Thời sự Quốc tế

Vì sao Mỹ khó thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu?

Ông Biden sẽ tìm cách thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu để hạ giá nhiên liệu trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ cao nhất 4 thập kỷ qua.

Ngày 15/7, ông Joe Biden sẽ có chuyến thăm Saudi Arabia đầu tiên với tư cách Tổng thống Mỹ. Các địa điểm khác trong chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của ông Biden với tư cách Tổng thống Mỹ còn có Israel, khu Bờ Tây.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn còn khả năng tăng sản lượng dầu mỏ dù có thông tin từ Saudi Arabia và UAE cho biết họ khó có thể làm như vậy.

“Chúng tôi sẽ truyền đạt quan điểm tổng thể… rằng cần phải có đủ nguồn cung trên thị trường toàn cầu để bảo vệ nền kinh tế thế giới và người tiêu dùng Mỹ”, ông Sullivan nói.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh - AFP

Quan hệ giữa Mỹ- Saudi Arabia khá căng thẳng vì chính quyền Tổng thống Biden có thái độ khá gay gắt với Saudi Arabia liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018.

Nhưng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Nga. Giá dầu đã được đẩy lên tới mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Lạm phát tại Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ, đặt ra áp lực đối với Tổng thống Biden trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra tại Mỹ vào tháng 11 tới.

Nhà phân tích độc lập Stephen Innes cho rằng khó có khả năng Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng dầu mỏ.

Bởi nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ của Saudi Arabia đã tăng trưởng 9,6% trong quý đầu năm, mức tăng cao nhất trong một thập kỷ. Giá dầu đang ở mức cao, dù có hạ xuống trong thời gian gần đây, đã giúp các quốc gia Trung Đông tăng doanh thu.

Do đó, nhà phân tích Walid Koudmani cho rằng có thể Saudi Arabia không tăng sản lượng dầu mỏ vì động cơ kinh tế.

Saudi Arabia từng khẳng định đang sản xuất dầu mỏ ở mức gần như tối đa. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan cho biết quốc gia này đã “làm tất cả những gì có thể” cho thị trường dầu mỏ. Theo ông Faisal bin Farhan, ngành công nghiệp dầu mỏ của Saudi Arabia cần tăng năng lực lọc dầu thay vì chỉ đơn giản bán dầu thô.

Một lý do khác có thể ngăn trở mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia là Iran.

Liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đang thực hiện hoạt động quân sự tại Yemen để chống lại lực lượng Houthi - được cho là do Tehran hậu thuẫn.

Trong khi đó, Mỹ đang muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi năm 2018.

Để làm được, khả năng Mỹ sẽ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran, mở đường cho các thành viên OPEC khôi phục xuất khẩu dầu mỏ ở công suất cao nhất. Các nhà đàm phán của Mỹ và Iran đã tổ chức nhiều cuộc gặp trực tiếp tại Qatar hồi tháng 6 nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Theo nhà phân tích Koudmani, đã có nhiều lần các bên gần như đạt được thỏa thuận hạt nhân, đặc biệt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine nhưng sau đó lại không đi đến kết quả vượt bậc. Có thể phía Mỹ sẽ phải lựa chọn từ bỏ việc đàm phán thỏa thuận với Iran nếu nhận được đảm bảo tăng sản lượng dầu mỏ từ Saudi Arabia sau chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Biden tới đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.