Điện ảnh

Vì sao phim đề tài học đường thành công?

10/08/2017, 10:15

Sau một thời gian dài “khô hạn” với đề tài về giới học đường, điện ảnh Việt đã bắt đầu có những biến chuyển...

22

Phim “Cô gái đến từ hôm qua” thu hút khán giả bằng sự nhẹ nhàng, thơ mộng của tuổi học trò

Đánh trúng tâm lý khán giả

Chỉ trong 4 tháng, điện ảnh Việt liên tiếp đón chào 3 bộ phim mang màu sắc của tuổi học trò được ra mắt. Thành công vang dội của Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thành Sơn) với doanh thu kỷ lục 169 tỷ đồng, Cô gái đến từ hôm qua của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng đang mang về 50 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày công chiếu. Cho đến thời điểm hiện tại, phim vẫn chiếm ưu thế tại các cụm rạp với số lượng 5-6 suất chiếu mỗi ngày. Trong khi đó, bộ phim đầu tay của cặp vợ chồng diễn viên Văn Anh - Tú Vi là Đời cho ta bao lần đôi mươi có phần im ắng hơn nhưng cũng nhận được những đánh giá khả quan của khán giả nhờ sự chỉn chu và không khí ấm áp.

Nhìn vào sự thành công trên, đều thấy một mô tuýp nội dung mô tả về những tháng năm, tình cảm của tuổi học trò. Nhất là trong bối cảnh điện ảnh Việt bùng nổ những bộ phim đa dạng đề tài kinh dị, võ thuật… thì phim học đường như một nốt chấm trong trẻo, giải tỏa “cơn khát” phim dành cho lứa tuổi thiếu niên và những người vừa bước qua lứa tuổi này. Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, việc các phim này ăn khách, tạo doanh thu cao nhờ phát hành vào mùa hè - thời điểm học sinh được nghỉ học, là một yếu tố thuận lợi cho việc bán vé. Cùng đó, phim không chỉ có màu sắc học đường, nó còn chạm được đến trái tim của giới trẻ, cho họ cảm giác đặc biệt. Em chưa 18 đã tạo được sự đồng cảm với câu chuyện của số đông, khiến ai xem cũng có thể thấy mình trong đó.

Diễn viên Văn Anh nhìn nhận, những bộ phim này được yêu thích một phần nhờ có xu hướng đón đầu, chiếu vào thời điểm phim dành cho học trò quá ít. Trong khi số đông khán giả đi xem phim tại rạp đều thuộc lứa tuổi học sinh, sinh viên. Anh tiết lộ, từ giờ tới cuối năm nay, điện ảnh Việt sẽ còn chào đón thêm nhiều dự án phim về lứa tuổi thanh thiếu niên chuẩn bị ra mắt.

Chỉn chu, trọn vẹn

Có thể nói, yếu tố quyết định cho sự thành công của các bộ phim trên chính là chất lượng, là sự chỉn chu mà đạo diễn chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình. Không được PR rầm rộ, không diễn viên ngôi sao nhưng Đời cho ta bao lần đôi mươi được đánh giá là một bộ phim điển hình cho tuổi thanh xuân, tinh khôi. Câu chuyện nhẹ nhàng của tình bạn với những buồn vui, hờn giận, yêu ghét khiến ai xem phim cũng như thấy được hình ảnh của mình đâu đó với bạn bè. Phim được thực hiện trong suốt 2 năm với nhiều lần chỉnh sửa kịch bản. Văn Anh chia sẻ, anh không mong bộ phim sẽ cháy vé mà chỉ mong hòa vốn, bởi đây là bộ phim đầu tay anh đứng vai trò đồng đạo diễn với Huỳnh Tuấn Anh - từng đạo diễn phim Lô Tô.

Trong khi đó, để thực hiện bộ phim Em chưa 18, đạo diễn Lê Thanh Sơn và nhà sản xuất Charlie Nguyễn đã phải đi thực tế tới những ngôi trường trung học quốc tế để tìm hiểu về đời sống, lắng nghe những chia sẻ của các bạn trẻ về thế hệ của họ, về những điều họ đang trải qua. Có lẽ vì sự chăm chút ấy, kịch bản phim dù không quá xuất sắc với những tình huống dễ đoán, nhưng câu chuyện trên phim lại gần gũi với khán giả thời hiện đại. Các diễn viên cũng thể hiện tròn vai của mình với những tuyến cá tính riêng được xây dựng. Đạo diễn Charlie Nguyễn nhìn nhận, những tình tiết gây cười là đều do câu chuyện của nhân vật trong phim chứ không phải do diễn viên gây hài. Bản thân anh hài lòng với sự trọn vẹn và chỉn chu của phim.

Nếu Em chưa 18 phù hợp với lứa tuổi thiếu niên thời hiện đại thì Cô gái đến từ hôm qua gây được chú ý bởi kịch bản được chuyển thể từ tập truyện ăn khách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Với bối cảnh diễn ra vào thập niên 90, ê-kíp đã phải lặn lội tìm những bối cảnh suối nước, rừng cây với địa hình hiểm trở để đảm bảo tiêu chí sẽ có những cảnh quay mới lạ, chưa từng xuất hiện ở đâu trên phim. “Những tinh thần của truyện đã được truyền tải một cách tinh tế, đồng thời lại có những sáng tạo riêng của nhà làm phim”, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng nhận xét.

Đạo diễn Charlie Nguyễn nhấn mạnh, thực tế những bộ phim thành công hầu hết đều nhờ kịch bản, câu chuyện và khả năng kể chuyện của đạo diễn để mang lại cảm xúc cho khán giả. Công nghệ hay kỹ xảo chỉ là phương tiện để kể lại câu chuyện, nếu xử lý khéo thì bộ phim sẽ đẹp, chỉn chu và có tính thuyết phục hơn chứ không thực sự đóng góp phần lớn về khả năng thành công của phim. Hơn nữa, công nghệ cũng là điều buộc phải đòi hỏi ở tất cả các phim nếu muốn làm tốt”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.