Hồ sơ tài liệu

Vì sao chứng khoán Trung Quốc hỗn loạn?

06/01/2016, 08:20

Thị trường chứng khoán Trung Quốc chào năm mới bằng sự hỗn loạn tới mức phải tự động ngắt giao dịch...

 

1 Thị trường chứng khoán Trung Quốc biến động gây
Thị trường chứng khoán Trung Quốc biến độnggây ảnh hưởng toàn cầu.

Đua nhau giảm theo

13h13 ngày 4/1 - ngày giao dịch đầu tiên của năm mới, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã ngừng trong 15 phút do chỉ số CSI300 giảm 5%. Các giao dịch được nối lại lúc 13h28, nhưng ngay lập tức lại giảm thêm 2% và chỉ 7 phút sau, các hoạt động giao dịch trong ngày tự động ngắt. Vào lúc đóng cửa giao dịch, chỉ số tổng hợp tại Thượng Hải giảm 6,85%, trong khi tại Thâm Quyến giảm 8,16%.

Đà sụt giảm vẫn tiếp tục kéo sang ngày 5/1. Theo đó, lúc 9h26 sáng qua, chỉ số CSI300 (gồm cổ phiếu các công ty có vốn hóa lớn niêm yết trên cả hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến) giảm 2,5% xuống còn 3.328,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite mở cửa hạ 3% xuống 3.196,65 điểm.

Sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc được cho là do chỉ số sản xuất của Trung Quốc trong tháng 12 vừa qua yếu hơn dự kiến và là tháng thứ 5 giảm liên tiếp, trong khi đồng NDT rớt giá so với đồng USD. Điều này đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền trên các thị trường khác.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trong ngày 4/1 giảm 1,7%, xuống còn 129,69 điểm. Kết thúc phiên sáng, chỉ số Topix của Nhật Bản giảm hơn 3%, Kospi của Hàn Quốc giảm 1,4% và Straits Times của Singapore cũng giảm 1,6%. Sang ngày 5/1, chứng khoán châu Á vẫn trồi sụt thất thường.

Chỉ số SP/TSX của thị trường chứng khoán Toronto (Canada) giảm 82,80 điểm xuống còn 12.927,15 điểm. Chứng khoán Mỹ cũng chìm trong sắc đỏ chỉ sau 15 phút mở cửa. Chỉ số Dow Jones giảm 1,6%, xuống còn 17.148,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,5%, xuống còn 2.012,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,1%, xuống còn 4.882,87 điểm.

“Cơ chế tự ngắt” bất cập

Động thái ngừng giao dịch liên quan tới "cơ chế tự ngắt” được áp dụng nhằm kiềm chế sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán. Cơ chế này theo dõi chỉ số CSI300. Theo đó, khi chỉ số này tăng hoặc giảm 5%, sẽ dừng giao dịch trong 15 phút và nếu giảm trên 7%, dừng giao dịch trong ngày.

Thị trường lo sợ sắp tới sẽ dỡ bỏ quy định cản trở các cổ đông bán ra. Áp lực sẽ tiếp tục đè nặng trong những ngày tới”.

Ông Zhang Gang, nhà phân tíchcủa Central China Securities

"Cơ chế tự ngắt" là nỗ lực mới nhất giới chức Trung Quốc tung ra để kiềm chế biến động của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, không giống "cơ chế tự ngắt" phổ biến trên các thị trường khác, ngưỡng mà Trung Quốc đưa ra là quá thấp. Ở Mỹ, sàn New York và Nasdaq sẽ ngừng giao dịch trong 15 phút nếu chỉ số S&P 500 giảm 7% và sẽ đóng cửa sớm nếu mức giảm lên đến 20%.

Các nhà phân tích cho rằng, cơ chế tự ngắt của Trung Quốc có nhiều điểm bất cập khi làm giảm mức độ thanh khoản, khiến giá biến động quá nhanh và quá mạnh. Zhang Gang, chiến lược gia đến từ Công ty Chứng khoán Central China Securities cho rằng: “Cơ chế mới làm tăng áp lực bán ra và gây tâm trạng hoảng loạn khi chỉ số gần chạm đến ngưỡng vì nhà đầu tư vẫn chưa quen với nó. Cú lao dốc hôm qua sẽ được các nhà đầu tư định chế nhìn nhận là một cơ hội mua vào rất tốt, đặc biệt là đối với các cổ phiếu blue chip”. Trước khi mở cửa ngày 5/1, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) khẳng định sẽ cải thiện bộ máy hoạt động của "cơ chế tự ngắt”.

Nhiều quan chức khu vực châu Á bày tỏ sự lo ngại về thị trường bất ổn. Theo Reuters, Bộ Tài chính Hàn Quốc khẳng định, Chính phủ nước này sẽ thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường khi cần thiết. Trang CNN Money dẫn lời các nhà phân tích quốc tế nhận định, tình hình kinh tế Trung Quốc vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với các thị trường chứng khoán trong năm 2016.

5 tỷ phú mất 8,7 tỷ USD

Năm tỷ phú giàu nhất thế giới đã mất 8,7 tỷ USD sau khi chứng khoán Trung Quốc “đóng băng” hôm 4/1.

Người sáng lập Tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon - tỷ phú Jeff Bezos thiệt hại nhiều nhất - mất 3,7 tỷ USD khi cổ phiếu tụt giá 5,8%. Tài sản ròng của ông Jeff hiện là 56 tỷ USD. Kế tiếp, ông chủ Tập đoàn thời trang Zara của Tây Ban Nha - ông Amancio Ortega bị “móc túi” 2,5 tỷ USD khi cổ phiếu giảm 3,5%.

Tài sản ròng của ông Ortega hiện là 70,4 tỷ USD. Giám đốc điều hành Tập đoàn Berkshire Hathaway - Warren Buffett, tỷ phú Mexico Carlos Slim và người đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft Bill Gates mất tổng cộng 2,5 tỷ USD. Bloomberg ước tính, tổng cộng 400 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 82,4 tỷ USD chỉ trong ngày 4/1.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.