Y tế

Viêm bàng quang cấp có thể tái đi tái lại?

Viêm bàng quang cấp là bệnh rất dễ gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp cả nam giới và nữ giới nhưng phổ biến ở phụ nữ, chiếm 95%, có thể mắc nhiều lần.

img

Ảnh minh họa

Hỏi:

Tôi bị tiểu buốt rắt đã 20 ngày, không tiểu ra máu, không đau lưng hông, tôi tự uống thuốc theo đơn thuốc cũ nhưng không đỡ. Sau đó, tôi đi khám phòng khám tư được chẩn đoán viêm đường tiết niệu và uống thêm đơn thuốc 7 ngày nhưng cũng không hiệu quả. Mong bác sĩ tư vấn, xin cảm ơn?

Trần Khánh (Hà Nội)

Trả lời:

Trước hết, việc tự uống thuốc kháng sinh dễ dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh, chính vì vậy chỉ khi được bác sĩ kê đơn mới dùng kháng sinh theo đúng liều lượng đã hướng dẫn.

Tiểu buốt có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do viêm bàng quang. Bệnh nhân cần đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như: Siêu âm ổ bụng, tổng phân tích nước tiểu và cặn nước tiểu, nuôi cấy vi khuẩn nước tiểu và kháng sinh đồ.

Viêm bàng quang cấp là bệnh rất dễ gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp cả nam giới và nữ giới nhưng phổ biến ở phụ nữ, chiếm khoảng 95% và có thể mắc tái đi tái lại nhiều lần.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn E.Coli, đặc biệt ở phụ nữ do cấu tạo của niệu đạo ngắn, lại gần hậu môn nếu vệ sinh không đúng cách, vi khuẩn rất dễ xâm nhập niệu đạo, đi ngược lên bàng quang gây viêm cấp tính.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ chuyển thành viêm bàng quang mạn tính. Nếu bệnh không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm ngược dòng lên thận gây viêm thận (viêm bể thận), xấu nhất là gây suy thận.

Bệnh viêm bàng quang cấp cũng có thể gây nhiễm trùng huyết. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến biến chứng suy thận làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân.

Để phòng tránh viêm bàng quang, người dân cần lưu ý: Uống đủ nước; không nên nhịn tiểu, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng, nhu cầu uống nước tăng cao; vệ sinh khi đại, tiểu tiện đúng cách, lau từ trước ra sau khi đi tiểu với nữ giới; tránh sử dụng thuốc thụt rửa âm đạo hoặc thuốc vệ sinh phụ nữ dạng xịt; hạn chế ngâm mình trong bồn tắm hay tắm dưới ao hồ, sông suối; vận động cơ thể đều đặn hàng ngày để việc bài tiết và lưu thông nước tiểu được dễ dàng; có chế độ ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng chống chọi với bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng.

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường như tiểu buốt, tiểu máu, nước tiểu có mủ ở cuối bãi, sốt nhẹ… cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.