Quân sự

Trung Quốc phóng tên lửa đẩy "thay đổi cuộc chơi" từ biển

15/09/2020, 15:07
image

Đây là lần thứ hai, Trung Quốc phóng tên đẩy vũ trụ mang theo vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất từ bệ phóng trên biển.

img
Tên lửa đẩy Trường Chinh-11 trong lần phóng đầu tiên - ảnh tư liệu

Trung Quốc đã tiến hành vụ phóng tên lửa đẩy vào không gian từ ụ nổi trên biển lần thứ hai vào sáng sớm ngày hôm nay 15/9.

Phương tiện đẩy được sử dụng là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn Trường Chinh-11 (Long March-11). Vụ phóng được thực hiện từ một bệ nổi di động bố trí trên Biển Hoàng Hải, vùng biển ngoài khơi tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc.

So với lần phóng đầu tiên, các nhà phát triển đã tối ưu hóa và sắp xếp hợp lý hơn nữa khả năng phóng trên biển của tên lửa Trường Chinh-11 bằng cách triển khai một tàu phóng mới và đưa một hệ thống vận hành ven biển mới vào hoạt động.

Sự cải tiến và chuẩn bị này tạo nền tảng vững chắc cho Trung Quốc có thể tiến hành các nhiệm vụ phóng tên lửa đẩy tương tự trên biển thường xuyên hơn trong tương lai.

Video vụ phóng tên lửa Trường Chinh-11 mới nhất diễn ra sáng nay (15/9):

Sứ mệnh phóng tên lửa Trường Chinh-11 từ biển vào sáng nay đã đưa thành công một nhóm gồm 9 vệ tinh viễn thám thương mại, tất cả đều thuộc cùng “gia đình vệ tinh” Jilin-1 03, vào quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (SSO) ở độ cao 535 km.

Nhóm các vệ tinh phóng vào sáng nay được phát triển bởi công ty TNHH “Công nghệ vệ tinh Chang Guang” có trụ sở tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc.

Các vệ tinh sẽ cung cấp dữ liệu viễn thám và một loạt các dịch vụ bao gồm lâm nghiệp, nông nghiệp và hàng hải cho khách hàng của họ.

"Nhiệm vụ hôm thứ Ba đánh dấu lần ra mắt ứng dụng thương mại đầu tiên của Trung Quốc trên biển", Jin Xin, phó tổng chỉ huy phương tiện phóng tên lửa Trường Chinh-11 nói với báo chí nước này.

img
Lắp ráp tên lửa Trường Chinh-11 trên ụ nổi tại Cảng hàng không vũ trụ Đông Phương.

Trường Chinh-11 là một phương tiện phóng nhiên liệu rắn hạng, có chiều dài khoảng 20 mét với đường kính 2 mét, nặng khoảng 58 tấn.

Trước vụ phóng hôm thứ Ba, tên lửa Trường Chinh-11 đã thực hiện chín chuyến bay thành công, bao gồm cả vụ phóng trên biển đầu tiên của Trung Quốc được tiến hành vào tháng 6 năm 2019.

Việc lắp ráp tên lửa Trường Chinh-11 cho sứ mệnh phóng từ biển hôm nay và lắp đặt tên lửa-vệ tinh đều được thực hiện tại Cảng hàng không vũ trụ Đông Phương (còn được gọi là Cảng hàng không vũ trụ phía Đông).

Tên lửa sau đó được chuyển từ cảng ở Haiyang của tỉnh Sơn Đông đến địa điểm phóng được chỉ định.

img
Tên lửa đẩy Trường Chinh-11.

Peng Kunya, nhà thiết kế chính của tên lửa đẩy Trường Chinh-11, công trình hợp tác với Học viện Xe phóng tên lửa Trung Quốc (CALT), được giám sát bởi tập đoàn hàng không vũ trụ quốc doanh của nước này là Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), đã gọi Trường Chinh-11 là “người thay đổi cuộc chơi".

Sự kiện phóng lần này được xem là một quá trình hợp lý hóa mô hình trước đây, trong đó việc chế tạo tên lửa và bãi phóng tách biệt nhau, bằng cách giảm thời gian tháo rời và lắp ráp.

Nó cũng cắt giảm thời gian di chuyển bằng đường sắt với quãng đường dài, rút ​​ngắn đáng kể chuỗi hậu cần cho việc chuẩn bị và nâng cao đáng kể hiệu quả của sứ mệnh phóng tên lửa – ông Peng Kunya nhấn mạnh.

Cũng theo ông Peng Kunya, đây cũng là nhiệm vụ phóng trên biển Trường Chinh-11 đầu tiên vào quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (SSO).

"Góc phóng tới SSO là cố định và một khi địa điểm phóng được xác minh, nó sẽ trở thành thông lệ cho các nhiệm vụ trong tương lai."

Ngoài ra, các vụ bắn tên lửa đẩy trên biển có thể giảm thiểu rủi ro an toàn sau phóng một cách hiệu quả, vì các mảnh vỡ tên lửa sẽ không rơi xuống các khu vực đất đông dân cư, ông Peng nhấn mạnh thêm.

Nhóm phát triển tên lửa Trường Chinh-11 cũng đang nghiên cứu một mẫu tên lửa đẩy nhiên liệu rắn mới có khả năng phóng trọng tải hai tấn lên quỹ đạo Trái đất thấp và họ dự kiến ​​sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên từ biển vào năm 2022.

img
Một tên lửa đẩy hạng nặng của Trung Quốc - ảnh tư liệu.

Được mệnh danh là trung tâm phóng vũ trụ thứ năm của Trung Quốc, việc xây dựng Cảng hàng không vũ trụ Đông Phương làm cơ sở cho các vụ phóng tên lửa đẩy nhiêu liệu rắn hạng nhẹ trên biển đã được chính phủ Trung Quốc phê duyệt vào tháng 7 năm 2019 và tiến độ cụ thể đã được thực hiện đúng kế hoạch của Bắc Kinh.

Với việc cảng mới hiện đã đi vào hoạt động, Trung Quốc hiện đã đặt nền tảng cho các hoạt động phóng tàu vũ trụ, vệ tinh bằng tên lửa đẩy trên biển thường xuyên trong tương lai.

Bãi phóng hôm thứ Ba nằm cách cảng Haiyang ở Sơn Đông ở Biển Hoàng Hải 350 km về phía đông nam. Tên lửa được tàu Debo-3 vận chuyển đến địa điểm chỉ định trước khi được phóng từ chính con tàu này.

Tàu phóng Debo-3 có chiều dài 160 mét và chiều rộng 40 mét, có thể chạy với tốc độ khoảng 20 km một giờ.

Sứ mệnh phóng tên lửa Trường Chinh-11 lần đầu tiên diễn ra từ ngày 11 tháng 3 đến ngày 5 tháng 6 năm 2019 từ sà lan bán chìm cỡ lớn có tên Tairui.

Không giống như tàu Tairui, tàu Debo-3 có thể tự đi thuyền, mỏng hơn và dài hơn, khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và điều kiện hàng hải.

Nhóm phát triển tàu Debo-3 đã phải tiến hành một cuộc thử nghiệm mô phỏng trước nhiệm vụ, và cảm thấy tàu mới sẽ có thể thích nghi tốt với sự thay đổi của môi trường trên biển.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, công nghệ phóng từ biển đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với vệ tinh có độ nghiêng thấp và giúp Trung Quốc cung cấp dịch vụ phóng cho các nước tham gia “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.