Hồ sơ tài liệu

Vì sao Trung Quốc sợ điều tra nguồn gốc Covid-19?

18/05/2020, 06:40

Chính quyền Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ khi các nước yêu cầu điều tra về nguồn gốc Covid-19 và chấp nhận xung đột về thương mại.

img
Nhiều nước phương Tây đặc biệt là Mỹ nghi ngờ Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc

Gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19, vì nhiều lý do và động cơ khác nhau, các nước/khu vực như Mỹ, Australia và châu Âu đang gây áp lực lên Trung Quốc, yêu cầu tổ chức cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus này. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ, chấp nhận xung đột về thương mại trước các lệnh trừng phạt trả đũa. Vì sao vậy?

Lo ngại hình ảnh quốc gia

Báo Bưu điện Hoa Nam dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ Trung Quốc khăng khăng bác bỏ yêu cầu từ các quốc gia quyền lực phương Tây, cụ thể là Mỹ bởi lo sợ hình ảnh trên trường quốc tế vốn đã hoen mờ bởi những chỉ trích về việc Trung Quốc cố tình che đậy virus này ngay từ ban đầu, sẽ càng thậm tệ hơn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này chỉ ủng hộ động thái đánh giá lại tình hình virus trong thời gian thích hợp nhưng phản đối cái mà Bộ này mô tả là “hành vi chính trị hóa nguồn gốc virus” của Mỹ và một số nước khác để điều tra, dựa trên tội danh họ giả định.

Ở thời điểm này, giới khoa học vẫn chưa khẳng định nguồn gốc virus hoặc phát hiện chính xác “bệnh nhân số 0” làm bùng phát đại dịch nhưng họ đều đồng tình tin rằng, virus Covid-19 phát tán từ động vật sang người tại Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc.

Đây là nơi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bao gồm một ổ bệnh ở chợ hải sản, bán nhiều động vật hoang dã. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cơ quan này đang đàm phán với Bắc Kinh để thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tới Trung Quốc điều tra nguồn động vật liên quan tới dịch bệnh.

Song, động thái này có lẽ vẫn chưa đủ để thỏa mãn những lo ngại của cộng đồng quốc tế sau khi có chỉ trích cho rằng WHO quá mềm mỏng với Bắc Kinh - theo tranh luận của một số nhà quan sát.

Tờ SCMP dẫn lời bà Angela Stanzel, Phó giám đốc Phụ trách khu vực châu Á thuộc Viện Các vấn đề về An ninh và Quốc tế Đức hoài nghi, WHO thiên vị cho lợi ích của Bắc Kinh nhằm che đậy nguồn gốc virus ở giai đoạn này. Theo bà Angela Stanzel, nếu có bằng chứng chắc chắn Trung Quốc là nguồn lây bệnh, đó sẽ là thảm họa quan hệ công chúng. “Những bằng chứng có thể được phát hiện tại Trung Quốc sẽ phá hủy nỗ lực không ngừng của họ nhằm xoay chiều câu chuyện nguồn gốc virus, trong khi đó lại củng cố những động thái đổ lỗi cho Trung Quốc của Mỹ”, bà nói thêm.

Nữ Phó giám đốc dự đoán, Trung Quốc có thể cho phép điều tra một phần nhằm chứng tỏ với thế giới rằng họ đang hợp tác nhưng bà Angela Stanzel chắc chắn các chuyên gia của Mỹ sẽ không có cơ hội tham gia nhiệm vụ.

Ông Yanzhong Huang, nghiên cứu sinh cấp cao về y tế cộng đồng tại Hội đồng về Quan hệ Ngoại giao có trụ sở tại New York cho biết, việc Bắc Kinh tự vẽ mình trở thành lãnh đạo trong dịch bệnh, ca ngợi những thành công trong phản ứng chống dịch đã gây ra hiệu ứng ngược, nhất là từ phía các quốc gia phương Tây.

“Nếu không có gì phải giấu thì ngay khi hầu hết các nhà khoa học đều đồng tình cho rằng, bản chất của đại dịch lần này không phải do con người tạo ra thì không có lý do gì Trung Quốc lại bác bỏ sáng kiến điều tra nguồn gốc virus. Bởi, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng giúp ngăn chặn những đại dịch trong tương lai và phá vỡ chuỗi truyền nhiễm”, ông Huang nêu ý kiến.

Chấp nhận xung đột thương mại

Vấn đề gốc rễ Covid-19 một lần nữa sẽ được chú ý và đặt lên hàng đầu khi Hội đồng Y tế thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO, tổ chức hội nghị trực tuyến vào hôm nay (18/5).

Liên minh châu Âu, đại diện cho 27 quốc gia thành viên cho hay, tổ chức này sẽ đồng ủng hộ với Australia, Anh và Mỹ về một nghị quyết nhằm đánh giá độc lập đại dịch, tại cuộc họp của WHO. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, bà “rất sẵn lòng ủng hộ cuộc điều tra”.

Vẫn chưa rõ, có bao nhiêu thành viên trong Liên hợp quốc đồng tình với nghị quyết trên nhưng Australia đang hoạt động rất tích cực để vận động hành lang các quốc gia khác, bao gồm Israel và Singapore ủng hộ.

Động thái đó có thể kích động căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh. Trong đó, theo Đại sứ Trung Quốc tại Australia, có khả năng Trung Quốc sẽ tẩy chay rượu vang và thịt bò Australia, một động thái mà giới chức Australia lên án là “cưỡng bức kinh tế”.

Từ đầu tuần trước, Bắc Kinh đã nhấn mạnh với Chính phủ Australia về khả năng ngừng nhập khẩu từ 4 công ty thịt bò lớn của Australia sau khi đe dọa sẽ áp thuế mạnh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của nước này.

Ông Yanzhong Huang, nghiên cứu sinh cấp cao về y tế cộng đồng tại Hội đồng về Quan hệ Ngoại giao có trụ sở tại New York nhận định, nếu WHO có tổ chức điều tra thì hiệu quả của hoạt động này phụ thuộc vào thành phần đoàn đại biểu, khả năng tiếp cận các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (tại Viện Nghiên cứu Virus học của Vũ Hán và Trung tâm Kiểm soát, Ngăn ngừa dịch bệnh Vũ Hán) mà giới chức Mỹ từng cho rằng những nơi này có liên quan tới dịch bệnh.

Trong khi đó, ông Wei Zongyou, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể đồng ý điều tra độc lập nếu ý tưởng này do họ tự nguyện khởi xướng chứ không phải từ áp lực quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.