một nhóm khách hàng sinh hoạt để đảm bảo cân đối giá bán lẻ điện bình quân chung.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 28.

Sau đó, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021, khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi...

"Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất phương án phân bổ chi phí cho các nhóm khách hàng, đánh giá tác động của phương án đến các nhóm khách hàng tiêu thụ điện so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành...", Thứ trưởng Hải nêu.

img

Có nhiều kiến nghị về việc nên điều chỉnh 6 tháng/lần, hoặc 3 tháng/lần hoặc tích cực hơn là 1 tháng/lần...

“Nếu giữ giá điện quá lâu....người tiêu dùng khó chấp nhận”

Góp ý về thời gian điều chỉnh giá điện bán lẻ GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam chia sẻ: Về khoảng thời gian điều chỉnh, từ trước đền giờ chúng ta đã nói nhiều nhưng chưa điều chỉnh được.

"Ở rất nhiều hội thảo, có nhiều kiến nghị về việc nên điều chỉnh 6 tháng/lần, hoặc 3 tháng/lần hoặc tích cực hơn là 1 tháng/lần...

Nhưng theo tôi, chu kỳ điều chỉnh thường xuyên quá cũng bất lợi do phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất của bên sản xuất và tiêu dùng. Hợp lý là khoảng 3-6 tháng”, GS Long bày tỏ.

Theo ông Long, với quyền quyết định việc điều chỉnh, trước đây có quyết định từ phía Chính phủ rằng: Nếu biên độ dưới 5% thì Bộ Công thương – đơn vị quản ngành điện có quyền xem xét phê duyệt. Còn nếu hơn 5%, thì Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt.

Tuy nhiên, chỉ mới nói chứ chúng ta chưa làm. Chưa bao giờ có chuyện ngành điện hoặc Bộ Công thương thay đổi giá điện trong biên độ 5% vì yếu tố đầu vào thay đổi.

Vì thế, theo ông Long, trước mắt nên thực thi chu trình điều chỉnh là 6 tháng. Sau này tiến đến 3 tháng.

"Nếu chúng ta giữ giá điện quá lâu, trong khi những yếu tố đầu vào thay đổi thì sau đó dù muốn dù không chúng ta vẫn phải đuổi để bắt được với biến đổi kinh tế - xã hội. Bước nhảy lần điều chỉnh sau lớn và người tiêu dùng sẽ khó chấp nhận”, ông Long góp ý.

Trong khi đó, nói chi tiết hơn về công tác điều hành giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, giá bán điện được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương điều hành theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, giá bán điện được tính toán từ các thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).

Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá điện được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan các thông số đầu vào của tất cả các khâu nêu trên và phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính toán vào giá bán điện các năm trước để xác định giá bán điện hiện hành.

Trường hợp nếu có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và có các khoản chi phí khác chưa được tính toán vào giá điện các năm trước dẫn đến làm tăng giá bán điện thì việc điều chỉnh giá điện chỉ được thực hiện khi mức tăng từ 3% trở lên.

Còn nếu biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện các năm trước đã được xử lý dẫn đến làm giảm giá điện thì EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện ở mức tương ứng.

Sẽ luật hóa việc điều hành giá điện

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, đưa ra một trong các giải pháp về phát triển ngành điện là luật hóa việc điều hành giá điện.

Vì thế, Bộ Công thương đang khẩn trương xin ý kiến các bộ ngành, các địa phương về tổng kết công tác thực hiện Luật Điện lực năm 2012, đánh giá toàn diện các hoạt động điện lực, trong đó có công tác điều hành giá điện.

Trên cơ sở đó, sẽ kiến nghị đề xuất Quốc hội để triển khai sửa đổi Luật Điện lực theo hướng sẽ luật hóa việc điều hành giá điện.

Nhà nước điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, ban hành các chính sách an sinh xã hội phù hợp và điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, các quỹ…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.