Trong nước

Vì sao ít HLV ngoại thành công ở V-League?

30/10/2017, 10:05

V-League, giải đấu số 1 Việt Nam từng đón nhiều nhà cầm quân ngoại đến thử sức nhưng rất ít trong số đó...

13

HLV Ljupko Petrovic

Ngoại chưa chắc đã tốt

Đầu mùa giải 2017, FLC Thanh Hóa gây tiếng vang lớn khi thuyết phục thành công HLV Ljupko Petrovic về làm việc. So với những HLV ngoại trước đó, ông Petrovic nổi bật hơn cả với thành tích từng vô địch Cúp C1 (tiền thân của Champions League) cùng Sao Đỏ Beograd vào năm 1991 và kinh nghiệm qua rất nhiều nền bóng đá khác nhau. Lãnh đạo FLC Thanh Hóa kỳ vọng vị thuyền trưởng người Serbia có thể giúp đội bóng này “hóa rồng” ở V-League 2017.

Thế nhưng, sau giai đoạn đầu thi đấu khá thành công, FLC Thanh Hóa của HLV Petrovic đang có dấu hiệu đi xuống. Đáng nói hơn, sự sa sút của đội bóng xứ Thanh lại đến đúng vào thời điểm mùa giải gay cấn, kịch bản họ từng đối mặt vài mùa gần đây. HLV Petrovic từ chỗ được ca ngợi nhờ phong cách cầm quân khoa học, nhanh nhạy lại trở thành tâm điểm của sự bối rối khi lâm trận, thể hiện rõ nhất qua những phát ngôn thiếu kiềm chế. Trên lý thuyết, FLC Thanh Hóa vẫn còn nguyên cửa vô địch nhưng nếu cứ chơi như thời gian qua, chỉ có phép màu mới giúp đại diện Bắc miền Trung lên ngôi.

Tại V-League 2017, ngoài FLC Thanh Hóa, TP.HCM cũng dùng thày ngoại là HLV Alain Antoine Fiard, người Pháp. Tuy vậy, dấu ấn của ông Fiard còn mờ nhạt hơn khi TP HCM thi đấu quá phập phù, thiếu đường nét và nhiều khả năng ông sẽ phải ra đi khi mùa giải hạ màn. Lật lại hồ sơ, việc các nhà cầm quân nước ngoài gặp khó khăn khi hành nghề tại V-League chẳng phải chuyện hiếm.

Ngoài HLV Henrique Calisto của Đồng Tâm Long An (nay là Long An) và Arjan Somgamsak của Hoàng Anh Gia Lai từng đưa đội bóng dưới quyền “lên đỉnh”, số còn lại đều thất bại. Có thể kể ra đây một vài cái tên như: Alfred Riedl, David Booth, Luciano de Andrew (K.Khánh Hòa), Ken Morton (SHB Đà Nẵng), Alberto (Hải Phòng), Nam De Sik, Cho Yoon Hwan (B.Bình Dương), Mauricio Luis (Hà Nội ACB), Vital (Đồng Tâm Long An, Ngân hàng Đông Á)…

Không thành công vì... chuyên nghiệp

Theo HLV Triệu Quang Hà, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc HLV ngoại kém thành công ở môi trường bóng đá Việt Nam. Thứ nhất, HLV nước ngoài thường rất chuyên nghiệp. Trong khi đó, cầu thủ Việt Nam lại kém chuyên nghiệp, từ đó dẫn đến va nhau. Cộng thêm sự khác biệt văn hóa, cầu thủ nội và HLV ngoại khó tạo ra được sợi dây liên kết trong đội bóng. Thứ hai, với HLV ngoại, rào cản ngôn ngữ khiến họ không thể gần gũi, truyền đạt thông tin tốt nhất tới cầu thủ và không thể hiểu rõ các cầu thủ nên từ đó khó có cái nhìn toàn diện, chính xác nhất về sức mạnh CLB mình đang dẫn dắt.

Trong khi đó, HLV Phan Thanh Hùng lại cho rằng, việc HLV ngoại gặp khó khăn tại V-League 2017 là do tự bản thân họ kém thích nghi và kém vận dụng triết lý bóng đá của mình vào môi trường bóng đá Việt Nam. “HLV ngoại được hưởng chế độ tốt hơn HLV nội, được tạo điều kiện nhiều hơn nên theo lý phải thành công hơn. Nhưng họ mang đến Việt Nam sự cứng nhắc. Cầu thủ Việt Nam không thể chạy theo giáo án của Tây nên triết lý bóng đá của họ cũng khó áp dụng cho đội bóng. Như vậy, dễ đẩy đội bóng vào trình trạng mất phương hướng”.

Bên cạnh đó, theo thuyền trưởng T.Quảng Ninh, các đội bóng ở V-League vẫn chưa hướng đến việc làm bóng đá bền vững, chạy theo thành tích nên việc sa thải HLV khi CLB không có thành tích tốt là điều bình thường. “HLV ngoại họ giỏi nhưng họ cần nhiều thời gian để có thể thích nghi và hòa nhập nhưng các đội bóng không cho họ thời gian”, HLV Phan Thanh Hùng nói.

Cũng dưới góc nhìn hòa nhập, chuyên gia Trịnh Minh Huế phân tích, sở dĩ HLV ngoại chật vật khi dẫn dắt các đội bóng Việt Nam là bởi bóng đá Việt Nam không thật. “V-League của chúng ta đá thật không? Một ông chủ vài đội bóng thì dù anh có nói thế nào cũng chẳng ai tin không tồn tại tình nghĩa hay nhường điểm. Trong môi trường như vậy, HLV ngoại đương nhiên khó thích nghi, bởi họ làm bóng đá thật và chỉ quan tâm tới vấn đề chuyên môn”, ông Huế nói.

Ngoài ra, ông Huế còn khẳng định, các HLV ngoại tuy được hưởng chế độ tốt nhưng dễ bị đem ra làm “vật tế thần”. Cụ thể như việc HLV Petrovic bị phạt vì phát ngôn chưa đúng mực, nhưng trước đó quyền Chủ tịch CLB TP HCM Lê Công Vinh hay Chủ tịch CLB Quảng Nam Lê Nguyên Hồng đều không bị phạt. Ở cấp độ đội tuyển, HLV Toshiya Miura bị sa thải dù ai cũng biết thất bại của ĐT Việt Nam, U23 Việt Nam không hoàn toàn do lỗi của ông. “Việc phải đối diện với sự thiếu chuyên nghiệp từ các nhà tổ chức, quản lý cũng khiến HLV ngoại khó làm việc”, ông Huế chốt lại vấn đề. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.