Bình luận

Vì sao VFF “mất” 18 tỷ trong nháy mắt?

04/07/2019, 17:08

Bản hợp đồng tài trợ của Vinamilk cho các ĐTQG Việt Nam trị giá 60 tỷ đồng nhưng thực tế VFF chỉ nhận về 42 tỷ.

img
VFF và Vinamilk ký kết hợp đồng tài trợ hôm 2/7

Hôm 2/7, VFF đã tổ chức lễ kí kết, tiếp nhận tài trợ từ Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo đó, Vinamilk sẽ tài trợ cho các ĐTQG gồm: ĐTVN, tuyển nữ Việt Nam, U23 Việt Nam, U22 Việt Nam, Olympic Việt Nam trong 3 năm. Con số cụ thể không được tiết lộ nhưng theo tìm hiểu, VFF nhận được 20 tỷ/năm, tức 60 tỷ trong vòng 3 năm hợp đồng.

Dẫu vậy, ít người biết, số tiền thực tế chảy vào tài khoản VFF chỉ là 42 tỷ. Tại sao lại xuất hiện con số này? Cuối tháng 6 vừa qua, VFF thông qua quy định cắt 30% giá trị hợp đồng tài trợ cho cá nhân, tổ chức đem được các hợp đồng tài trợ về.

Càng ly kỳ hơn, đơn vị đóng vai trò trung gian trong thương vụ Vinamilk tài trợ các ĐTQG là Công ty Nam Hương, do doanh nhân Nguyễn Hoài Nam và vợ đứng tên. Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam lại là ứng viên cho chiếc ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF, vị trí ông Cấn Văn Nghĩa để lại.

Công ty Nam Hương hưởng 30% giá trị hợp đồng tài trợ của Vinamilk, tức 18 tỷ đồng. Điều này không sai bởi VFF đã có quy định rõ ràng, công khai. Nhưng dư luận đặt câu hỏi, nếu ông Nam làm Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính mà ông và vợ ông cũng là nhà môi giới tài trợ thì sẽ thế nào? Ngay sau ngày VFF công bố hợp đồng tài trợ từ Vinamilk, ông Nam đã tuyên bố không tham gia tranh cử vào ghế Phó Chủ tịch VFF.

Ở góc nhìn khác, việc cắt 30% giá trị hợp đồng tài trợ cho bên môi giới đành rằng để thúc đẩy công tác vận động tài trợ lâu nay chưa thực sự quyết liệt ở VFF. Nhưng dường như VFF đã hơi “hào phóng” khi tính toán vấn đề này.

Chẳng nói đâu xa, 18 tỷ đồng vừa về tay Công ty Nam Hương là khoản tiền không nhỏ, có thể giúp VFF giải quyết được rất nhiều việc trong bối cảnh tài chính chưa lấy làm dư giả. 18 tỷ đồng cũng là con số tương đương số tiền bầu Đức bỏ ra trả lương cho HLV Park Hang-seo trong 2 năm hợp đồng đầu tiên.

Cần nhắc lại rằng, ở các nhiệm kỳ trước, VFF không hề có quy định “cắt phế” cho bên môi giới tài trợ. Trong khi đó, giai đoạn hiện nay, bóng đá đang nhận được sự tin yêu, ủng hộ của người hâm mộ, các tổ chức, doanh nghiệp. Thế nên, việc cắt 30% giá trị hợp đồng liệu có thực sự cần thiết? Câu hỏi này xin dành cho những người đứng đầu VFF.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.